Nhảy đến nội dung

Bộ trưởng GD-ĐT: 'Công bằng không có nghĩa giữ cho nhau đều khổ, đều khó'

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần khuyến khích các địa phương có điều kiện về kinh tế xây dựng thêm chính sách hỗ trợ nhà giáo.

Ngày 6.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án luật Nhà giáo.

Dự thảo luật quy định lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Nhà giáo còn được hưởng một số chính sách hỗ trợ, gồm: trợ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp…

Địa phương, cơ sở giáo dục có các chính sách hỗ trợ bảo đảm cuộc sống và thu hút, trọng dụng đối với nhà giáo phù hợp với điều kiện thực tiễn và nguồn tài chính của mình.

Cần quy định lương khởi điểm nhà giáo?

Cho ý kiến, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) ủng hộ quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất, nhưng cho rằng cần làm rõ thêm một số vấn đề.

Theo ông Tám, thang bảng lương đang và sẽ thực hiện theo vị trí việc làm và ngạch bậc. Vậy, nhà giáo được tuyển dụng phù hợp với vị trí việc làm thì được xếp vào ngạch bậc của vị trí đó hay là tất cả các nhà giáo khi được tuyển dụng đều được xếp cùng vào bậc lương cao nhất?

Đại biểu cho rằng, nếu tất cả cùng xếp vào một bậc liệu có đảm bảo tính hợp lý giữa các nhà giáo được tuyển dụng ở tất cả các bậc học trong giáo dục, từ mầm non cho đến THCS, THPT, đại học?

Nhưng nếu xây dựng bảng lương hay thang lương riêng cho nhà giáo, ông Tám lưu ý, phải nghiên cứu thêm tính hợp lý với các ngành y tế hoặc viện nghiên cứu…, sao cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) thì nhận định dự thảo luật nêu nguyên tắc lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp nhưng không quy định rõ mức khởi điểm. Điều này dễ gây khó khăn khi xếp lương.

Ông Hùng đề nghị bổ sung quy định về nguyên tắc lương khởi điểm nhà giáo, mức tối thiểu cao hơn từ 1 - 2 bậc so với công chức hành chính cùng trình độ. Đồng thời, cụ thể hóa các mức hỗ trợ về nhà ở, đi lại, phụ cấp vùng khó khăn..., tránh chỉ dừng lại ở nguyên tắc.

Lo ngại mất cân bằng giữa tỉnh giàu - tỉnh nghèo

Đáng chú ý, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc về việc các địa phương tự xây dựng chính sách hỗ trợ nhà giáo dựa trên điều kiện thực tiễn của mình.

Theo nữ đại biểu, các chính sách hỗ trợ nhà giáo phải đảm bảo thống nhất giữa các địa phương. Nếu địa phương có điều kiện về ngân sách ban hành các chính sách hỗ trợ, còn địa phương chưa đủ điều kiện thì không ban hành, sẽ tạo ra sự thiếu cân bằng.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) cũng cho rằng, việc cho phép địa phương chủ động xây dựng chính sách thu hút giáo viên sẽ giúp tăng tính hấp dẫn và giữ chân đội ngũ nhà giáo.

Nhưng thực tế cho thấy còn bất cập. Địa phương có điều kiện kinh tế tốt, nguồn thu ngân sách lớn, có khả năng ban hành chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Trong khi đó, các tỉnh nghèo thì không thể.

Điều này dẫn tới giáo viên có xu hướng tập trung về các địa phương có chính sách ưu đãi cao hơn, hút chất xám từ vùng khó về nơi thuận lợi. Việc tuyển dụng đối với các địa phương khó khăn "là rất khó" và tạo ra "cuộc đua ngầm" về thu hút giáo viên.

Hệ quả tiếp theo là gây ra sự mất cân bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao giữa học sinh vùng thuận lợi và vùng khó khăn.

Để khắc phục, vị đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về giới hạn, nguyên tắc và tiêu chí chung trong xây dựng chính sách hỗ trợ nhà giáo. Trên cơ sở đó, Chính phủ hướng dẫn địa phương vận dụng linh hoạt, tránh tạo ra sự bất bình đẳng giữa các vùng miền.

"Công bằng nhưng không nên đều khổ, đều khó"

Giải trình trước ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, với những địa phương có điều kiện thì rất nên khuyến khích dành nguồn lực hỗ trợ cho nhà giáo.

Ông Sơn lấy ví dụ, TP.HCM thời gian vừa rồi đã chủ động dành các nguồn kinh phí hỗ trợ để đời sống giáo viên đỡ khó khăn hơn, giáo viên đỡ chuyển việc, nghỉ việc hơn. "Đây là một điều rất đáng quý và rất nên khuyến khích", ông nói.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, ủng hộ cho sự công bằng là đúng đắn, nếu đó là điều tốt đẹp, là điều kiện để người giáo viên được hưởng những chế độ được tốt nhất. "Còn sự công bằng ở đây không nên giữ cho nhau đều khổ như nhau, đều khó như nhau", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Riêng với những nơi, những vùng có điều kiện khó khăn, ông Sơn khẳng định, Nhà nước đã có thêm những chính sách để hỗ trợ các địa phương đó. Thực tế, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên hơn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhắc lại quan điểm cần khuyến khích các địa phương có thêm chính sách hỗ trợ nhà giáo. "Nên cổ vũ trong các điều kiện mà cả Nhà nước, cả T.Ư và địa phương để cùng nhau chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, ở đây là chăm lo cho các nhà giáo", ông Sơn nói.