Bất trắc khi tháng tiết kiệm 10 triệu đồng để nghỉ hưu sớm

Một người bạn của tôi, làm công việc văn phòng với mức lương 15 triệu đồng mỗi tháng, chia sẻ rằng anh đặt mục tiêu tiết kiệm 10 triệu, xài 5 triệu, và nếu kiên trì như vậy, sau một năm sẽ để dành được 120 triệu.
"Vậy thì tôi phải làm bao nhiêu năm mới được nghỉ hưu?", anh hỏi.
Tôi trả lời rằng nếu gom nhiều lần 120 triệu đồng đó, rồi đem đi đầu tư, nếu may mắn thì cỡ 15 năm sau sẽ được nghỉ hưu sớm. "Nghỉ rồi thì không cần làm gì nữa, đi đó đây chơi cho thoải mái", anh nói tiếp.
Nghe xong câu này, tôi biết rằng anh bạn tôi sẽ không bao giờ nghỉ hưu sớm được. Khác với quan niệm truyền thống của nhiều người Việt, nghỉ hưu không còn chỉ là về già an nhàn, dưỡng sức và sống dựa vào lương hưu, con cháu.
Một bộ phận không nhỏ người trẻ ngày nay, nhất là ở nước ngoài, định nghĩa lại khái niệm nghỉ hưu. Với họ, nghỉ hưu không đồng nghĩa với ngưng làm việc, mà là được làm chủ thời gian, công việc và cuộc sống.
Nghỉ hưu, theo nghĩa đó, là khi tài chính đủ vững để không bị ràng buộc bởi đồng lương hàng tháng, để được chọn làm điều mình thích, lúc mình muốn, mà vẫn tạo ra giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần.
Vấn đề là, với mức tiết kiệm 10 triệu đồng mỗi tháng (120 triệu một năm) liệu có thể đạt được trạng thái "nghỉ hưu chủ động" như vậy trong bao nhiêu năm? Và đâu là con đường khả thi cho những người có thu nhập trung bình? Nếu chỉ tiết kiệm mà không đầu tư, thì dù cần cù đến đâu, số tiền tích lũy cũng rất khó theo kịp lạm phát và nhu cầu sống ngày càng tăng. Tiết kiệm là cần, nhưng không đủ.
Đây chính là điểm khác biệt quan trọng: nghỉ hưu truyền thống là để dừng lại, còn nghỉ hưu hiện đại là "chủ động chọn tiếp tục". Và để làm được điều đó, người trẻ không thể chỉ trông vào tiền lương cố định và phương pháp tiết kiệm kiểu cũ.
Họ cần tư duy đầu tư, quản lý tài chính cá nhân bài bản, kỹ năng tạo ra nguồn thu nhập thụ động, từ việc cho thuê tài sản, cổ tức, lãi đầu tư, hoặc kinh doanh tự do.
Một lý do khác khiến nhiều người cảm thấy giấc mơ nghỉ hưu ngày càng xa vời là vì họ chỉ nghĩ tới con số. Nhưng nghỉ hưu không phải là điểm đích đơn thuần về tiền bạc, mà là một trạng thái của sự chủ động.
Có người thu nhập cao nhưng chi tiêu không kiểm soát, đầu tư thiếu hiểu biết, cũng không bao giờ nghỉ hưu được. Ngược lại, có người biết phân bổ dòng tiền, giảm thiểu chi phí không cần thiết, xây dựng lối sống đơn giản mà hiệu quả, thì có thể về đích sớm hơn.
Câu hỏi "tôi cần bao nhiêu năm để nghỉ hưu nếu tiết kiệm 10 triệu mỗi tháng?" là chính đáng, nhưng chỉ có ý nghĩa khi người hỏi thực sự muốn chủ động thiết kế lại cuộc đời mình.
Trong bối cảnh kinh tế biến động, giá cả leo thang, tuổi thọ tăng tôi nghĩ cần định nghĩa lại nghỉ hưu, cũng không phải là đợi đến tuổi, mà là sẽ nghỉ khi bạn muốn với sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Khang Trần