Nhảy đến nội dung

'Bóc phốt' người đồng hành vì không 'hợp gu' sau khi đi du lịch ghét

Câu chuyện ‘bóc phốt nhau sau chuyến du lịch nước ngoài’ đang rần rần trên các hội nhóm mạng xã hội.

Từ những dòng đăng bài tìm bạn du lịch cho tiết kiệm chi phí, đến những dòng “bóc phốt” dài dằng dặc vì không hợp nhau, cư dân mạng bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu có nên du lịch cùng người xa lạ?

Khi giấc mơ du lịch hóa ác mộng 

Không chỉ bài viết nói trên, nhiều người cũng gặp trường hợp oái oăm khi du lịch cùng người lạ. Chị Huỳnh Nguyên Thảo (31 tuổi), ngụ TP.Thủ Đức (TP.HCM) chia sẻ trải nghiệm nhớ đời khi ghép nhóm đi Tây Á trong chuyến hành trình kéo dài 10 ngày. 

Chị Thảo nói là phụ nữ, lại một mình đến nơi xa lạ mà mọi người không nói tiếng Anh, chị quyết định đăng bài trên nhóm tìm bạn đồng hành du lịch. Không ngờ, từ quyết định vội vàng ấy, một chuỗi ngày mệt mỏi bắt đầu. 

“4 người phụ nữ đi chung nhưng chúng mình không nói chuyện trước để tìm hiểu gu du lịch của nhau. Vào chuyến đi mới thấy, các bạn ấy chỉ muốn đến các điểm nổi tiếng, chụp ảnh check in, quay clip liên tục. Trong khi mình chỉ muốn đi dạo, tận hưởng không khí mùa xuân, ngồi quán cà phê ngắm người qua lại. Mình bị nhờ chụp hình liên tục, đến mức thấy mệt”, chị Thảo kể. 

Không chỉ khác biệt trong lịch trình, chuyện ăn uống cũng là thử thách. “Mình dễ ăn, thích khám phá món lạ. Còn bạn đi cùng thì kén, cứ than không ngon rồi đòi ăn món Á. Cuối cùng phải lòng vòng tìm quán ăn hợp khẩu vị bạn ấy, vừa mắc, vừa mất hứng”, chị kể tiếp. 

Sau chuyến đi, chị Thảo rút ra bài học xương máu: “Khi đăng tìm bạn đồng hành, phải ghi rõ phong cách du lịch của mình: thích chụp ảnh, chịu đi bộ, dễ ăn uống… để tránh va chạm, cũng như trao đổi kỹ về chi phí, thích du lịch sang chảnh hay kiểu du lịch bụi...” 

Tương tự, Nguyễn Thanh Gia (28 tuổi), ngụ 23 Nguyễn Hồng Sơn (Phú Yên) cũng từng gặp tình huống “khó đỡ” khi ghép nhóm đi Campuchia. 

Gia muốn đến Angkor Wat (điểm đến biểu tượng) nhưng một thành viên trong nhóm vì tiết kiệm đã không muốn đi. “Hai người kia nghe theo, còn mình muốn đi nhưng nếu tách đoàn thì thiếu xe. Rốt cuộc phải bỏ điểm đến mình mong chờ nhất”, anh kể. 

Lần khác, khi phượt xe máy cùng nhóm đông, anh suýt gặp tai nạn do nhóm chạy ẩu, chắn ngang đường đèo. “May mình xử lý kịp. Từ đó mình quyết không chạy theo đoàn nữa, chỉ hẹn gặp nhau ở điểm dừng”, Gia chia sẻ. 

Còn với Lê Thị Tuyết Hà (29 tuổi), ngụ 61 đường 8 P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức (TP.HCM), chuyến đi cùng nhóm bạn mới quen cũng là một trải nghiệm “đắng lòng”. 

"Đi 7 ngày mà ngày nào mình cũng thấy khó chịu. Họ chỉ muốn ăn quán vỉa hè để tiết kiệm, còn lại chạy xe máy giữa tiết trời rét buốt, trùm áo mưa mà run. Đỉnh điểm là khi tới Huế, 1 người nhất quyết không vào vì tiếc tiền vé. Thuyết phục không được, tụi mình phải bỏ chị ấy lại. 

Còn lần khác, tụi mình bàn nhau xem buổi biểu diễn ở Hội An. Thành viên khác than tốn tiền quá, xin tình nguyện ở ngoài chờ. Buổi diễn đang chiếu thì họ đùng đùng gọi điện bảo các thành viên khác về vì kêu đường xa, chạy xe máy bất tiện”, cô kể. Sau lần đó, Hà “cạch tới già” việc đi du lịch với người không quen. 

Đi du lịch nhóm: Không dễ

Bà Bùi Khoa Thi, Giám đốc điều hành Công ty du lịch Mỹ Kỳ (TP.HCM) cho rằng: “Khi chọn tour ghép đoàn, dù là trong hay ngoài nước, mọi lịch trình như ăn uống, điểm đến, thời gian đều cần cố định. Nhờ đó, mọi người đi cùng thường đã có gu tương đồng: tâm linh, khám phá, nghỉ dưỡng hay mạo hiểm, sẽ ít xảy ra va chạm hơn”. 

Bà Thi cũng cho rằng nếu muốn tự tổ chức chuyến đi, nên sắp xếp, thỏa thuận rõ ràng từ trước. “Không nên nghĩ đi rồi tính. Mỗi người có thói quen, nhu cầu khác nhau, không thảo luận trước dễ dẫn đến mâu thuẫn”, bà Thi chia sẻ.

Bà Thi nói du lịch với người lạ, về lý thuyết là tiết kiệm, mở rộng quan hệ. Nhưng thực tế, nếu không “hợp gu”, chi phí tiết kiệm được có thể không bù nổi những rạn nứt tâm lý. Một chuyến đi đáng ra để nghỉ ngơi, khám phá và tận hưởng, lại trở thành chuỗi ngày mỏi mệt, ức chế, thậm chí kết thúc bằng những dòng “bóc phốt” trên mạng xã hội. 

“Chọn bạn đồng hành không chỉ là chọn người đi cùng, mà là chọn một người đồng cảm với nhịp sống, sở thích và thói quen của mình. Nếu không chắc, có lẽ đi một mình lại là lựa chọn bình yên hơn”, bà Thi nói.