Nhảy đến nội dung
 

Bước đi chiến lược hướng tới chủ quyền số và nền kinh tế bền vững

Đánh giá Luật Công nghiệp công nghệ số là bước đi chiến lược hướng tới chủ quyền số và nền kinh tế bền vững, chuyên gia Đại học RMIT cho rằng, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình tự chủ bằng cách đầu tư vào công nghệ trong nước.

Xây dựng nền kinh tế số vững mạnh với Luật Công nghiệp công nghệ số

Theo Tiến sĩ Sreenivas Tirumala - Giảng viên cấp cao ngành CNTT, Khoa Khoa học, kỹ thuật và công nghệ của Đại học RMIT Việt Nam, là nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng lớn từ căng thẳng thương mại toàn cầu. Việt Nam hiện nhập khẩu phần lớn hạ tầng kỹ thuật số, từ phần cứng, phần mềm đến các dịch vụ đám mây và Internet vạn vật - IoT. Những công nghệ này chủ yếu đến từ các quốc gia như Mỹ và Israel, có chi phí cao và hạn chế quyền kiểm soát dữ liệu.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề “Liệu Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và xây dựng nền kinh tế số vững mạnh với Luật Công nghiệp công nghệ số mới ban hành?”, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala nhận định: Luật Công nghiệp công nghệ số là một bước đi chiến lược hướng tới chủ quyền số và một nền kinh tế bền vững.

Bằng cách thúc đẩy đổi mới trong nước, giảm phụ thuộc vào các nền tảng nước ngoài và đầu tư vào nguồn nhân lực, Việt Nam đang đặt nền móng để trở thành quốc gia lãnh đạo nền kinh tế số ASEAN trong dài hạn.

“Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xem xét lại chiến lược số của đất nước. Thay vì tiếp tục dựa vào nền tảng và hạ tầng nước ngoài, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình tự chủ bằng cách đầu tư vào công nghệ trong nước. Luật Công nghiệp công nghệ số được thông qua mới đây là một khung pháp lý kịp thời để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này”, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala nêu quan điểm.

Giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu

Chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam phân tích: Phát triển các nền tảng và công cụ trong nước sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trên và mở rộng quyền truy cập cho người dùng Việt Nam. Các nền tảng, công cụ trong nước sẽ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu theo quy định của Việt Nam, qua đó cũng đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về quyền riêng tư và chủ quyền dữ liệu trong Luật Công nghiệp công nghệ số.

Ngoài các dịch vụ đám mây và an ninh mạng đang phụ thuộc vào nhà cung cấp quốc tế, thị trường tiêu dùng số của Việt Nam hiện cũng bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee và Grab.

“Những nền tảng này có phần mềm tiên tiến, tốc độ cao và trải nghiệm người dùng vượt trội, khiến các lựa chọn trong nước khó cạnh tranh. Tuy nhiên, với đầu tư đúng đắn vào kỹ năng và hạ tầng, chúng ta có thể khắc phục sự mất cân bằng này”, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala cho biết.

Dẫn ra bài học của Ấn Độ, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala cho hay, các nền tảng nội địa như Ola và Rapido của quốc gia này đã thành công trong việc cạnh tranh với Uber bằng cách cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu địa phương; đồng thời đề xuất rằng: “Các nền tảng Việt Nam có thể đi theo con đường tương tự, đặc biệt khi nhận được ưu đãi tài chính và hỗ trợ kinh phí mua sắm công nghệ mà Luật Công nghiệp công nghệ số đề ra”.

Chẳng hạn, việc phát triển công cụ AI tạo sinh “Made in Việt Nam” sẽ giúp mở rộng quyền truy cập và giảm thiên kiến liên quan đến lợi ích chính trị hoặc thương mại của nước ngoài. Việc tự chủ công cụ cũng giúp người dùng Việt Nam không phải đối mặt các quy định quốc tế mang tính hạn chế, đảm bảo họ không bị tước quyền tiếp cận các dịch vụ thiết yếu do quyết định chính sách từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam cũng cho rằng: Sự bùng nổ CNTT trong nước còn có thể mở ra cơ hội cho Việt Nam ở khu vực. Vị trí chiến lược, sự tương đồng văn hóa với các nước ASEAN và trình độ số ngày càng tăng khiến Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm dịch vụ số trong khu vực.

Bằng cách cung cấp các giải pháp được tùy chỉnh cho khách hàng với chi phí hợp lý, Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sang các nước như Campuchia và Thái Lan - những thị trường có thể mong muốn dịch vụ được “địa phương hóa” hơn là sản phẩm quốc tế đại trà.

Hình thành lực lượng lao động hỗ trợ tăng trưởng số

Cũng theo phân tích Tiến sĩ Sreenivas Tirumala, lợi thế nhân khẩu học của Việt Nam là rất rõ ràng khi cả nước có đến 51,7% dân số dưới 34 tuổi tính đến năm 2024. Lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ này là tài sản lớn trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất giá rẻ sang nền kinh tế số. Tuy nhiên, chỉ 28,8% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên, điều này cho thấy khoảng cách đáng kể giữa cung và cầu kỹ năng.

Từ thực trạng trên, chuyên gia Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: Việc hợp tác giữa các trường và doanh nghiệp để thiết kế chương trình đào tạo và đánh giá người học là vô cùng quan trọng. Việt Nam có thể học hỏi mô hình đào tạo nghề kép, kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành, của Đức.

Hiện nay, một số cơ sở giáo dục tại Việt Nam cũng đã cung cấp các môn học hướng tới đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong các lĩnh vực như CNTT, AI, IoT và an ninh mạng, giúp chuẩn bị lực lượng lao động cho tương lai.

Đề xuất Chính phủ nên triển khai các nỗ lực đưa CNTT vào chương trình học từ sớm, Tiến sĩ Sreenivas Tirumala cũng khuyến nghị: Cần xem xét hỗ trợ các cơ sở đào tạo nhỏ cung cấp các khóa học nâng cao kỹ năng và cấp chứng chỉ theo nhu cầu của các ngành. Bởi lẽ, điều này sẽ giúp một bộ phận người dân không có điều kiện học đại học dễ dàng tiếp cận các khóa học CNTT hơn.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn