Nhảy đến nội dung

Bớt kiêm nhiệm để giáo viên tập trung vào giảng dạy

Nhiều bạn đọc đồng tình với Thông tư số 05 quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ nhằm bảo đảm quyền lợi cho giáo viên và quan trọng hơn là để thầy cô tập trung vào việc giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.

Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 22.4.2025, Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông, dự bị đại học có hiệu lực. Thông tư quy định mỗi GV không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ, thay vì thường phải làm quá nhiều việc như trước đây.

Cô H.T, một GV THCS ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết lâu nay ngoài công tác giảng dạy, cô phải kiêm GV chủ nhiệm, tổ phó chuyên môn, công tác công đoàn... Chưa kể cô còn được điều động làm các việc khác ngoài chuyên môn khi có hoạt động "đột xuất" của địa phương, nhà trường; thu tiền bảo hiểm và các khoản đóng góp khác của học sinh (HS)...

Tình trạng như cô H.T không hiếm gặp. Tại nhiều trường học hiện nay, ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy và giáo dục HS, nhiều GV thường được phân công thêm một số chức vụ về chuyên môn giảng dạy, về công tác đoàn thể hoặc các hoạt động khác. Những hoạt động không tên nhưng cũng "ngốn" khá nhiều thời gian, công sức của GV.

Chính vì vậy, khi thông tư về chế độ làm việc mới với GV ra đời, trong đó nêu rõ quy định GV không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ, được nhiều nhà giáo đồng thuận.

Trong khi đó, một số hiệu trưởng cho rằng Thông tư 05 sẽ là thách thức cho các nhà trường trong bối cảnh còn thiếu GV hiện nay. Tuy nhiên, nếu được chuẩn bị kỹ và thực hiện có hệ thống, các trường được tuyển đủ định mức GV theo quy định, sẽ cải thiện được chất lượng giáo dục cũng như làm tăng sự hài lòng của GV trong công việc.

Chia sẻ thêm về nội dung này, lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD-ĐT), cho rằng: "Quy định mỗi GV không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ (bao gồm cả kiêm nhiệm công việc chuyên môn, công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác và một số vị trí việc làm khác) nhằm giảm áp lực không đáng có cho GV, giúp nhà giáo tập trung vào công tác chuyên môn".

Nhiều câu hỏi từ thực tiễn

"Lúc tôi mới tốt nghiệp, được phân công về một trường cũng xa xa, và được giao vô số việc. Ngoài đứng lớp chính, còn dạy các lớp phụ khi cần, tham gia công tác đoàn thể, vào tổ văn nghệ, đi thu tiền bảo hiểm, các khoản đóng góp, photo tài liệu… Máy tính của ai trục trặc cũng "kêu" tôi, in ấn gì cũng "ới" tôi, phòng lab đứt cầu dao cũng "gọi" tôi… Thứ bảy, chủ nhật, ngày hè… thì dẫn HS đi thi văn nghệ, đấu thể thao, sinh hoạt dã ngoại… Thầy hiệu trưởng nói vui: "GV là phải biết làm hết mọi việc. Hồi thầy mới ra trường, việc gì cũng làm, nên việc gì cũng biết". Cũng may bây giờ thì khác rồi", bạn đọc (BĐ) Công Danh kể.

Mặc dù Thông tư 05 đã có hiệu lực, nhưng một số BĐ vẫn thắc mắc về những việc GV kiêm nhiệm. BĐ Hoàng Giang Huỳnh hỏi: "Nhà trường phân công tôi làm những nhiệm vụ sau đây, xin hỏi có vượt mức theo quy định của Thông tư 05 hay không? Công việc: giảng dạy môn tin học và môn công nghệ lớp 3, 4, 5, 6, 7, 8 (12 tiết), phụ trách giáo dục phổ cập (6 tiết), quản lý phòng tin học (3 tiết), quản lý các phần mềm Smas, Edoc, K12online, Cấp phát bằng tốt nghiệp, Tuyển sinh đầu cấp, Học bạ điện tử, Đánh giá công chức, viên chức… Những phần mềm đó không có quy đổi ra tiết nên không biết tính thế nào".

BĐ Bạn Đọc Mới thắc mắc: "Nếu GV đang kiêm nhiệm chủ tịch công đoàn, phó chủ tịch hội đồng thi đua (phải làm hồ sơ thi đua), vậy có phải đang kiêm nhiệm 2 nhiệm vụ không? Với vai trò chủ tịch công đoàn thì đã phụ trách nhiều hoạt động, hồ sơ sổ sách, rồi thêm vai trò phó chủ tịch hội đồng thi đua cũng phải hoạt động, làm hồ sơ... Dĩ nhiên là sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục rồi".

Giảm bớt áp lực cho giáo viên

Nói về Thông tư 05, BĐ Tien Minh cho biết: "Thông tư này "cắt" được rất nhiều việc không tên mà rất hao tâm, tốn công sức của GV. Giờ thì GV yên tâm hơn để tập trung cho chuyên môn của mình, đây là điều quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy". 

BĐ Đ.M.B nhận xét: "Thông tư này đã giúp giảm được những áp lực của công việc ngoài chuyên môn dạy học, nhất là vấn đề thu tiền bảo hiểm mà các thầy cô phải làm. Chuyện tiền bạc dễ làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo lâu nay… Rất mong Bộ GD-ĐT sâu sát hơn, bỏ bớt các việc kiêm nhiệm của GV, để thầy cô yên tâm làm tốt công việc dạy học của mình". BĐ Hoàng Giang cũng đề nghị: "Ngoài những nhiệm vụ kiêm nhiệm, hãy giảm bớt các cuộc thi, góp ý các văn bản, thống kê báo cáo... không cần thiết cho GV".

Trong khi đó, BĐ Jun tự giới thiệu "là một phụ huynh", đề nghị: "Thông tư 20/2023 có hiệu lực rồi mà sao chưa thấy triển khai chức danh tư vấn tâm lý học đường trong các trường nhỉ, nhất là trường THCS và THPT? Công nghệ càng phát triển thì lứa tuổi HS này rất cần sự giúp đỡ, tư vấn của thầy cô, chuyên viên về những khúc mắc tâm lý của tuổi mới lớn. Phụ huynh chúng tôi rất mong điều này, vì nhiều cái các con không dám thổ lộ với cha mẹ. Rất mong các trường sớm có GV làm công tác tư vấn cho HS".