Nhảy đến nội dung
 

Biến xung đột thành cơ hội kết nối

Cuốn sách nêu phương pháp tìm hiểu và chữa lành những tổn thương thời thơ ấu đang âm thầm chi phối cách bạn sống, yêu và xây dựng các mối quan hệ hiện tại.

Mối quan hệ của bạn thật sự có thể trở nên sâu sắc và gần gũi hơn thông qua xung đột khi bạn thấu hiểu thay vì phản ứng. Như bạn đã biết, sự phản ứng làm cho vết thương của bạn nhức nhối và phơi bày ra, trong khi sự thấu hiểu giúp bạn bắt đầu chữa lành vết thương. Nhưng nếu muốn biến xung đột thành kết nối, có thể bạn cần cải thiện không chỉ cách tranh cãi mà cả cách giao tiếp nữa.

Sự thật là bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi mọi phản ứng cảm xúc. Sẽ có lúc bạn khơi mào một cuộc xung đột, và sẽ có lúc bạn phản ứng kiểu ăn miếng trả miếng với người khác khi họ khơi mào chuyện gì đó.

Bạn có thể tập trung vào vấn đề này và xử lý nó tốt hơn, nhưng bạn có lẽ sẽ không đạt đến trạng thái như khi tâm bạn không bị xáo động trong tương lai. Hãy dành ra chút không gian cho những trải nghiệm con người của mình. Hãy nhớ rằng phản ứng của bạn và đối phương sẽ giúp tỏ lộ những thông tin cực kỳ quan trọng cho cả hai - miễn là hai người chú ý đến nó và truyền đạt cho nhau.

Pha vo khuon mau anh 1

Mối quan hệ của bạn thật sự có thể trở nên sâu sắc và gần gũi hơn thông qua xung đột khi bạn thấu hiểu thay vì phản ứng.

Tiến sĩ Alexandra Solomon nói rằng một trong những khía cạnh quan trọng nhất của quá trình giao tiếp thân mật và lành mạnh là khả năng tự nhận thức về mối quan hệ của bạn. Cô gọi đó là “khả năng và thái độ sẵn sàng nhìn nhận một cách trung thực những gì có xu hướng khiến bạn khó chịu trong mối quan hệ thân mật và cách bạn đối xử với bản thân khi cảm thấy khó chịu”.

Nếu giống như hầu hết mọi người thì có lẽ bạn thiên về lối tư duy tuyến tính, vì nội tâm của bạn sẽ nói những câu như: Bạn thật vô cảm, tôi thật không đáng tin cậy, bạn không bao giờ làm theo những gì tôi yêu cầu, chuyện này đã không xảy ra nếu bạn để tâm nhiều hơn, chuyện này chỉ xảy ra vì tôi quá ngu ngốc. Lối tư duy hạn hẹp này chỉ gán trách nhiệm và đổ lỗi. Nó làm lu mờ những câu chuyện phong phú và phức tạp mà mỗi chúng ta đều có. Tuy nhiên, khi bị kích hoạt thì chúng ta rất dễ phản ứng như vậy. Sẽ tuyệt đối không có sự kết nối nào khi bạn mắc kẹt trong lối tư duy tuyến tính.

Trong khi đó, tư duy hệ thống là lối tư duy xét đến gia đình cội nguồn và các mối quan hệ trong quá khứ của chúng ta, nhắc nhở chúng ta rằng luôn có một câu chuyện phức tạp và phong phú hiện diện trong mọi thời điểm. Nó cũng giúp chúng ta có cách nhìn tương tự về người khác.

Thật tuyệt vời khi chúng ta có thể quan sát bản thân và người khác qua lăng kính đó. Thật tuyệt vời khi hiểu rằng những gì đang xảy ra không chỉ liên quan đến khoảnh khắc này mà còn liên quan đến mọi khoảnh khắc trước đó. Bạn có tưởng tượng được quá trình giao tiếp sẽ thay đổi đến thế nào nếu bạn nhớ được điều này về bản thân và đối phương không? Bạn có tưởng tượng được chiều sâu của lòng trắc ẩn, sự đồng cảm hay bao dung có thể tồn tại ở đây không?

Pha vo khuon mau anh 2

Sách Phá vỡ khuôn mẫu.

Và nếu bạn đời chỉ trích bạn, bạn sẽ không chỉ nghe thấy lời chỉ trích về điều gì đó cần xảy ra trong ngôi nhà chung của hai người mà còn nghe thấy tất cả những lời chỉ trích bạn từng trải nghiệm trước đây - từ cha mẹ, người yêu cũ và hơn thế nữa. Phản ứng của bạn sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn khi được nhìn nhận qua lăng kính của tư duy hệ thống thay vì tuyến tính.

Và nếu bạn đời của bạn cũng nhận thức được điều này, họ có thể cùng bạn lèo lái vấn đề theo một cách khác, hai người có thể tìm ra khoảnh khắc kết nối trong những gì lẽ ra đã trở thành một sự rạn nứt khủng khiếp.

Như tôi đã nói ở phần đầu quyển sách này, việc nghĩ về những câu chuyện cội nguồn của chúng ta và thấy được sự phức tạp của các hệ thống gia đình không phải là để đưa ra một lời bào chữa. Việc đó không làm cho mọi thứ ổn hơn nếu bản thân chúng không ổn. Nhưng việc hiểu được bối cảnh thật sự có thể giúp ích cho bạn.

Khi bắt đầu giao tiếp với nhau trên tâm thế này, chúng ta có thể gạt bỏ các tiểu tiết hoặc nhu cầu chiến thắng trong cuộc tranh luận, để hướng tới sự hiểu biết sâu sắc rằng cả hai bên đều đang bị tổn thương, đều muốn được nhìn thấy, lắng nghe và thấu hiểu. Điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng giao tiếp của chúng ta.