Bếp điện 599.000 đồng đem sửa nhận báo giá 350.000

"Cái loa mua có 279k mà hư cái côn, ra tiệm thay mất 150 nghìn đồng. Cái bếp điện mua giảm giá có 599 nghìn, hư IC ra tiệm họ báo giá 350 nghìn đồng. Cái quạt hút tôi mua mới trên Shopee kèm giảm giá có 225 nghìn đồng, ra sửa họ báo tôi 150 nghìn.
Thử hỏi có nên mua mới hay phải đi sửa? Đi sửa thì xài được chừng một tháng nó lại hư, còn mua mới được bảo hành. Cho nên mấy anh thợ điện tử bỏ nghề là đúng rồi".
Độc giả nickname qd987589 chia sẻ những trải nghiệm khi đi sửa đồ điện tử như trên, sau bài viết Tivi 55 inch hư là vứt vì thợ sửa điện tử đã bỏ nghề. Tác giả kể lại câu chuyện tivi của gia đình bị hư, nhưng không tìm được người sửa chữa, vì thợ ở khu vực đang sống đã bỏ nghề. Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tác giả cho rằng hàng điện tử bây giờ có giá rẻ, tiền sửa chữa xấp xỉ tiền mua mới nên làm thợ khó sống.
Bài viết nhận được nhiều quan tâm của độc giả VnExpress về câu chuyện nghề nghiệp. Với câu hỏi Đồ điện tử, gia dụng của gia đình bị hư, bạn sẽ làm gì, có 48% độc giả nói rằng nếu giá sửa đắt, sẽ chấp nhận mua mới.
Độc giả nickname christina62279 cho rằng không phải ai cũng muốn bỏ sửa mà vì chi phí và cách làm việc thiếu minh bạch từ phía dịch vụ sửa chữa khiến người dùng mất lòng tin: "Không phải ai cũng muốn bỏ món đồ đang dùng mà bị hư. Trước đây tôi có cái tivi hư, kêu nhà cung cấp đến thì họ nói để đem về kiểm tra xong mới báo giá. Nhưng dù sửa hay không cũng phải trả một khoản phí khá cao.
Rồi khi nghi ngờ bị hư, phải thay màn hình, báo giá mười mấy triệu trong khi cái tivi đó giá mua mới chỉ hơn bảy triệu đồng. Tình hình vậy thì nên mua hay nên sửa? Cũng may tôi tìm được ông thợ gần nhà, chỉ thay cái cầu chì 200 nghìn thôi, nên còn giữ dùng thêm vài năm nữa"
Độc giả nickname dangquang.jp đưa ra phép tính: "Vấn đề là chi phí sửa cao quá, dẫn đến người ta chọn phương án thà mua mới còn hơn sửa.
Tôi có chiếc máy bơm rửa xe mua với giá 1,4 triệu. Sau khi hết bảo hành một năm, phải đi sửa hai lần: một lần là 380 nghìn, lần hai là 250 nghìn. Như vậy đã gần 50% giá sản phẩm rồi. Nếu sửa lần tiếp theo nữa, tôi nghĩ nên mua sản phẩm mới dù có đắt hơn. Đơn giản là chi phí linh kiện, tiền công sửa chữa cao quá".
Từ một góc nhìn khác, độc giả luongvidiccảnh báo về hậu quả của việc người tiêu dùng chuộng hàng rẻ kém chất lượng: "Nếu mua hàng tốt vẫn sửa bình thường, dần sẽ không còn hàng kém chất lượng.
Chúng ta đang bị phụ thuộc vào hàng gia dụng và đồ điện tử kém chất lượng, đặt mua ồ ạt về để dùng. Vừa ảnh hưởng sức khỏe, vừa làm ảnh hưởng đến dòng điện, tốn điện. Gây rất nhiều hệ lụy. Khoảng 10 năm nữa, thế hệ sau sẽ nhìn ra và nói không với hàng kém chất lượng".
Cùng trải nghiệm sửa chữa thiết bị điện tử, độc giả Lê Long kể: "Mỗi khi gọi thợ đến sửa, họ đều báo giá trên trời. Và nếu sửa xong thì khoảng hơn 3 tháng là hỏng (thường sau sửa họ chỉ bảo hành 3 tháng).
Như tôi bị hỏng lò vi sóng, thợ báo 700 nghìn đồng. Sửa xong tuần sau hỏng tiếp, báo hỏng tụ, mất thêm 120 nghìn đồng.
Đúng hơn 3 tháng sau lò không hoạt động, kiểm tra giá lò mới tôi thẩy chỉ khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng Tôi liền mua mới, khỏi đau đầu và mất thời gian".
Độc giả Anh Vu lại cho rằng hành vi của người tiêu dùng thay đổi vì một nguyên nhân khác:
"Tôi nghĩ người tiêu dùng ít dùng thợ cá nhân dần vì thợ cá nhân giờ thường hay kê giá, sửa ẩu và thay linh kiện chẳng ai kiểm soát được.
Với những món đồ linh tinh còn dám đem ra cho họ sửa, chứ những món đồ đắt tiền thì chẳng ai dám. Đem sửa xong nhiều khả năng ba bữa cũng hỏng nữa thôi, và hỏng lại thì cũng khó mà bắt đền được.
Nên vấn đề không phải là đại học hay là giáo dục nghề, mà vấn đề là người tiêu dùng đang dần chuyển đổi sang sử dụng dịch vụ của các đơn vị dịch vụ uy tín, có bảo hành (thường là các công ty) thay vì sử dụng 'anh thợ đầu ngõ'".
Hữu Nghị tổng hợp