Bỏ án tử hình 8 tội danh: Giảm tải trại giam, giảm gánh nặng ngân sách

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh cho rằng việc bỏ án tử hình với 8 tội danh, đặc biệt tội danh vận chuyển ma túy, là hợp lý vì hiện án tử hình đang gây quá tải trại giam và tạo gánh nặng ngân sách nhà nước.
Chiều 20.5, tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự.
Bán thuốc giả khiến dân rất bức xúc, không thể bỏ án tử hình
Dự thảo luật đề xuất bỏ tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án với 8 tội danh, gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ vận chuyển trái phép chất ma túy; hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; gián điệp; phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) nhất trí bỏ tử hình với 5 trong 8 tội danh trên. Riêng với 3 tội danh: vận chuyển trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; nhận hối lộ, đại biểu đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình.
Theo đại biểu đoàn Quảng Ngãi, với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, hình phạt tử hình nhằm mục đích răn đe và hướng tới tương lai Việt Nam không thành địa điểm trung chuyển ma túy.
Thực tế vừa qua, ông cho biết, loại tội phạm này diễn biến phức tạp và có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có những vụ vận chuyển hàng trăm tấn heroin, gây tác hại rất lớn đối với xã hội.
Với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ, ông Hùng cũng cho rằng, do tình hình tham nhũng diễn biến hết sức phức tạp thời gian qua nên cần giữ lại hình phạt tử hình để xử lý nghiêm minh.
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) thì không đồng tình với việc bỏ tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
"Vừa qua, có nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả khiến nhân dân rất bức xúc. Đầu tiên phải nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan chức năng trong kiểm tra, giám sát, nhưng tội phạm này cũng rất tinh vi trong sản xuất thuốc giả, sau đó tập trung đưa vào các bệnh viện, trung tâm y tế, nơi người dân tin tưởng nhất", bà Thúy nói về đề nghị không bỏ hình phạt tử hình với tội này.
Với tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tham ô tài sản và nhận hối lộ, bà Thúy cũng đề nghị giữ nguyên hình phạt tử hình vì nếu bỏ sẽ không còn đủ tính răn đe.
Án tử hình gây quá tải trại giam, gánh nặng ngân sách
Ngược lại, nhiều đại biểu lại bày tỏ ủng hộ đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8 loại tội danh. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho rằng, dù bỏ hình phạt tử hình, nhưng vẫn đảm bảo cách ly hoàn toàn người phạm tội ra khỏi xã hội bằng hình thức phạt tù chung thân không giảm án. Việc này vẫn đạt mục đích trừng trị tội phạm, theo ông Dũng.
Việc bỏ hình phạt tử hình, theo vị đại biểu, vừa đảm bảo quyền được sống, phù hợp tính nhân văn của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình thì số phạm nhân chờ tử hình cũng giảm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý phạm nhân.
Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) ủng hộ việc bỏ án tử hình với 8 tội danh, đặc biệt là với án vận chuyển trái phép ma túy. Ông dẫn chứng, qua giám sát thực tiễn vào năm 2023 thì 83% số người bị kết án tử hình là án ma túy. Như ở Lào Cai là 97% trong số 110 đối tượng bị kết án tử hình là do tội danh này.
Trong khi đó, số lượng thi hành án tử hình, theo ông Lềnh, là rất chậm, chỉ khoảng 1% mỗi năm.
Do đó, ông Lềnh đánh giá, việc chuyển án tử hình thành chung thân không xét ân giảm thì đối tượng chính là những người bị kết án tử hình do tội vận chuyển ma túy, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng cao biên giới.
Theo đại biểu, việc chuyển hình phạt tử hình sang chung thân không xét ân giảm là hợp lý, thể hiện tính chất nhân đạo của Nhà nước, đồng thời giảm tải trại giam của Bộ Công an.
"Theo số liệu chúng tôi nắm được thì còn khoảng trên 1.000 đối tượng bị kết án tử hình thiếu buồng giam. Các trại giam thì quá tải", ông Lềnh nói.
Vẫn theo vị đại biểu đoàn Lào Cai, việc bỏ hình phạt tử hình cũng sẽ giảm áp lực, khó khăn cho lực lượng công an trong quản lý trại giam bởi vì các đối tượng bị kết án tử hình rồi luôn có tư tưởng "không còn gì để mất", tư tưởng rất phức tạp, tiêu cực, thậm chí tấn công lực lượng quản lý trại giam.
Cùng đó, việc bỏ hình phạt tử hình cũng sẽ giảm được gánh nặng ngân sách cho nhà nước.
"Theo thông tin chúng tôi nắm được, kết án tử hình 1 đối tượng, thi hành án 1 đối tượng chi phí khoảng 250 - 500 triệu, nếu chúng ta kết án tử hình hàng nghìn, vài nghìn thì gánh nặng ngân sách rất lớn, thậm chí hàng nghìn tỉ", ông Lềnh nói và nhắc lại, việc bỏ án tử hình với 8 tội danh trong sửa luật lần này là rất cần thiết.