Nhảy đến nội dung
 

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh và ba lần tiên phong 'làm nhiệm vụ không tưởng' - Báo VnExpress Kinh doanh - Báo VnExpress

- Những ngày đầu "ngồi ghế nóng" của bà diễn ra thế nào?

- Nhận nhiệm vụ xong tôi mới suy nghĩ về con đường nào để phát triển. Công ty mang tên Cơ điện lạnh nhưng thực sự không có gì gắn với ngành lạnh, chủ yếu là cơ điện công trình bởi khi đó nhà nước lẫn tư nhân bắt đầu xây dựng nhà máy, khách sạn, văn phòng...

Năm 1988, nhà nước thành lập uỷ ban về hợp tác đầu tư, nên những công ty nước ngoài bắt đầu đến làm ăn. Họ làm may mặc, gia công kim cương. Ngành nghề không giống mình nhưng nhìn cách họ tổ chức công ty lớp lang, điều hành và ra quyết định nhanh gọn, tôi thấy khác lạ và mới mẻ vô cùng. Tôi rất muốn học tập họ, tuy nhiên là công ty quốc doanh nên bị trói buộc nhiều thứ. Tôi làm tổng giám đốc nhưng đầu tư, vay mượn, tuyển dụng, lương thưởng của nhân viên đều không được tự quyết, phải xin phép cơ quan chủ quản.

4 năm sau, Hội đồng Bộ trưởng có quyết sách thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tôi biết đây là cơ hội nên xung phong làm ngay, dù không thuộc một trong 6 công ty được lựa chọn từ đầu. Lúc đó, tôi hoàn toàn không chút lo lắng, mà chỉ có hào hứng về vận mới của công ty - đó là mình có tiền, có vốn để tập trung phát triển.

Tôi và các anh em làm rốt ráo, hoàn thành toàn bộ hồ sơ cổ phần hóa từ định giá doanh nghiệp, điều lệ công ty, cấu trúc vốn và Hội đồng quản trị... chỉ trong một năm.

Các anh thuộc Ban quản lý đổi mới doanh nghiệp (Bộ Tài chính) bay từ Hà Nội vào xử lý khâu khó nhất là định giá tài sản. Họ xem kỹ lưỡng từ nhà xưởng, máy móc cho đến chiếc ôtô đã dùng gần chục năm để định giá công ty 16 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 triệu USD. Nhiều tài sản đã khấu hao hết mà họ vẫn định giá 30-50% giá trị, nên mình vui lắm, không kỳ kèo gì.

Nhà nước khi đó giữ 30% vốn, còn 50% bán cho nhân viên và 20% bán cho người bên ngoài. Tôi mới nghĩ, nhân viên xí nghiệp thì mình tự thuyết phục được, còn muốn bán hết 20% cho bên ngoài phải tìm cách tiếp cận.

Vậy là tôi đăng tin quảng cáo trên báo. Ban đầu, không ai hỏi mua. Nhiều người không biết cổ phần là gì hay đưa tiền cho công ty này rồi sau đó thế nào. Vài ngày sau, có người tò mò gọi điện thoại cho tôi. Tôi thuyết phục, động viên hết lời để họ tin tưởng. May sao cuối cùng cũng bán hết toàn bộ cổ phần.

25/12/1993, REE chính thức thành công ty cổ phần, trùng hợp đó cũng là sinh nhật 41 tuổi của tôi. Đến giờ, tôi vẫn gọi đó là sinh nhật đáng nhớ nhất đời mình.

- Khi cổ phần hoá, lãnh đạo và người lao động của các doanh nghiệp Nhà nước thường có suy nghĩ tiêu cực, bởi họ cho rằng Nhà nước rút ra để tư nhân điều hành sẽ khiến họ mất chức mất quyền, hoặc ảnh hưởng thu nhập. Vậy công ty của bà được và mất gì sau quá trình cổ phần hóa này?

- Đúng là từ quốc doanh sang cổ phần, chúng tôi không được nhìn nhận một cách tích cực. Người ta hay gọi những người có tư duy buôn bán, kinh doanh là "con buôn". Nhưng tôi không buồn, bởi mỗi người một cách nhìn. Tôi chỉ biết rằng từ ngày bước sang mô hình công ty cổ phần, REE có quyền tự chủ thực sự.

REE là trường hợp đầu tiên cổ phần hóa. Đó vừa là cơ hội, vừa trở thành thách thức phải thành công để các doanh nghiệp thấy rằng cổ phần hoá là mô hình tốt cho nhà nước lẫn doanh nghiệp trong điều hành và huy động vốn phát triển kinh doanh.

Khi chuẩn bị cổ phần hóa, tôi từng trăn trở mãi không biết công nhân viên - những người đã tham gia kháng chiến - đến lúc về hưu sống sao vì đồng lương ít ỏi, không có gì trong tay. Nhiều anh chị em vừa là nhân viên, vừa là cổ đông cũng lo lắng sau cổ phần hóa sẽ hình thành khoảng cách giàu nghèo do người mua ít, người mua nhiều. Họ sợ chỗ làm không được đảm bảo như thời còn quốc doanh và cách điều hành sẽ khác, không phải việc gì cũng mang ra tập thể bàn bạc. Tôi mới giải thích, miếng bánh có thể không lớn, nhưng khi bánh nở ra thì phần của mỗi người càng nhiều. Muốn có bánh lớn, ai cũng phải chung sức chung lòng. Và may mắn thay, kết quả là cổ phần hóa đã giúp các cán bộ, nhân viên của công ty có cổ phần, rồi mua được nhà cửa, xe cộ, cho con cái học hành.

Đối với tôi, thứ mất duy nhất khi cổ phần hóa là thời gian giải thích và chờ đợi kết quả. Nhưng tôi thấy việc đó rất bình thường. Mình khao khát mãnh liệt để làm những thứ chưa từng có tiền lệ thì phải có trách nhiệm giải thích cho người khác hiểu, đồng cảm rằng việc mình làm là đúng, là tốt cho số đông chứ không để tư lợi.

- Năm 1997, bà lại làm một việc chưa có tiền lệ - phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài - khi luật còn chưa có quy định. Bà có thể chia sẻ thêm về "nhiệm vụ không tưởng" này?

- Sau cổ phần hóa, mảng cơ điện công trình của REE bước vào thời kỳ hoàng kim. Dù vậy, tôi thấy chưa thỏa mãn nên muốn tiếp tục làm nhiều mảng mới, đơn cử như tự động hóa và điện khí hóa. Đường hướng phát triển rõ ràng, nhưng vấn đề lớn nhất là thiếu vốn. Khi đó, khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ Thái Lan đã lan tới Việt Nam nên lãi suất vay lên đến 20-22% một năm, thậm chí có lúc 25%. Một số khoản vay cũ cũng bị điều chỉnh lãi suất.

Anh Dominic Scriven, người sáng lập quỹ đầu tư Dragon Capital, đến mời tôi phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế huy động 5 triệu USD.

Lãi suất trái phiếu là 4,5% kèm điều kiện công ty phải lãi trung bình một triệu USD mỗi năm trong vòng 3 năm, để trái phiếu 5 triệu USD được chuyển đổi thành 25% cổ phần. Điều này có nghĩa chúng tôi được định giá 20 triệu USD, trong khi lúc mới cổ phần hóa định giá chưa tới một triệu USD.

Nhưng phát hành không phải dễ. Bởi đây là lần đầu tiên có một công ty trong nước phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi nên tôi gõ cửa từ chuyên viên đến lãnh đạo Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước và Văn phòng Chính phủ để thuyết phục. Tôi nói với họ, REE đang cần vốn, trong khi vay ngân hàng trong nước không được mà có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền ra và Chính phủ không cần bảo lãnh thì tại sao các anh không cho. Một tháng tôi bay ra Hà Nội mấy lượt, lặp đi lặp lại một nội dung. Họ mãi chưa xuôi, tôi cam kết lấy danh dự và sự nghiệp của mình để chịu trách nhiệm nếu đợt phát hành có gì bất như ý. Đến lúc đó, tôi mới được cái gật đầu cho thí điểm.

Tôi lập tức thuê một công ty luật nước ngoài am hiểu trái phiếu chuyển đổi để làm việc với đối tác. Chúng tôi ngồi với nhau, chỉnh sửa từng câu từng chữ điều khoản phát hành. Ký xong hợp đồng, tôi ngước nhìn đồng hồ, lúc đó là 2 giờ sáng.

Cầm 5 triệu USD, REE có thêm nguồn lực tập trung cho mảng cơ điện công trình để tạo dựng tên tuổi đầu ngành. Nhưng vượt xa hơn lợi ích cho REE, thương vụ này trở thành khuôn mẫu và tham chiếu cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế về sau.

- REE sau đó tiếp tục là công ty đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán. Động lực nào thôi thúc bà đưa cổ phiếu lên sàn - một việc lạ lẫm vào những năm đầu 2000?

- REE khi đó mới bước vào lĩnh vực bất động sản nên cần rất nhiều vốn. Tôi tin có thể thông qua thị trường chứng khoán để huy động thêm vốn và tạo ra đa dạng kênh huy động, từ vay ngân hàng, phát hành trái phiếu đến chào bán trực tiếp cho nhà đầu tư chứng khoán.

Khi chị Vũ Thị Kim Liên - Phó chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước lúc đó - đề nghị niêm yết cổ phiếu, tôi đồng ý ngay.

Tôi nhớ chị Liên nói REE là trường hợp đặc biệt nhất khi nằm cuối danh sách doanh nghiệp được Ủy ban chứng khoán vận động, nhưng lại đồng ý đầu tiên. Thời đó, nhiều bên thẳng thừng từ chối vì họ sợ ảnh hưởng đến lợi ích khi phải công khai nhiều số liệu kinh doanh bí mật. Còn tôi ngược lại, tôi muốn mình phơi bày cho nhà đầu tư biết công ty đang hoạt động thế nào, hiệu quả và tầm nhìn cho tương lai ra sao. Nếu làm được, tên tuổi mới thực sự được củng cố.

Niêm yết cổ phiếu cũng để đáp ứng tính thanh khoản cho cổ đông. Hôm nay đầu tư, mai hiệu quả, muốn thoái vốn để rót tiền chỗ khác thì phải có thanh khoản.

Trước ngày giao dịch hơn một tháng, nhiều người đổ xô mua cổ phiếu làm giá chợ đen tăng từng ngày. Đến 28/7/2000 là phiên giao dịch đầu tiên, tôi vừa háo hức, vừa hồi hộp tới mức không ngủ được. Thị trường vừa mở cửa thì xảy ra tình trạng lệch pha cung cầu, tức có lệnh mua mà không ai muốn bán. Lãnh đạo Ủy ban chứng khoán gọi điện, đề nghị tôi bán cổ phiếu để tạo cung cầu, hình thành giá thị trường. Lần đầu nhìn thấy giá cổ phiếu nhảy múa, trong lòng tôi chộn rộn không khác gì đứa trẻ.

- REE là doanh nghiệp tiên phong cho rất nhiều thứ: cổ phần hóa, vay nước ngoài theo hình thức trái phiếu chuyển đổi, niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo bà, điều gì làm nên tính tiên phong xuyên suốt mấy chục năm?

- Bất cứ chính sách đổi mới nào cũng là luồng sinh khí mới đối với tôi. Nó đến, tôi chớp lấy ngay.

Nhưng hơn hết, lòng tự hào dân tộc là thứ nuôi dưỡng đam mê cống hiến cho tôi trong suốt 50 năm. Cho dù mình nhỏ hay lớn, mình đều phải làm những gì tốt đẹp để lại cho thế hệ sau. Khi hợp tác với nước ngoài, mình càng phải thể hiện tinh thần của người Việt Nam - đó là sự sáng tạo, mong muốn phát triển đất nước.

Làm tiên phong rất cực, nhưng trong cái cực có sự thú vị, hấp dẫn của riêng nó. Quá trình làm những điều chưa từng sao tránh khỏi những thứ chưa vẹn toàn. Tôi nghĩ, ai cũng vậy, nên nhìn những thiếu sót đó bằng lòng bao dung. Nếu doanh nghiệp chính trực, chân thành và khao khát cống hiến, hãy ủng hộ họ "xé rào", cho họ được phép sai những thứ không cố ý và hơn hết là cơ hội sửa sai.

Có một điều không thể chối cãi là REE được nhiều hơn mất qua 3 lần tiên phong. Đến giờ, tôi vẫn khao khát làm những điều mới để xem khả năng mình đến đâu và có thể đóng góp thêm gì cho đất nước.

- Trong tương lai, bà muốn tiên phong làm gì?

- Đất nước đang thay đổi rất nhanh và tốt. Trong 10 năm, vị thế chính trị và kinh tế - xã hội của Việt Nam thay đổi ngoạn mục. Kinh tế nhà nước ngày xưa là chủ đạo. Bây giờ, tư nhân lại đóng vai trò rất quan trọng để xây dựng đất nước. Kinh tế tư nhân không còn đơn thuần là công nghiệp, nông - lâm - thuỷ - sản mà là kinh tế tri thức.

Các doanh nghiệp tư nhân phải thể hiện được vai trò chủ đạo, nhận trách nhiệm, nắm lấy cơ hội để cùng xây dựng và phát triển. Đây giống một cuộc cách mạng và đổi mới thật sự.