Bộ GD-ĐT: Đề thi không vượt yêu cầu của chương trình

Bộ GD-ĐT cho rằng, việc có một số thông tin đánh giá đề thi tốt nghiệp THPT 2025 khó, đặc biệt đối với môn toán và tiếng Anh, có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được.
Ngày 1.7, Bộ GD-ĐT đã có báo cáo gửi lãnh đạo các cơ quan báo chí về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Đề thi gia tăng câu hỏi có tính phân hóa
Theo đó, Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi các môn đã từng bước thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có yêu cầu "đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH".
"Đề gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Những năm trước, đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến gây khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục ĐH phải tổ chức các kỳ thi riêng, tốn kém và lãng phí nguồn lực xã hội", báo cáo nêu.
Về nội dung đề thi, Bộ GD-ĐT khẳng định không vượt quá yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố, có tính phân hóa và dựa vào kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.
Việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn thi toán và tiếng Anh, theo Bộ GD-ĐT, có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng được.
Để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các thách thức đề ra đối với công tác ra đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đề thi đã có nhiều sự điều chỉnh. Dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị cơ quan báo chí, truyền thông "tránh những phân tích, bình luận theo hướng quy chụp, cảm tính về độ khó của đề thi khi điểm thi và phổ điểm chưa công bố hoặc tác động xét tuyển chưa rõ ràng".
Đề thi đã được thử nghiệm trên khoảng 12.000 thí sinh
Liên quan đến khâu làm đề thi, Bộ GD-ĐT cho rằng, cấu trúc định dạng đề thi mà Bộ GD-ĐT công bố từ cuối năm 2023 nhằm giúp đánh giá tốt hơn năng lực của thí sinh; tránh học tủ, học lệch; độ phân hóa phù hợp để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh ĐH,CĐ nhưng đảm bảo không vượt quá yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ GD-ĐT đã xây dựng một số đề thi để thử nghiệm trên diện rộng với khoảng 12.000 thí sinh trên toàn quốc, tại cả các tỉnh khó khăn nhất. Kết quả thử nghiệm đã được phân tích kỹ bằng lý thuyết khảo thí hiện đại và là một trong những căn cứ quan trọng để hội đồng ra đề thi tham khảo cho việc xác định mức độ của đề thi, bảo đảm độ phân hóa và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.
Để giúp thí sinh làm quen với kỳ thi, việc thi thử đã được các địa phương tổ chức với yêu cầu thi thử nhưng làm bài thật, kết quả thi thử được sử dụng để đánh giá kết quả dạy học, phân loại để ôn tập chuyên sâu cho học sinh...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra trong 2 ngày 27 và 28.6. Năm nay, thí sinh theo chương trình mới (2018) thi 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn: ngoại ngữ, hóa học, vật lý, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Kết thúc kỳ thi, rất nhiều ý kiến của học sinh, giáo viên và chuyên gia phản ánh đề thi môn toán và tiếng Anh có những nội dung "quá khó" khiến học sinh giỏi cũng bật khóc vì không làm được bài.
Đến thời điểm này, dù công tác chấm thi đã được các địa phương khởi động nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay mà nêu dự kiến thời điểm công bố là sau ngày 5.7.