Biến đổi khí hậu có thể làm tăng thạch tín trong gạo

TP - Gạo là lương thực chính của hàng tỷ người trên khắp thế giới, và một nghiên cứu mới cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm tăng lượng thạch tín có trong gạo.
Gạo là lương thực chính của hơn một nửa dân số toàn cầu, được nhiều người tiêu thụ hằng ngày hơn cả lúa mì hoặc ngô. Gần đây, các nhà khoa học công bố một phát hiện khá lo ngại: Khi lượng khí thải carbon tăng lên và Trái đất tiếp tục ấm lên, hàm lượng thạch tín (chất asen) trong gạo sẽ tăng theo.
Tiêu thụ chỉ một lượng nhỏ thạch tín qua thực phẩm hoặc nước uống cũng có thể dẫn đến ung thư và một loạt vấn đề sức khỏe khác, như bệnh tim mạch và tiểu đường. Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã và đang tìm cách giảm mức thạch tín trong gạo, đặc biệt khi một nghiên cứu mới về sự tích tụ thạch tín vô cơ có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
![]() |
Các nhà nghiên cứu đã trồng 28 giống lúa tại bốn địa điểm ở Trung Quốc trong 10 năm. Họ phát hiện ra rằng hàm lượng thạch tín trong gạo tăng lên khi nồng độ CO2 trong khí quyển và nhiệt độ tăng. Sau đó, các nhà dịch tễ học ước tính rằng mức tăng này có thể góp phần gây ra thêm khoảng 19,3 triệu ca ung thư chỉ tính riêng ở Trung Quốc.
“Trong nhiều nghiên cứu, asen vô cơ đã được chứng minh là chất gây ung thư, có tác động xấu đến sức khỏe phổi, sức khỏe tim mạch”, ông Lewis Ziska, giáo sư khoa học sức khỏe môi trường tại Đại học Columbia (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Và biến đổi khí hậu - CO2 và nhiệt độ tăng - đang dẫn đến mối đe dọa lớn hơn”.
![]() |
Thạch tín trong gạo có thể tăng khi nhiệt độ tiếp tục tăng |
Điều đáng chú ý là các nhà nghiên cứu sử dụng kịch bản tồi tệ nhất có thể, vượt qua cả giới hạn chấp nhận được của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, cơ quan của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Dự đoán cực đoan nhất giả định rằng nhiệt độ sẽ tăng 2 độ C và nồng độ CO2 tăng thêm 200 phần triệu từ năm 2025 đến năm 2050. Tuy nhiên, nó cung cấp một bức tranh tổng quan về số phận của cây lúa trong tương lai nếu lượng khí thải carbon không giảm.
Mặc dù các nhà nghiên cứu tập trung thí nghiệm tại Trung Quốc, họ cho biết những tác động này có thể xuất hiện cả ở châu Âu và Mỹ.
Tác động đến sức khỏe
Con người từ lâu đã biết rằng thạch tín là chất độc. Đặc tính không vị, không màu, không mùi thậm chí đã biến nó thành một loại vũ khí hiệu quả ở La Mã cổ đại và châu Âu thời Trung cổ. Trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học kết luận rằng ngay cả lượng thạch tín thấp cũng có thể gây ra tác động đến sức khỏe khi tiếp xúc lâu dài trong suốt cuộc đời.
Hầu như tất cả gạo đều chứa thạch tín. Hóa chất có trong tự nhiên này tích tụ dưới đất trồng lúa, từ đó ngấm vào hạt gạo. Dù lượng thạch tín tìm thấy trong hạt gạo bây giờ thấp hơn nhiều so với giới hạn khuyến nghị, nó có thể tăng hơn nhiều lần trong tương lai.
Điều này đặc biệt đúng với thạch tín vô cơ, loại chất dễ bám vào các phân tử sinh học trong cơ thể con người để gây hại. Không chỉ có sẵn trong đá và đất, thạch tín có thể là sản phẩm phụ của các hoạt động như khai thác mỏ, đốt than và các quy trình công nghiệp khác.
Điều này có nghĩa là thạch tín đặc biệt phổ biến trong nước ngầm ở một số khu vực, bao gồm Nam Mỹ và một số vùng Nam và Trung Á. Nhưng người dân ở những nơi khác cũng dễ bị tổn thương, ví dụ, tại Mỹ, hơn 7% chủ giếng tư nhân, hay 2,1 triệu người, đang uống nước nhiễm thạch tín. Trên toàn thế giới, khoảng 140 triệu người uống nước có hàm lượng thạch tín cao hơn mức do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị.
Điều khiến các chuyên gia y tế lo ngại là càng có nhiều nghiên cứu về thạch tín thì càng thấy tác động tiêu cực của nó đối với con người. Tháng 1/2025, Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cập nhật đánh giá của họ về “yếu tố gây ung thư” của chất asen sau khi xem xét tất cả các nghiên cứu mới. Đánh giá mới nhất của họ cho rằng “asen là chất gây ung thư mạnh hơn nhiều so với những gì chúng ta biết trước đây”. Đặc biệt, hiện có bằng chứng cho thấy thạch tín không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư da mà còn cả ung thư phổi và bàng quang.
Ngoài ung thư, asen vô cơ còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Nó cũng làm tăng khả năng tử vong ở thai nhi hoặc trẻ sơ sinh, cũng như làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị nhẹ cân - có thể ảnh hưởng đến tim mạch hoặc thần kinh.
Đối với từng cá nhân, rủi ro không quá lớn. Theo đánh giá mới nhất của EPA, tiêu thụ 0,13 microgam asen vô cơ trên kilogram trọng lượng cơ thể mỗi ngày - hoặc 7,8 microgam đối với một người nặng 60kg - sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang khoảng 3% và tiểu đường khoảng 1%. Nhưng nếu xét toàn bộ dân số, đặc biệt là những nhóm người ăn nhiều gạo, những rủi ro nhỏ này sẽ cộng dồn lại. Và, nếu những dự đoán của ông Ziska trở thành sự thật, điều này có thể tác động đáng kể đến dân số phụ thuộc vào gạo trong những thập kỷ tới.
![]() |
Ở những cánh đồng lúa ngập nước, vi khuẩn kỵkhí trong đất chuyển thành asen do thiếu oxy |
Giải pháp khả thi
Vậy, ngoài việc cắt giảm khí thải và giữ nhiệt độ ổn định, chúng ta có thể làm gì? “Chúng ta không thể loại bỏ gạo hoàn toàn. Điều đó là bất khả thi”, ông Keeve Nachman, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết. Không chỉ là một truyền thống ẩm thực quan trọng, gạo rất cần thiết đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. “Nhưng chúng ta phải làm điều gì đó khác biệt”.
Vì một số loại gạo tích tụ ít thạch tín hơn, nên chúng ta có thể tập trung đầu tư trồng chúng. Một giải pháp khác là thêm lưu huỳnh vào nước, để nó có thể hấp thụ asen. Một cách khác để thay đổi hệ vi sinh vật của cánh đồng lúa là thêm một số loại phân bón nhất định, như hỗn hợp cỏ xạ hương núi và phân chim.
Một phương pháp khác là trồng lúa bằng nước mưa, hoặc nơi cả đất và nước tưới đều có hàm lượng asen thấp hơn. Lúa từ Đông Phi, nơi có xu hướng tưới bằng nước mưa thay vì nước giếng, được phát hiện có hàm lượng thạch tín thấp, giống như lúa ở Indonesia. Lúa Mỹ, Trung và Nam Mỹ, Đông Nam Á, châu Âu và Úc đều được phát hiện có hàm lượng thạch tín cao hơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cũng cần phải giám sát và quản lý tốt hơn việc tiếp xúc với thạch tín trong thực phẩm. Hiện tại, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ không quản lý mức thạch tín trong gạo nhưng đã đặt ra giới hạn là 0,1 mg/kg gạo dành cho trẻ em. Năm 2023, EU đặt ra giới hạn mới đối với asen vô cơ trong gạo là 0,2 mg/kg, và Trung Quốc cũng đã đưa ra đề xuất tương tự. Nhưng những khuyến nghị này không tính đến thực tế là một số cộng đồng ăn nhiều gạo hơn các cộng đồng khác.
“Có nhiều cách để giảm lượng asen vô cơ, nhưng điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản trong cách quản lý cách trồng lúa hiện nay”, ông Ziska nói. “Điều này thực sự cần được quan tâm, vì nó ảnh hưởng đến rất nhiều người trên toàn cầu”.