Bộ Công an đề nghị bắt buộc ghi số sê-ri vàng miếng vào chứng từ giao dịch vàng

Bộ Công an cho rằng cần xem xét, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng, bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ trong các hoạt động, giao dịch vàng.
'Giấy phép con' sẽ được cấp trực tuyến, không phát sinh chi phí
Dự thảo Nghị định 24 nhằm quy định xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cho phép các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) được sản xuất vàng miếng và tạo cơ chế cho phép nhập khẩu vàng để có nguồn vàng nguyên liệu.
Tuy nhiên, góp ý về vấn đề giấy phép, thủ tục tại dự thảo Nghị định 24, Bộ Công an cho rằng dự thảo nghị định đề cập nhiều hình thức giấy phép (Giấy phép sản xuất vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu vàng nguyên liệu), nguy cơ xuất hiện cơ chế “giấy phép mẹ” tạo ra nhiều “giấy phép con” và cơ chế cấp quota hạn ngạch sản xuất vàng miếng/hạn ngạch nhập khẩu vàng nguyên liệu theo từng năm, từng lần.
Dự thảo nghị định cũng cho phép nhóm doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đủ điều kiện về vốn điều lệ được cấp phép sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng nguyên liệu, như 3 công ty (SJC, PNJ, DOJI), 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV) và 4 ngân hàng thương mại cổ phần (VPBank, Techcombank, MB, ACB).
“Cơ chế 'giấy phép con' và cấp quota hạn ngạch có thể làm phát sinh tiêu cực trong quá trình cấp phép. Đồng thời, dễ dẫn đến nguy cơ tập trung độc quyền sản xuất vàng miếng, nhập khẩu và phân phối vàng nguyên liệu vào một nhóm đơn vị được cấp phép. Nếu thiếu cơ chế giám sát và hậu kiểm chặt chẽ, sẽ khó kiểm soát tình trạng vượt hạn mức hoặc mua bán giấy phép”, Bộ Công an nêu quan điểm.
Ngoài các hình thức giấy phép nêu trên, theo Bộ Công an, dự thảo nghị định vẫn quy định các giấy phép con như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, Giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm... có thể làm tăng áp lực về thủ tục hành chính, tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Giải trình trước những ý kiến trên, đại diện ban soạn thảo - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ xây dựng, điều chỉnh tổng hạn mức hàng năm đối với việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ; quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước; tình hình thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu.
Từ đó, NHNN thực hiện cấp hạn mức hàng năm cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại theo quy mô vốn điều lệ của các đơn vị này; tình hình xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu của các năm trước (nếu có) và nhu cầu của doanh nghiệp, ngân hàng.
Dự thảo nghị định cũng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cách thức phân bổ hạn mức hàng năm cho các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng từng lần, theo hướng dẫn của NHNN để đảm bảo công khai, minh bạch.
Qua báo cáo định kỳ, báo cáo của các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và kiểm tra chéo trên hệ thống hải quan, đối với trường hợp các đơn vị không nhập khẩu hết hạn mức đã được cấp, NHNN có thể điều chỉnh, thu hồi để phân bổ hạn mức còn lại cho các đơn vị khác có nhu cầu.
Theo NHNN, đây cũng là căn cứ để tính toán phân bổ, phân bổ lại, điều chỉnh hạn mức cho các năm/kỳ tiếp theo.
NHNN khẳng định, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu từng lần theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, giúp tổ chức, cá nhân cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, không làm tăng áp lực về thủ tục hành chính, không tạo rào cản cho hoạt động kinh doanh vàng của doanh nghiệp.
Quản lý sê-ri vàng miếng trên từng chứng từ giao dịch
Về thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia hoặc Sàn giao dịch vàng trong Trung tâm tài chính quốc tế, dự thảo nghị định không đề cập đến nguồn lực vàng trong dân và lộ trình thành lập, vì vậy Bộ Công an kiến nghị NHNN xem xét, bổ sung nhằm tạo tiền đề pháp lý cho lộ trình thực hiện sau này.
NHNN cho biết sẽ tập trung nghiên cứu một số giải pháp để sớm áp dụng theo lộ trình, trong đó nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất triển khai thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia; hoặc cho phép đưa vàng vào giao dịch trên Sở giao dịch hàng hóa; hoặc lập Sàn giao dịch vàng trong Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
“Đây là những nội dung phức tạp cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an). Nội dung này sẽ được thực hiện theo lộ trình riêng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này”, NHNN trả lời.
Cũng theo Bộ Công an, quy định liên quan đến kinh doanh, sản xuất vàng miếng trong dự thảo chưa có quy định cụ thể về việc quản lý số sê-ri vàng miếng (với vàng sản xuất mới, vàng miếng móp méo được gia công lại, trong các giao dịch mua/bán, vàng miếng chuyển thành nguyên liệu... ).
Việc ghi nhận bắt buộc thông tin về số sê-ri vàng miếng tại chứng từ trong các giao dịch sẽ giúp hạn chế các rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng, xác minh tính hợp pháp và nguồn gốc vàng giao dịch, giúp việc quản lý và kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng chặt chẽ và an toàn hơn, đồng thời đảm bảo quyền lợi khách hàng.
Vì vậy, Bộ Công an cho rằng cần xem xét, bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ số sê-ri vàng miếng, bắt buộc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ trong các hoạt động, giao dịch trên.
Phản hồi ý kiến này, NHNN cho hay sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc ghi nhận thông tin số sê-ri tại chứng từ giao dịch.