Nhảy đến nội dung
 

Bệ phóng cho công nghệ bứt phá

Hàng loạt chính sách ưu đãi liên quan đến phát triển công nghệ được ban hành đã và đang tạo bệ phóng quan trọng cho ngành này bứt phá trong tương lai gần.

Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Ngày 2.7 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu ấn nút ra mắt 3 nền tảng ứng dụng phục vụ thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, Cổng thông tin điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Hệ thống thông tin, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 57 và Hệ thống thông tin tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị, sáng kiến giải pháp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phục vụ triển khai Nghị quyết 57. Đây là sự kiện nhằm khẳng định quyết tâm hiện thực hóa Nghị quyết 57. Đây là nghị quyết lần đầu tiên kết hợp 3 trụ cột khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào trong một chiến lược quốc gia tổng thể - được ví như "chìa khóa vàng" đưa VN vào kỷ nguyên mới.

Trước đó, ngày 1.7, hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi các hoạt động, đầu tư, kinh doanh, phát triển trong lĩnh vực công nghệ, công nghệ số, chuyển đổi số… cũng được Chính phủ ban hành. Đáng nói, 2 trong số đó có hiệu lực ngay trong ngày. Cụ thể, Nghị định 179 quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật và công nhân công an; sĩ quan, quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng… được hưởng mức hỗ trợ là 5 triệu đồng/tháng, ngoài lương và được trả cùng kỳ lương hằng tháng. Tương tự, Nghị định 182 sửa đổi bổ sung một số điều quy định liên quan luật Thuế xuất nhập khẩu, miễn thuế hoàn toàn đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số.

Hay Nghị định 180 về cơ chế, chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các cơ chế hỗ trợ về thuế, đất đai được đánh giá vượt trội và đột phá. Chẳng hạn, về thuế, doanh nghiệp được tính 200% chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nhà nước có thể đặt hàng hoặc chỉ định thầu đối với sản phẩm, hàng hóa là kết quả của hợp tác công tư để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá các nghị định mới ban hành là những chính sách sát sườn cho cá nhân và doanh nghiệp công nghệ mà lâu nay chưa có. "Không chỉ giảm thuế, mà còn tạo tối đa thuận lợi cho doanh nghiệp trong thủ tục hải quan, thuế. Đó mới là quan trọng. Về lâu dài, đây là những chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. VN không thể hưởng giá trị gia tăng cao trong chuỗi sản xuất này nếu không có khoa học công nghệ. Thế nên, VN cần nhập thiết bị khoa học công nghệ để phát triển, để tạo ra các hàng hóa có giá trị cao, điều đó là tất yếu. Các chính sách mới ban hành tiếp nối sau Nghị quyết 57 là một cách đưa nghị quyết vào cuộc sống tốt, nhanh và hiệu quả hơn", GS Vinh nhận xét.

Bệ phóng chính sách đúng thời điểm

TS Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC, đánh giá lần đầu tiên VN có một gói chính sách ưu đãi toàn diện và cụ thể cho lĩnh vực công nghệ trải dài từ con người, thuế, hạ tầng đến thiết bị nhập khẩu. Nếu được triển khai tốt, đây sẽ là bệ phóng chính sách đúng thời điểm, có thể giúp công nghệ trong nước tăng tốc thực sự.

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp cho nhân lực công nghệ 5 triệu đồng/người/tháng là bước đi rất đáng khích lệ. Trong bối cảnh cạnh tranh nhân lực công nghệ giữa các nước ngày càng gay gắt, chính sách này sẽ giúp giữ chân kỹ sư, nhà nghiên cứu và khuyến khích sinh viên giỏi theo đuổi nghề. Đồng thời giúp giảm chi phí vận hành cho startup công nghệ đang ở giai đoạn đầu. Thứ 2, ưu đãi về thuế và tài chính như miễn thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ, nhân đôi chi phí R&D trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp là giải pháp thực chất giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới. Những ưu đãi này có thể kích hoạt một làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, thử nghiệm, sản phẩm mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực trọng điểm như AI, bán dẫn, dữ liệu lớn...

Cụ thể hơn, TS Đặng Minh Tuấn cho rằng với các nghị định mới được ban hành, có ít nhất 3 điểm nghẽn lớn có thể được tháo gỡ. Đó là rào cản chi phí cho đổi mới sáng tạo. R&D từ lâu bị xem là "xa xỉ" với doanh nghiệp nhỏ do chi phí cao, rủi ro lớn, không khấu trừ được thuế hiệu quả. Việc cho nhân đôi chi phí R&D trước thuế sẽ thay đổi cách doanh nghiệp nhìn nhận đầu tư công nghệ - từ "chi phí" thành "lợi thế". Thứ 2 là khắc phục tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng cao. Với hỗ trợ lương kết hợp ưu đãi thuế cá nhân từ luật Công nghiệp công nghệ số, VN đang tạo ra một môi trường tốt hơn để giữ chân người giỏi, thu hút Việt kiều và chuyên gia nước ngoài trở về. Thứ 3 là giảm gánh nặng thủ tục nhập khẩu thiết bị công nghệ. Trước đây, việc nhập khẩu máy móc cho nghiên cứu rất mất thời gian và chi phí cao. Miễn thuế và đơn giản hóa thủ tục sẽ thúc đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án công nghệ, đặc biệt với các startup đang cần thử nghiệm nhanh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trong hơn 6 tháng qua, VN đã chứng kiến những cải cách chưa từng có, đánh dấu những thay đổi mang tính cách mạng trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị.

"Chúng ta đang thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, số doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian qua là minh chứng có những thành quả ban đầu. Chưa thể đánh giá là có hiệu quả ngay, song không ai có thể phủ nhận sức lan tỏa trong khởi nghiệp, chuyển đổi số đã và đang từng bước thay đổi nền kinh tế. Chúng ta đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu làm chủ công nghệ bằng các cơ chế hỗ trợ xưa nay chưa có. Điều quan trọng là nghị quyết và các nghị định không chỉ dừng lại ở những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, vốn mà còn thể hiện sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là yếu tố cung - cầu. Các chính sách đột phá dường như đang thiếu mảng này. Tức là tạo động lực từ phía thị trường để thúc đẩy ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số", TS Võ Trí Thành nêu quan điểm.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn