Bị 'bán' dữ liệu cá nhân, chủ xe đâm đơn kiện hãng Toyota

MỸ - Một người đàn ông tại Florida đã đệ đơn kiện Toyota, cáo buộc hãng âm thầm chia sẻ dữ liệu lái xe của mình với công ty bảo hiểm mà không có sự đồng ý.
Toyota vị tố tự ý bán dữ liệu cá nhân cho phía bảo hiểm
Philip Siefke, một người dân ở Eagle Lake (bang Florida, Mỹ) cho biết, ông phát hiện dữ liệu cá nhân của mình bị chia sẻ khi mua bảo hiểm từ công ty Progressive vào tháng 1/2025. Phía bảo hiểm bất ngờ thông báo tới chủ xe này cho thấy họ đã có dữ liệu lái xe của ông trong nhiều năm. Khi gọi hỏi kỹ, ông được Progressive thông báo rằng dữ liệu được cung cấp bởi Toyota.
Tiếp tục liên hệ với hãng xe, Siefke được biết mình đã vô tình đăng ký một chương trình lái thử khi mua chiếc Toyota RAV4 XLE đời 2021 – chương trình này cho phép hãng thu thập dữ liệu hành vi lái xe. Dù vậy, ông khẳng định chưa từng được cảnh báo rằng thông tin này sẽ bị chia sẻ hoặc bán cho bên thứ ba. Philip Siefke đã quyết định kiện hãng xe Nhật Bản ra toà án.
Sự việc nói trên đang gây chấn động trong bối cảnh quyền riêng tư ngày càng bị đe dọa bởi các công nghệ kết nối trên xe. Thậm chí, vụ kiện có khả năng ảnh hưởng đến thương hiệu Toyota trên toàn nước Mỹ.
Hiện tại, Siefke không chỉ đòi quyền lợi cho riêng mình mà đang tìm cách biến vụ kiện thành một hành động tập thể, đại diện cho hàng nghìn chủ xe Toyota có thể đã bị chia sẻ dữ liệu cá nhân mà không hề hay biết.
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh Tổng chưởng lý (người đứng đầu cơ quan tư pháp của tiểu bang) bang Texas - ông Ken Paxton, đã mở cuộc điều tra đối với Toyota cùng Ford, Hyundai và FCA vì hành vi tương tự. Nếu được xét xử trước bồi thẩm đoàn, đây có thể là một cơn đau đầu thực sự với Toyota – cả về pháp lý lẫn hình ảnh thương hiệu.
Rủi ro gia tăng khi khách hàng bị bán dữ liệu cá nhân
Trở lại với chiếc RAV4 của Siefke, chiếc xe này được trang bị thiết bị đo từ xa, có khả năng thu thập các thông tin như vị trí, tốc độ, mức nhiên liệu, số km đã đi, áp suất lốp, trạng thái cửa sổ và dây an toàn. Dữ liệu này sau đó được chia sẻ giữa Toyota, Progressive và một bên thứ ba có tên Connected Analytic Services.
Theo đơn kiện của Philip Siefke, những thông tin này có thể được sử dụng để xác định mức chiết khấu khi mua bảo hiểm, nhưng cũng có thể dẫn đến việc tăng phí bảo hiểm nếu hành vi lái xe bị đánh giá là "rủi ro". Thậm chí, phía bảo hiểm có thể căn cứ vào vị trí, thói quen lái xe hoặc tình trạng thực tế khi vận hành để từ chối bảo hiểm trong nhiều trường hợp.
Ngày nay, việc bán dữ liệu cá nhân thu thập từ ô tô đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến quyền riêng tư và an toàn của người dùng trong kỷ nguyên xe thông minh. Nhiều mẫu xe hiện đại được trang bị hệ thống kết nối đo từ xa, có thể âm thầm ghi lại hàng loạt thông tin như vị trí, hành trình di chuyển, tốc độ, thói quen lái xe, thậm chí cả trạng thái dây an toàn hay áp suất lốp.
Khi dữ liệu này bị chia sẻ hoặc bán cho bên thứ ba – đặc biệt là các công ty bảo hiểm – chủ xe có thể đối mặt với việc bị đánh giá rủi ro cao và phải trả mức phí cao hơn, dù không hề được thông báo hay đồng ý từ đầu.
Nguy hiểm hơn, nếu những dữ liệu này bị rò rỉ hoặc lọt vào tay các tổ chức xấu, người dùng có thể trở thành mục tiêu của các hành vi lừa đảo, theo dõi hoặc đe dọa an toàn cá nhân.
Việc thương mại hóa dữ liệu cá nhân mà không có cơ chế kiểm soát minh bạch không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn đe dọa nghiêm trọng đến niềm tin người tiêu dùng đối với các hãng xe và công nghệ kết nối trong tương lai.
(Theo Carscoops)
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!