Bộ Tư pháp Mỹ đẩy mạnh chính sách hủy nhập tịch

Bộ Tư pháp Mỹ chỉ đạo các luật sư thuộc Cục Dân sự ưu tiên giải quyết những trường hợp "hủy nhập tịch" đối với công dân không sinh ra tại Mỹ, nếu họ có hành vi phạm tội nghiêm trọng trước khi được cấp quốc tịch hoặc khai báo gian dối trong hồ sơ nhập tịch, theo bản ghi nhớ ký ngày 11/6 và được cập nhật trên website vào ngày 30/6.
"Cục Dân sự phải ưu tiên và nỗ lực tối đa thực thi quy trình hủy nhập tịch đối với mọi trường hợp mà pháp luật cho phép và có bằng chứng thuyết phục", Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Brett A. Shumate viết trong bản ghi nhớ.
Cơ quan Quốc tịch và Di trú Mỹ (USCIS) định nghĩa "nhập tịch" là quá trình cấp quyền công dân cho người thường trú hợp pháp tại nước này sau khi đáp ứng các điều kiện theo Đạo luật Di trú và Quốc tịch (INA). Theo Viện Chính sách Di trú (MPI), trong số 46,2 triệu người nhập cư sống tại Mỹ năm 2022, có khoảng 24,5 triệu người (tương đương 53%) đã được nhập tịch.
Các luật sư liên bang được mở rộng danh sách tình huống áp dụng và thẩm quyền để thực thi chỉ thị.
Bản ghi nhớ liệt kê 10 nhóm ưu tiên bị thu hồi kết quả nhập tịch, trong đó có những trường hợp như khai gian trong hồ sơ di trú, gian lận tài chính hoặc y tế đối với chính phủ Mỹ hoặc cá nhân.
Chính sách này cũng nhắm đến những người bị cáo buộc là tội phạm chiến tranh, hành quyết người không qua xét xử hoặc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nước khác trước khi nhập tịch, tội phạm có tổ chức và thành viên băng đảng hoặc đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.
Khi luật sư thuộc Cục Dân sự Bộ Tư pháp Mỹ khởi động quy trình hủy nhập tịch, bị đơn không được quyền có luật sư chỉ định như trong các vụ án hình sự. Ngoài ra, giới chức không cần phải đưa ra những chứng cứ chặt chẽ như án hình sự, do đó có thể đẩy nhanh tiến độ xử lý.
"Về bản chất, chính sách này giúp bảo vệ hệ thống nhập tịch, đảm bảo rằng những người đã gian lận để được nhập tịch không được tiếp tục hưởng lợi từ hành vi vi phạm pháp luật", Shumate viết.
Bộ Tư pháp và Nhà Trắng chưa bình luận về chính sách này.
Hủy nhập tịch từng được chính phủ Mỹ áp dụng quyết liệt trong giai đoạn cuối thập niên 1940 - đầu 1950, được mở rộng dưới thời cựu tổng thống Barack Obama và trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump.
Cục Dân sự Bộ Tư pháp Mỹ đang là mũi nhọn thực thi nhiều chính sách của Tổng thống Trump, trong đó nỗ lực chấm dứt các chương trình đa dạng - bình đẳng - hòa nhập (DEI) trong cơ quan chính phủ và trường đại học, ngừng hỗ trợ liên bang cho điều trị chuyển giới.
Một số chuyên gia luật di trú lo ngại việc Bộ Tư pháp lạm dụng quy trình tố tụng dân sự để hủy nhập tịch. Giáo sư luật Cassandra Robertson, Đại học Case Western Reserve, cho rằng việc chính sách mới có thể đi ngược lại Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ về quyền được xét xử công bằng.
"Cách làm này có thể tạo ra một tầng lớp 'công dân hạng hai' tại Mỹ", Sameera Hafiz, Giám đốc chính sách của Trung tâm Tài nguyên Pháp lý Di trú, nhận định.
Ngược lại, chuyên gia Hans von Spakovsky thuộc tổ chức tư vấn chính sách Heritage Foundation, ủng hộ Bộ Tư pháp Mỹ hành động quyết liệt "để bảo vệ đất nước khỏi tội phạm tình dục, tội phạm băng đảng và khủng bố".
"Không ai cấm người nhập cư tự thuê luật sư đại diện pháp lý. Họ chỉ không được chính phủ đài thọ chi phí, tức sử dụng tiền người dân nộp thuế. Chẳng có vi phạm nào về 'quy trình xét xử công bằng' cả. Mọi quy trình về di trú đều thuộc về dân sự và chính phủ không có trách nhiệm cung cấp luật sư cho bất kỳ ai, kể cả công dân Mỹ, đối với vấn đề dân sự", ông nói.
Thanh Danh (Theo Guardian, NPR, Vox)