Bắc Kinh ô nhiễm hơn Hà Nội nhưng đã cải thiện được chất lượng không khí

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác kiểm soát và cải thiện chất lượng không khí trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Ngày 5-7, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã diễn ra hội nghị tham vấn ý kiến để hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí.
Theo ông Duy, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng tại các TP lớn đang vấn đề là thách thức. Dù các bộ, ngành Trung ương và địa phương như Hà Nội, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, xử lý ô nhiễm không khí, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đã đề ra.
"Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy giai đoạn chuyển từ quốc gia đang phát triển lên phát triển cũng chính là thời kỳ chịu áp lực môi trường lớn nhất, khi tốc độ phát thải thường cao gấp 1,5 lần so với tăng trưởng GDP. Nếu không có biện pháp kiểm soát hiệu quả ngay từ bây giờ, chi phí xử lý hậu quả về sau sẽ vô cùng tốn kém", ông Duy nói.
Ngoài ra theo ông Duy, một ví dụ đáng chú ý được nhắc tới là TP Bắc Kinh (Trung Quốc) - nơi từng có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn cả Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, nhờ đầu tư mạnh mẽ hàng tỉ USD và triển khai đồng bộ các giải pháp, Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí.
Theo ông, đó là minh chứng cho việc đầu tư sớm, đúng hướng sẽ giúp giảm thiểu chi phí và hiệu quả cao hơn trong dài hạn.
Thông tin tại hội nghị, Cục trưởng Cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, dự thảo kế hoạch phải lượng hóa rõ mục tiêu, nhiệm vụ. "Mục tiêu tổng thể của kế hoạch là tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng không khí trên toàn quốc. Đặc biệt tại các đô thị lớn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững", ông Thức nói.
Theo ông Thức, cần kiểm soát chặt nguồn thải lớn như xi măng, nhiệt điện. Các địa phương phải rà soát, di dời hoặc buộc chuyển đổi công nghệ đối với cơ sở sản xuất lạc hậu nằm trong khu dân cư.
TS Hoàng Dương Tùng - chuyên gia môi trường - nêu ra thực trạng hiện nay Việt Nam có hơn 100 trạm quan trắc tự động. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những địa phương "có trạm nhưng không có số liệu" do không có kinh phí vận hành, bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, ông đề nghị bổ sung các chế tài xử phạt mạnh mẽ, học tập kinh nghiệm từ một số TP, quốc gia đã thực hiện hiệu quả như TP Bắc Kinh (Trung Quốc).
Ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội - cho hay về phương tiện giao thông nguồn phát thải chiếm 23%, nhưng đây cũng là "cần câu cơm" của hàng triệu người dân. "Nếu chỉ sử dụng mệnh lệnh hành chính mà thiếu chính sách hỗ trợ như trợ giá xe điện thì sẽ khó khả thi", ông Đại nói.
Những vướng mắc khác như di dời nhà máy gây ô nhiễm, ông Đại cho biết Hà Nội đã nỗ lực nhưng thiếu chế tài và chính sách như miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi đầu tư dẫn đến tiến độ còn chậm.