Nhảy đến nội dung
 

Bài học trong đàm phán với Hoa Kỳ và nguyên tắc có lý có tình

Ở phần 2 của bàn tròn trực tuyến, các khách mời chia sẻ những cách tiếp cận trong đàm phán thương mại hai bên, cũng như mong muốn của doanh nghiệp Mỹ khi làm ăn tại Việt Nam.

XEM VIDEO:

Theo ông Daniel Kritenbrink - Việt Nam cần cải cách gì để tăng lòng tin trong thương mại?

Đây là câu hỏi rất hay. Tôi nghĩ rằng khi bạn nói chuyện với các nhà đàm phán thương mại của Hoa Kỳ và các tập đoàn Hoa Kỳ, như Đại sứ Osius đã đề cập, thì Việt Nam từ lâu đã là một thị trường đầu tư hấp dẫn. Lý do là vì Chính phủ Việt Nam đã gửi tín hiệu mạnh mẽ tới các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam luôn chào đón đầu tư, đặc biệt là vào các ngành then chốt.

Như Đại sứ Osius đã chỉ ra, tôi cho rằng lực lượng lao động Việt Nam có trình độ học vấn cao, mong muốn được đào tạo và năng suất làm việc lớn. Lãnh đạo Việt Nam cũng luôn thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư Hoa Kỳ và nước ngoài để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Tôi nghĩ rằng các nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ luôn mong muốn có được sự rõ ràng và chắc chắn hơn nữa tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là đối với những biện pháp mà Chính phủ Việt Nam có thể chủ động thực hiện. Theo tôi, Chính phủ có thể đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án đầu tư lớn, rút ngắn thời gian xem xét và làm rõ các bước trong quy trình.

Xét đến tầm quan trọng của chuỗi cung ứng liên quan đến công nghệ thông tin, công nghệ cao, bán dẫn và các ngành công nghiệp khác đối với nền kinh tế toàn cầu và đối với Việt Nam, tôi cho rằng bất cứ nỗ lực nào từ phía chính phủ Việt Nam để làm rõ các chính sách liên quan đến dữ liệu – bao gồm cả yêu cầu lưu trữ dữ liệu trong nước –sẽ đều có ích. Tôi cũng biết rằng có một số vấn đề liên quan đến thuế và các chính sách tài chính khác nếu được cải thiện, sẽ càng tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư.

Tất cả những điều đó đều rất quan trọng. Nhưng nếu xét riêng về những biện pháp Chính phủ Việt Nam có thể áp dụng để cải thiện quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, thì tôi nghĩ nên tiếp tục chủ động tham gia một cách có chiến lược và thực tế, và tham gia đàm phán với một cái nhìn toàn diện.

Tất nhiên, chúng ta cần đàm phán cụ thể hơn về thuế quan. Nhưng Việt Nam cũng đã có những thỏa thuận thương mại trong lĩnh vực hàng không, nông nghiệp và năng lượng. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã giải quyết một số vấn đề liên quan đến tiếp cận thị trường và các nội dung tương tự. Tôi cho rằng chính cách tiếp cận đàm phán thương mại toàn diện đó, đi kèm với các cải cách trong nước nhằm đơn giản và cụ thể hoá quy định pháp luật, sẽ là công thức giúp Việt Nam thành công bền vững.

Bộ tứ trụ cột cho phát triển trong giai đoạn mới

Chúng ta vừa đề cập đến cải cách, giờ tôi muốn nhấn mạnh về tính chủ động. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, Việt Nam nên chủ động những gì trong việc hoạch định và thực thi chính sách để có thể tăng cường những điểm mạnh, đồng thời giảm thiểu rủi ro trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ?

Không phải chỉ Mỹ thay đổi, thế giới cũng đã thay đổi và Việt Nam cũng thay đổi. Việt Nam muốn vươn lên về các mặt, đặc biệt là kinh tế. Bức tranh chung là như vậy. Về cụ thể, trước những thách thức và khó khăn trong quan hệ thương mại hiện nay với Hoa Kỳ, chúng ta phải tính tổng hợp trên cả 3 góc độ.

Một là trong quan hệ với Hoa Kỳ về mặt kinh tế - thương mại, việc tìm những giải pháp đối thoại thương lượng để bảo đảm hai bên cùng có lợi mà chúng ta làm vừa qua là cần phải tiếp tục. Thuế quan cần phải được giải quyết thông qua những cách chúng ta đã làm và đặc biệt là cụ thể hóa các trao đổi mà hai đoàn đàm phán và lãnh đạo cấp cao đã đưa ra.

Thứ hai, tôi rất nhất trí với Đại sứ Daniel Kritenbrink. Chúng ta phải làm nhiều hơn với các doanh nghiệp Mỹ. Doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Việt Nam muốn tính ổn định, sự rõ ràng, muốn luật pháp của Việt Nam có thể tính toán được. Nên việc cải cách, tinh gọn, làm thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phải làm mạnh và nhanh hơn.

Tiếp theo là tạo điều kiện cho những ngành mới mà Việt Nam cần. Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam Hoa Kỳ nhấn rất mạnh đến công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Yêu cầu đặt ra là hành lang chính sách và pháp lý, đào tạo nhân lực, cơ sở hạ tầng còn thiếu đòi hỏi chúng ta nỗ lực rất nhiều. Hãy để các nhà kinh tế, nhà đầu tư, nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ đồng hành với Việt Nam trong quá trình đổi mới sáng tạo vươn lên của nền kinh tế.

Tôi cũng muốn chia sẻ rằng, Việt Nam cần bảo đảm tính bền vững của các chuỗi cung ứng với Hoa Kỳ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình với thế giới, đặc biệt là tranh thủ các thỏa thuận thương mại tự do. Lâu nay chúng ta tranh thủ về chiều rộng, tức là giảm thuế nhưng bây giờ phải nâng cấp chất lượng hàng hóa và sự tham gia của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng thế giới ở tầng nấc cao hơn, chất lượng cao hơn.

Điểm thứ ba phải làm, là cùng với quá trình vươn lên trong kỷ nguyên mới, thì đổi mới kinh tế để phát huy nội lực phải làm nhanh hơn và hướng theo phát triển cao hơn.

Bốn nghị quyết mà Việt Nam đưa ra được gọi là bộ tứ trụ cột cho phát triển trong giai đoạn mới: Tinh gọn bộ máy, khung pháp luật phải minh bạch, rõ ràng và thuận lợi hơn; Dựa vào công nghệ đổi mới sáng tạo nhiều hơn; Phát huy vai trò của kinh tế tư nhân và tăng cường hội nhập với chất lượng mới chắc chắn sẽ là định hướng tới đây. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn làm ăn tại Việt Nam, chúng ta hãy kết nối doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam để cùng đồng hành trong câu chuyện này.

Doanh nghiệp Mỹ muốn trở thành một phần của sự tăng trưởng của Việt Nam

Thưa nguyên Đại sứ Ted Osius, vào chiều tối 11/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với đại diện của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Trong cuộc gặp này, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN đã đưa ra những khuyến nghị gì?

Khuyến nghị mà chúng tôi đã đưa ra rất giống với những gì mà Đại sứ Vinh và Đại sứ Kritenbrink vừa chia sẻ. Trước hết, các công ty của chúng tôi đánh giá cao những cải cách hành chính đang được triển khai, bao gồm việc tinh gọn bộ máy hành chính, cắt giảm các thủ tục, số lượng bộ ngành và, đặc biệt là số lượng tỉnh thành.

Đây đều là những biện pháp mà các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài rất hoan nghênh, vì chúng giúp đơn giản hoá việc tiếp cận thị trường, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Nhà đầu tư không còn phải đi quá nhiều nơi để xin giấy phép. Các bộ ngành đã được sắp xếp lại, quy trình cũng đang được cập nhật để trở nên linh hoạt hơn và thực sự hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, việc các nghị quyết đã được ban hành không có nghĩa là chúng đang được triển khai đồng đều ở tất cả các cấp. Sẽ mất một khoảng thời gian để mọi việc vận hành trơn tru. Định hướng từ Trung ương đã rất rõ ràng, nhưng việc thay đổi nhân sự các cấp có thể khiến cho các quy trình bị đình trệ. Đây không phải là điều Chính phủ Việt Nam mong muốn. Chúng tôi hiểu họ muốn các quy trình này diễn ra suôn sẻ cho doanh nghiệp. Vậy nên, thách thức ở đây chính là khâu thực thi.

Một số tập đoàn chúng tôi đại diện có chia sẻ về một vài trường hợp triển khai còn chậm, nhưng nhìn chung họ rất lạc quan về những cải cách hành chính này. Họ đặc biệt rất lạc quan về trọng tâm phát triển khoa học và công nghệ. Nghị quyết 57 là một văn kiện quan trọng vì tầm nhìn nhất quán mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra: Việt Nam đặt mục tiêu chuyển mình từ một quốc gia có thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao thông qua đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Việt Nam sẽ cần nhiều nguồn lực, phần lớn đến từ khối tư nhân. Tôi hy vọng phần lớn sẽ đến từ các doanh nghiệp tư nhân Hoa Kỳ. Ngoài ra, Việt Nam sẽ cần xây dựng các mối quan hệ đối tác thực chất với các công ty Mỹ và các công ty quốc tế, cũng như với các tổ chức học thuật và nghiên cứu. Vì vậy, tôi cho rằng sẽ có rất nhiều nội dung đáng thảo luận trong Đại hội Đảng sắp tới về cách triển khai các tầm nhìn được nêu trong những nghị quyết quan trọng này.

Thông điệp mà cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đã truyền tải đến Thủ tướng là họ mong muốn đồng hành với Việt Nam trong quá trình này. Họ tin rằng tầm nhìn mà Chính phủ đặt ra là đúng đắn. Họ tin rằng tăng trưởng thông qua đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ là con đường phù hợp.

Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại cần vượt qua, chẳng hạn như chính sách thuế. Ngoài ra, một số quy định về thị thực cũng đang trong quá trình cập nhật, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhưng nhìn chung, các doanh nghiệp Hoa Kỳ rất hào hứng với những cải cách đang diễn ra và mong muốn trở thành một phần của sự tăng trưởng đó.

Theo Đại sứ Daniel Kritenbrink, Mỹ có thể hỗ trợ gì với Việt Nam trong quá trình nâng cấp năng lực nội tại về mặt hoạch định chính sách nói chung cũng như nâng cấp năng lực của doanh nghiệp nói riêng?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng Chính phủ Mỹ không nên quên những nguyên tắc đã hàn gắn quan hệ hai nước chúng ta – đó là sự tôn trọng lẫn nhau và đảm bảo lợi ích chung. Tôi tin rằng việc ủng hộ một Việt Nam tự cường, thịnh vượng và độc lập gắn liền với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. 

Và chính những nguyên tắc đó đã dẫn dắt Chính phủ cũng như rất nhiều tập đoàn Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy, tôi tin rằng, vì lợi ích chung, các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ nên tiếp tục đầu tư vào Việt Nam – bao gồm đầu tư đào tạo lao động Việt Nam, như Đại sứ Osius đã đề cập – và đầu tư để giúp Việt Nam thăng tiến trong chuỗi cung ứng.

Vào năm 2023, khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, Chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc đầu tư vào các chuỗi cung ứng công nghệ cao. Từ đó, nguồn tài trợ từ Đạo luật CHIPS của Hoa Kỳ và quỹ An ninh và Đổi mới Công nghệ Quốc tế (International Technology Security and Innovation Fund) đã tạo điều kiện cho Việt Nam đầu tư vào những chuỗi cung ứng công nghệ cao này. Tôi cho rằng đây tiếp tục là cơ hội hợp tác then chốt giữa hai nước. 

Hiện nay, môi trường chính trị tại Hoa Kỳ đang gây ra những áp lực đối với chính sách thương mại tự do. Đây là thách thức đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược khéo léo để ứng phó tình hình này. Tôi cho rằng những gì Việt Nam đã đạt được phản ánh rõ ràng lợi ích thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và minh chứng cho tầm quan trọng của việc đầu tư vào Việt Nam đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Điều này vô cùng quan trọng trong thời gian tới.

Nhân lên lợi ích, hiểu biết và lòng tin

Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, từ góc nhìn ngoại giao, bài học lớn nhất trong đàm phán với Mỹ là gì?

Đàm phán với Mỹ hay bất cứ ai cũng vậy. Cá nhân tôi suy nghĩ đó là phải có tình, có lý. Anh quan tâm đến lợi ích quốc gia của mình, nhưng song hành phải nghĩ tới chuyện hai bên cùng có lợi. Đó là nguyên tắc.

Con đường đi trong quan hệ Việt – Mỹ luôn là xây dựng lòng tin, có những chào hàng phù hợp rồi lại tiếp tục hiểu biết, xây dựng lòng tin và duy trì đối thoại. Chuyện thuế quan vừa qua chúng ta cũng đã làm như vậy. Chúng ta chủ động sớm đưa những chào hàng, đề cập tới lợi ích của Việt Nam, lợi ích của Mỹ và kiên trì trong đối thoại. 

Không phải lúc này ta mới làm vậy. 30 năm thậm chí hơn 30 năm qua, quan hệ Việt – Mỹ luôn có những khác biệt. Điều đó đòi hỏi phải đối thoại, kể cả chính trị, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác như môi trường, lao động…

Quá trình vận động của quan hệ Việt - Mỹ 30 năm qua là ngày càng tăng cường lòng tin và hiểu biết, không chỉ là câu chuyện chính phủ với chính phủ mà ở mọi tầng lớp, từ quốc hội tới doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, các thành phần hoạt động trong xã hội Mỹ đều ủng hộ Việt Nam.

Từ bình thường hóa quan hệ 1995, tới thỏa thuận thương mại hai bên 2001, việc Việt Nam vào WTO, đến Đối tác Toàn diện 2013 và Đối tác Chiến lược Toàn diện 2023… cho thấy chiều hướng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là ngày càng nhân lên lòng tin, nhân lên hiểu biết, đan xen lợi ích với nhau.

Đó là bài học ngoại giao, ngoại giao là có lý, có tình nhưng phải đi cùng với quá trình đó là nhân lên lợi ích, nhân lên lòng tin, nhân lên hiểu biết. 

Đừng bỏ cuộc và hãy tiếp tục đối thoại

Nếu có thể gửi một thông điệp đến các nhà hoạch định chính sách hai nước thì các ông có thể chia sẻ điều gì?

Ông Ted Osius: Trước tiên, tôi muốn nhấn mạnh điều mà Đại sứ Kritenbrink đã nhắc nhở tất cả chúng ta: một Việt Nam tự cường, thịnh vượng và độc lập mang lại lợi ích quốc gia lớn cho Hoa Kỳ. Đây đã là kim chỉ nam trong quan hệ song phương giữa hai nước trong suốt thời gian qua. 

Mối quan hệ này bắt đầu cách đây 30 năm tại thời điểm hai nước tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tổng thống Clinton, với sự ủng hộ từ toàn thể Quốc hội Mỹ, đã tuyên bố rằng vì lợi ích quốc gia, nước Mỹ cần phát triển quan hệ hữu nghị với Việt Nam, thay vì một mối quan hệ đối đầu. Chính phủ Mỹ nên ghi nhớ điều đó khi hai nước trải qua những thăng trầm trong quan hệ thương mại, vì lợi ích chung để xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ, vững chắc với một quốc gia vô cùng quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Tôi muốn chia sẻ thêm rằng, 184 tập đoàn chúng tôi đại diện đều hết sức quan tâm tới thị trường Việt Nam và nhìn thấy cơ hội lớn tại đây - nơi có 100 triệu người dân sẵn sàng làm việc chăm chỉ và một Chính phủ hết sức tập trung vào những mục tiêu thực tế và khả thi, và đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á, nơi cùng với Nam Á đang thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Vì vậy, mối quan hệ này mang lại cơ hội hết sức quan trọng cho hai nước và không nên bị bỏ lỡ. 

Ông Daniel Kritenbrink: Thật khó để bổ sung gì thêm sau câu trả lời của Đại sứ Osius, nhưng tôi xin nhấn mạnh hai điều sau đây. Thứ nhất, đừng quên điều đã đưa chúng ta đến được ngày hôm nay. Đó là sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, bao gồm cả việc hai bên đã chính thức tuyên bố trong hơn một thập kỷ qua rằng chúng ta tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, và thể chế chính trị của nhau. Vì vậy, đừng quên sự tin tưởng và tôn trọng là nền tảng của mối quan hệ này. Chính nhờ nền tảng đó, chúng ta đã xây dựng được tình hữu nghị để có thể thẳng thắn và trung thực với nhau. Tôi cho rằng các nhà đàm phán của chúng ta cần minh bạch và thực tế về yêu cầu của hai nước trong thoả thuận sắp tới. 

Và lời khuyên cuối cùng tôi muốn gửi đến các nhà đàm phán ở cả hai nước là: Đừng bỏ cuộc và hãy tiếp tục đối thoại. Nếu chúng ta nhìn lại kỳ tích trong quan hệ Việt-Mỹ suốt 30 năm qua, bao gồm những giai đoạn thách thức hơn thời điểm hiện tại, chúng ta nên tiếp tục lạc quan và tham gia đàm phán.

Tôi không thể nhấn mạnh hơn rằng tình hữu nghị và quan hệ đối tác mà hai nước đã xây dựng được là nhờ vào sự nỗ lực, cam kết, tận tụy và lòng dũng cảm. Đó cũng chính là những điều mà các nhà đàm phán sẽ cần để vượt qua giai đoạn hiện nay. Tôi tin rằng họ có thể làm được.

Một lần nữa được gọi Việt Nam là nhà

Ông Phạm Quang Vinh: Tôi rất chia sẻ ý kiến cuối cùng của Đại sứ Ted Osius và và Đại sứ Daniel Kritenbrink. Đó là chúng ta có chung lợi ích để thúc đẩy mối quan hệ này. Chúng ta đến được ngày hôm nay là do những nguyên tắc rất quan trọng. Đó là tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng thể chế của nhau và cùng có lợi. 

Tôi xin chia sẻ thêm rằng, chúng ta có chung lợi ích để thúc đẩy mối quan hệ này. Chúng ta có đủ năng lực, đủ lòng tin và đủ quyết tâm để có thể vượt qua những trở ngại theo lịch sử và những lợi ích đan xen đã có trong 30 năm qua.

Bởi vì lợi ích hai nước rất lớn. Hoa Kỳ thấy một Việt Nam là đối tác rất quan trọng và ngược lại. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có chung lợi ích về song phương nhưng lợi ích ấy còn vượt qua khuôn khổ song phương. Hai bên cùng quan tâm đến nỗ lực làm cho khu vực này hòa bình, ổn định, hợp tác dựa trên luật pháp quốc tế; hợp tác chung vì một thế giới tốt đẹp hơn và có lợi cho tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Ông Ted Osius: Tôi xin phép được bổ sung một ý. Các công ty mà tôi đại diện có niềm tin lớn vào tương lai của Việt Nam đến mức họ không thấy yên tâm nếu tôi làm việc tại Washington. Họ đã cử tôi đến đây. Hiện tôi đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, vì họ nhìn thấy tiềm năng rất lớn tại Việt Nam, đặc biệt khi TP. Hồ Chí Minh ngày càng trở thành một trung tâm tài chính của cả khu vực. Vì vậy, chúng tôi tin rằng có quá nhiều cơ hội và chúng tôi không muốn bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào. Giờ đây, tôi rất vui khi một lần nữa được gọi Việt Nam là nhà.

Ông Daniel Kritenbrink: Gần đây, tôi đã gia nhập Tập đoàn Châu Á (The Asia Group) với tư cách là Thành viên HĐQT nhằm đóng vai trò trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và châu Á, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, cũng như Đại sứ Osius. Đó là lý do tại sao chúng tôi có một bộ phận chuyên trách về Việt Nam, đó cũng là lý do chúng tôi có văn phòng tại đây và tệp khách hàng ngày càng lớn mạnh từ các quốc gia khác nhau đều chia sẻ niềm tin vào thị trường Việt Nam.

Thưa quý độc giả, 

30 năm là một chặng đường dài với nhiều cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ mà đỉnh cao là việc hai nước trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2023. Đây cũng là nền tảng để thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ sớm đạt mốc 200 tỷ USD trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước sẽ còn đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức: Đó là tầm nhìn chiến lược, minh bạch chuỗi cung ứng và đối thoại thẳng thắn về những bất đồng – đặc biệt trong chính sách thuế quan và phòng vệ thương mại.

Một lần nữa, xin được cảm ơn Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Daniel Kritenbrink và nguyên Đại sứ Ted Osius

Cảm ơn quý độc giả đã đồng hành cùng chương trình. Kính chào và hẹn gặp lại.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn