Bộ Nội vụ cần sớm tham mưu để 55 trí thức trẻ không bị tinh giản khi sáp nhập xã

Bộ Nội vụ cần khẩn trương ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định không tinh giản 55 trí thức trẻ và đặc cách tuyển dụng công chức đối với các đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng quy định.
Theo chia sẻ của một số đội viên, mặc dù đã trải qua nhiều vòng thi tuyển gắt gao, dưới sự giám sát chặt chẽ của Bộ Nội vụ, nhưng nhiều đội viên Đề án 500 trí thức trẻ ở một số tỉnh vẫn phải tiếp tục tham gia kỳ thi công chức (nếu có biên chế) mới được chính thức tuyển dụng vào công chức, thay vì được tiếp nhận sau khi hoàn thành nhiệm vụ như Quyết định 1758 đã nêu.
Nếu đội viên đề án thi tuyển công chức sẽ coi như “bắt đầu từ con số 0” giống như người hoạt động không chuyên trách - chỉ được cộng 2 điểm ưu tiên.
Địa phương thiếu biên chế sắp xếp đội viên
Tuy nhiên, lý do chủ yếu khiến 55 đội viên bị chậm trễ trong việc bố trí, tuyển dụng vào công chức, như các địa phương giải thích, là do thiếu biên chế.
Riêng Hòa Bình, vào tháng 11/2024, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tuyển dụng 10 đội viên còn lại vào năm 2025. Nhưng sau đó, tỉnh phải tạm dừng tuyển dụng công chức, viên chức, trong đó có các trường hợp đội viên thuộc Đề án 500 trí thức trẻ để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về sắp xếp lại đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy.
Trong công văn gửi Bộ Nội vụ, tỉnh này cũng nêu rõ, tổng số biên chế cán bộ, công chức cấp huyện và cấp xã được giao năm 2025 của tỉnh là 4.412 người (tính cả 10 đội viên thuộc đề án).
Dự kiến, sau sắp xếp, mỗi xã, phường bố trí khoảng 59 biên chế. Tỉnh Hòa Bình sau sắp xếp ĐVHC cấp xã còn 46 xã, phường; dự kiến tổng biên chế cán bộ, công chức theo định hướng của Trung ương là khoảng 2.714.
Dự kiến sau sắp xếp ĐVHC cấp xã, kết thúc hoạt động của cấp huyện, có khoảng 1.698 người dôi dư.
Anh Bùi Văn Tuyên, một đội viên của Đề án, hiện công tác tại UBND xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình chia sẻ, khi Đề án 500 được xây dựng, mỗi tỉnh đều có hàng nghìn hồ sơ đăng ký ứng tuyển. Sau vòng xét duyệt hồ sơ, mỗi tỉnh còn tới 400-500 ứng viên, có tỉnh 700-800 ứng viên cạnh tranh nhau chỉ để giành 10-30 suất trúng tuyển.
Sau khi trúng tuyển, các đội viên được đưa đi đào tạo, học tập thực tế nhiều tháng tại các ĐVHC cấp xã rồi mới được vào làm việc tại địa bàn được phân công. Các đội viên trúng tuyển đều tốt nghiệp đại học chính quy, có bằng cấp phù hợp với công việc được giao.
Nói như vậy để thấy rằng, Đề án 500 trí thức trẻ đã tiến hành tuyển chọn, đào tạo rất nghiêm túc, toàn diện các đội viên.
Vì thế, đại diện cho các đội viên, anh Tuyên mong rằng, 55 đội viên còn lại của đề án sẽ nhanh chóng được bố trí vào hệ thống. Sau khi trở thành công chức chính thức, họ sẵn sàng cạnh tranh tiếp với các công chức khác trong hệ thống để chứng minh năng lực của mình, miễn là họ được trao cơ hội thay vì bị loại ra khỏi hệ thống ngay từ đầu.
Trách nhiệm của Bộ Nội vụ?
Chia sẻ quan điểm với VietNamNet, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Anh (tỉnh Gia Lai) cho rằng, việc 55 đội viên của Đề án 500, sau hơn một thập kỷ làm việc tại các vùng sâu, vùng xa, vẫn chưa được tuyển dụng vào công chức, dù đã có chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ là một thực tế đáng buồn.
Câu chuyện này không chỉ là chuyện của 55 con người mà còn là một trường hợp soi chiếu cho việc thu hút cán bộ trẻ, có tài năng, được đào tạo bài bản đang đặt ra.
Theo đại biểu, Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì đề án mà chỉ dừng lại ở việc yêu cầu địa phương báo cáo và đề xuất, chưa đưa ra bất kỳ quyết định chính thức nào là chưa làm hết trách nhiệm của mình.
“Việc này sẽ khiến cử tri hoài nghi về tính nghiêm túc của chính sách thu hút người có tài năng, khuyến khích sinh viên tốt nghiệp đại học tình nguyện về vùng khó khăn - nơi không phải ai cũng sẵn lòng cống hiến” - đại biểu nhấn mạnh.
Để khắc phục, đại biểu Hoàng Anh cho rằng Bộ Nội vụ cần khẩn trương ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành quy định không tinh giản đối tượng này và đặc cách tuyển dụng công chức đối với các đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đúng quy định.
“Bộ cũng nên thành lập tổ công tác giám sát việc thực hiện với thời hạn cụ thể, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả; xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra tình trạng này” - ông Hoàng Anh nói.