Bắt cháu nội đi nhà trẻ, mẹ chồng tôi nhận 6 triệu đồng trông cháu hàng xóm

(Dân trí) - Sau sự việc này, tôi cảm thấy mẹ chồng là người quá coi trọng vật chất. Sự kính trọng của tôi dành cho bà đã không còn nữa.
Tôi là mẹ của một bé gái mới tròn một tuổi. Con còn non nớt, yếu ớt, chưa tự vệ được trước những cơn ho, sổ mũi hay cả những cú đẩy nhẹ ở lớp.
Nhưng chưa kịp hết thời gian nghỉ thai sản, tôi đã phải vật lộn với bài toán gửi con để đi làm. Chồng tôi thì phó mặc chuyện con cái. Mẹ chồng từng dõng dạc tuyên bố, con cứ yên tâm đi làm, để mẹ trông cháu cho, nay thay đổi thái độ chỉ sau vài tháng.
Khi con tôi mới 7 tháng tuổi, bà đã bắt đầu than thở. Nào là “Tôi già rồi, sức đâu mà bế suốt ngày”, rồi “Cái lưng tôi như sắp gãy vì bế nó đi rong cả ngày để nó chịu ăn”...
Ban đầu, tôi còn thương, thấy bà cực quá. Nhưng rồi những câu nói lặp đi lặp lại, những cái thở dài nặng nề mỗi lần tôi tan ca về đến cửa... Ánh mắt trách móc nếu tôi về muộn 10 phút vì kẹt xe, tất cả khiến tôi bắt đầu cảm thấy có lỗi vì đã làm phiền bà.
Cuối cùng, sau hàng loạt lời giục giã: “Cho nó đi lớp đi, giờ trẻ con vào lớp từ sớm chứ có ai ở nhà mãi đâu”, “Đi lớp sớm mới lanh lợi, nhanh biết nói, biết ăn”..., tôi đành gạt nước mắt cho con đến lớp mầm non tư thục gần nhà. Mỗi sáng nhìn con khóc ngằn ngặt, ôm chặt chân mẹ, tôi thấy mình như kẻ tội đồ.
Thế nhưng, chỉ hai tuần sau khi con tôi đi lớp, mẹ chồng tôi nhận trông trẻ hàng xóm. Bà nhận trông một bé với giá 6 triệu đồng/tháng.
Đứa bé kia hơn con tôi vài tháng tuổi, rất ngoan và ít quấy, bà nói vậy. Hôm tôi về sớm, thấy bà vừa đút cháo, vừa cười đùa với bé kia, ánh mắt dịu dàng, bàn tay thoăn thoắt lau miệng. Lúc chăm cháu nội thì bà cau có, sao với cháu người ta, bà lại nhẹ nhàng đến vậy?
Tôi không nói gì hôm đó nhưng trong lòng cuộn lên nỗi uất ức không sao gỡ ra được. Tối hôm ấy, tôi nhắc nhẹ: “Mẹ nói mẹ mệt lắm, sao lại nhận trông thêm trẻ?”.
Bà đáp tỉnh bơ: “Trông cháu mình thì cực, nó bám bà suốt. Còn con nhà kia ngoan lắm, ăn ngủ đúng giờ. Với lại, người ta thuê, có tiền thì khác chứ”.
Suốt những ngày sau đó, tôi thấy mọi thứ lộn xộn trong đầu. Có lúc, tôi tự trách mình, liệu có phải mình quá nhạy cảm? Nhưng nhìn con tôi ốm sau một tuần đi lớp, ho sù sụ, sốt li bì, bác sĩ nói bị viêm tiểu phế quản, tôi không chịu được nữa.
Tôi hỏi thẳng mẹ chồng: “Vậy nếu con trả mẹ 6 triệu đồng, mẹ có trông cháu nội không?”. Bà nhíu mày, tỏ vẻ tức giận.
Phải chăng là cháu nên bà không cần kiên nhẫn, không cần chăm chút như “dịch vụ có trả tiền”? Là cháu nên bà có thể bị đẩy đi lớp sớm để đỡ cực?
Tôi từng nghĩ, mẹ chồng là người phụ nữ tảo tần, sống vì con cháu. Nhưng thực tế không phải vậy. Tôi thấy đau vì bà chọn số tiền ấy thay vì sự gắn bó máu thịt với đứa cháu nội.
Tôi thương con, đứa trẻ chưa đầy một tuổi đã phải học cách ngủ trong tiếng ồn ào xa lạ của lớp học, ăn uống theo giờ biểu cứng nhắc, thiếu đi vòng tay quen thuộc. Và tôi giận mình vì từng tin vào lời hứa “cứ yên tâm, để mẹ lo”.
Sau khi đắn đo mãi, tôi quyết định thay đổi mọi thứ. Tôi xin nghỉ việc 3 tháng không lương để ở nhà chăm con.
Con tôi từ nay sẽ được chăm bằng tất cả tình yêu của mẹ. Không cần ai ban phát, không cần ai tính công. Chỉ cần con bình yên lớn lên là đủ.
Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.