Bộ Y tế thành lập 15 tổ kiểm tra thuốc, mĩ phẩm, thực phẩm chức năng

TPO - Trong đợt cao điểm, 15 tổ kiểm tra đã được thành lập, tập trung vào các lĩnh vực: dược phẩm, mĩ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế.
Từ ngày 15/5 đến 15/6, Bộ Y tế triển khai tháng cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực y tế. Hoạt động này được thực hiện theo Quyết định số 1703/QĐ-BYT, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các Cục chức năng và Sở Y tế địa phương.
Bộ Y tế thành lập 15 tổ kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực: dược phẩm, mĩ phẩm, y dược cổ truyền, sữa, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế.
Cụ thể, Cục Quản lí Dược thành lập 5 tổ kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mĩ phẩm; Cục Y, Dược cổ truyền thành lập 2 tổ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; Cục An toàn thực phẩm thành lập 5 tổ kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa và thực phẩm chức năng; Cục Hạ tầng và Thiết bị y tế thành lập 3 tổ kiểm tra các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế.
![]() |
Thuốc giả bị cơ quan chức năng thu giữ. |
Mỗi tổ kiểm tra gồm công chức chuyên môn tại các Cục và nhân sự được trưng dụng từ các đơn vị liên quan. Bộ Y tế cũng đề nghị các Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh, thành phố thành lập đoàn kiểm tra tại địa phương.
Tập trung phát hiện, xử lí vi phạm
Hoạt động kiểm tra tập trung vào việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản và quảng cáo các sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế. Đặc biệt, các tổ công tác sẽ giám sát chặt chẽ các nội dung: sản xuất, kinh doanh thuốc, mĩ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái; việc quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, trong đó kiểm tra vai trò của các nhà khoa học, cán bộ y tế tham gia quảng bá sản phẩm; phát hiện, xử lí tình trạng quảng cáo sai sự thật, phóng đại công dụng, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và pháp luật.
Đối tượng kiểm tra là các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, hộ kinh doanh trực tiếp kinh doanh dược phẩm, mĩ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc cổ truyền, thiết bị y tế. Nội dung kiểm tra tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo quản, lưu trữ; việc thực hiện pháp luật, các quy định về dược, mĩ phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mĩ phẩm.
![]() |
TS.Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) kiểm tra tại Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Quốc Y Đường chiều 21/5 |
Việc thực hiện các quy định về thuốc cổ truyền, dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ, phòng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền; các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, hộ kinh doanh trực tiếp kinh doanh nguyên liệu thực phẩm, sữa, thực phẩm chức năng; thực hiện pháp luật, các quy định về thiết bị y tế tại các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh thiết bị y tế.
Bộ Y tế yêu cầu các nhà khoa học, cán bộ ngành y kí cam kết không tham gia quảng cáo sai lệch, không giới thiệu sản phẩm chưa xác minh rõ tài liệu pháp lí, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Đợt cao điểm lần này là bước thực hiện các chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện số 41, 55, 65 và Chỉ thị số 13/CT-TTg, trong bối cảnh tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và quyền lợi của người tiêu dùng.
Bộ Y tế khẳng định công tác kiểm tra, xử lí vi phạm sẽ được triển khai đồng bộ, thường xuyên, không mang tính phong trào, nhằm từng bước chấm dứt tình trạng buôn bán, lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực y tế.