Bộ GD&ĐT cảnh báo gian lận sử dụng AI, yêu cầu giám sát cả khu vệ sinh

![]() |
Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: Moet. |
Nội dung trên được Thứ trưởng GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đưa ra tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tổ chức sáng 27/5.
Cảnh báo gian lận sử dụng AI
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc sử dụng AI hiện rất phổ biến. Theo quy định, thí sinh không được mang tài liệu vào khu vực thi nhưng nếu việc kiểm tra không kỹ lưỡng, có thể có thí sinh cố tình mang thiết bị vào khu vệ sinh. Các em để điện thoại trong khu vệ sinh và tìm cách lén sử dụng.
Vì vậy, trong kỳ thi năm nay, các hội đồng thi phải tính đến việc rà soát khu vực nhà vệ sinh, thậm chí cử giám thị giám sát cả khu vệ sinh để ngăn ngừa.
"Chỉ một sơ suất của cán bộ làm công tác coi thi và một hành động cố ý của thí sinh, đề thi có nguy cơ bị lộ lọt ra ngoài, làm ảnh hưởng rất lớn đến kỳ thi", ông Thưởng nói.
Theo đại tá Phạm Long Âu, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Bộ Công an, hiện nay, tình trạng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận trong các kỳ thi đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.
Thí sinh có thể dùng các tai nghe siêu nhỏ, camera ngụy trang cho đến các thiết bị truyền tin tinh vi... nhằm vượt qua kỳ thi một cách không trung thực.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ Công an, tập huấn kỹ cho các bộ tham gia kỳ thi trong việc phát hiện thiết bị gian lận công nghệ cao, phòng ngừa gian lận.
![]() |
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Moet. |
Điểm mới trong công tác tổ chức thi tốt THPT 2025
Cũng tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), nêu những điểm mới trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra trong hai ngày 26-27/6 với hai nhóm thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục phổ thông 2006. Các thí sinh thi theo chương trình 2006 sẽ thi ở điểm thi riêng. Giám thị lưu ý kỹ quy chế thi vì có sự khác biệt giữa 2 chương trình.
Với những học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, theo ông Chương, các phòng thi sẽ có đủ 24 mã đề thi tương ứng 24 thí sinh.
Trong khi đó, với chương trình giáo dục phổ thông 2018, một phòng thi sẽ có nhiều môn thi, đề thi trắc nghiệm cần đóng trong mỗi túi, các hội đồng chỉ in đủ số lượng đề tương ứng số thí sinh trong phòng thi. Ví dụ, phòng thi có 10 thí sinh thi Vật lý thì in từ mã 01 đến mã 10.
Cũng theo ông Chương, trước đây, đề thi có 4-5 trang in trên giấy A4, gây nhiều khó khăn trong in sao và khả năng rủi ro thiếu trang. Vì vậy, năm nay, đề thi có thể in trên một tờ A3 (in 2 mặt), giúp cho việc in ấn thuận lợi hơn, giảm thiểu rủi ro do thiếu trang.
Trong công tác coi thi, thí sinh thi theo chương trình 2006 chỉ dự thi môn thi thứ 2 trong bài thi tự chọn/tổ hợp. Các em phải có mặt trước thời gian thi môn thi 10 phút. Trong khi đó, thí sinh thi theo chương trình mới phải có mặt từ đầu buổi thi và chờ tại phòng chờ vào.
Với thí sinh dự thi theo chương trình 2006, thời gian giữa 2 môn thi trong bài thi tự chọn/tổ hợp là 10 phút; với thí sinh thi theo chương trình 2018 là 15 phút.
Về việc xử lý đề thi thừa, tại phòng thi dành cho thí sinh thi theo chương trình 2006, thư ký thu và lưu tại phòng hội đồng; tại phòng thi dành cho thí sinh thi theo chương trình 2018, giám thị chịu trách nhiệm bảo quản đề thừa tại phòng thi.
Về thu bài thi tự chọn/bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên/khoa học xã hội, tại phòng thi có thí sinh thi theo chương trình 2006, mỗi môn sẽ thu vào một túi bài thi. Tại phòng thi dành cho thí sinh thi theo chương trình mới, mỗi ca thi một túi bài thi, buổi thi bài thi tự chọn có hai túi bài thi.
Cuối cùng, thí sinh thi theo chương trình 2006 được mang Atlat vào phòng thi, còn thí sinh thi theo chương trình mới thì không.
Theo thống kê của bộ, năm nay, cả nước có 1.165.289 thí sinh đăng ký dự thi, tăng hơn 97.000 người so với năm 2024.
Học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 phải làm 4 bài thi. Trong đó, hai bài thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Ngoài ra, thí sinh được chọn 2 trong các môn của chương trình giáo dục phổ thông, gồm: Hóa học, Vật lý, Sinh học, Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Nông nghiệp, Công nghiệp) và Ngoại ngữ (Anh, Đức, Nga, Nhật, Pháp, Trung, Hàn).
Với những thí sinh tự do, chọn thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2016, các em sẽ làm bài thi Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, cùng một trong hai bài Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).
Dự kiến, các Sở GD&ĐT công bố kết quả thi vào 8h ngày 16/7, sớm hơn năm ngoái một ngày.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.