Ba lớp túi nilon đựng một chùm hoa quả

Mới đây, khi đi siêu thị ở gần nhà mua sắm, lúc chọn xong hàng hóa, đợi tính tiền tại quầy, tôi thấy một người phụ nữ đang thanh toán trước mình, nói với nhân viên: "Em cho chị xin thêm vài cái túi nilon nữa để lát ra ngoài chị bọc thêm túi cá, túi thịt cho nó đỡ dơ nhé...". Nghe vậy, cô nhân viên tính tiền không nề hà gì, vội với tay rút luôn hai chiếc túi nilon đưa thêm cho người khách nữ.
Thực ra, khi người phụ nữ kia xin thêm túi nilon tôi cũng hiểu tâm lý sợ thực phẩm sống dây ra, làm dơ bẩn, mùi tanh hôi ám sang các loại hàng hóa khác... Đó là nhu cầu thiết thực, nhưng việc xin thêm túi nilon như vậy liệu có phải lạm dụng túi nilon? Trong khi đó, thời đại ngày nay việc sử dụng túi nilon một cách tràn lan trong cuộc sống hàng ngày đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của con người.
Chuyện người phụ nữ kia xin thêm túi nilon thực ra không phải là thiểu số. Nhiều người Việt không chỉ xin thêm túi nilon để bọc vài lớp cá, thịt, và các loại thực phẩm tươi sống, mà luôn có tư tưởng tiện thể xin thêm dăm ba chiếc túi nilon khi đi siêu thị mua hàng để mang về dùng dần vào những lúc khác.
Không riêng gì trong siêu thị, mà ở ngoài các khu chợ truyền thống cũng vậy, người mua hàng đều có thói quen xin thêm túi nilon để đựng hàng cho chắc chắn, an toàn. Ví dụ, có lần tôi thấy một người khách nam trẻ tuổi mua hàng rau quả tại một quầy ngoài chợ. Người bán đã bỏ tất cả rau quả vào một chiếc túi nilon lớn, rồi đưa cho khách, vậy nhưng anh ta vẫn cố nài nỉ xin thêm một chiếc túi nilon lớn nữa để lồng ra bên ngoài. Anh ta giải thích rằng "sợ túi bị đứt quai, làm rớt hàng ra đường nên xin thêm chiếc túi nilon nữa lồng vào cho chắc".
>> 'Từ chối mua đồ siêu thị vì combo khay nhựa - màng bọc nilon'
Hay như một bữa khác, tại một sạp hàng bán trái cây, một vị khách sau khi lựa xong số lượng hàng mình cần mua, chị ta cho vào một chiếc túi nilon, sau đó lấy thêm chiếc nữa lồng ra ngoài, nghĩa là bịch trái cây đó có hai lớp túi nilon. Có vẻ chưa yên tâm vì sợ lúc đi đường trái cây bị rớt ra, hay sợ túi nilon bị bục, rách, dẫu dắt xe đi khỏi sạp 5 mét rồi, chị ta vẫn quay lại xin thêm một cái túi nilon lớn nữa. Và như thế, túi trái cây được đựng trong ba lớp túi nilon, thay vì một.
Điển hình nhất trong việc xin thêm túi nilon của những người tiêu dùng đi mua sắm phải kể tới, đó là tại các quầy, sạp trong chợ bán thịt, cá, tôm. Dường như tất cả món hàng thực phẩm tươi sống có mùi tanh, hôi kể trên đều luôn được chủ hàng đựng trong ít nhất hai lớp túi nilon, khi một túi đựng trực tiếp thịt, cá, tôm, và sau đó cho tiếp vào một túi khác cho sạch. Mặc dù đã quá cẩn thận như vậy, nhưng nhiều khách vẫn xin thêm túi nilon.
Nước ta nói riêng, và thế giới nói chung đang vận động người dân hạn chế, tiến tới nói không với việc sử dụng túi nilon một cách tràn lan trong đời sống, thì thói quen xin thêm túi nilon khi đi mua hàng hàng vẫn tồn tại. Tác hại của túi nilon tới môi trường sống về lâu dài là vô cùng ghê gớm, khi mấy chục năm sau, thậm chí hàng trăm năm sau túi nilon vẫn chưa thể phân hủy hết.
Không ít người đã nhận thức được tác hại nên đã chủ động "nói không với túi nilon", thay bằng các loại túi sử dụng nhiều lần, như túi dứa, làn nhựa, túi giấy... Tuy nhiên, nếu không trở thành một phong trào, từ cả phía người bán lẫn người mua hàng thì việc hạn chế sử dụng túi nilon trong đời sống hằng ngày của người Việt vẫn khó mà có được kết quả khả quan.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng việc bảo vệ môi trường bằng cách sản xuất túi đựng sản phẩm của họ bằng nguyên liệu giấy, vải và các nguyên liệu truyền thống như cói, cây lác, mây... Các đầu mối chuyên cung cấp túi, giỏ đựng đồ cũng bắt đầu chuyển sang bán sỉ, lẻ các sản phẩm túi, giỏ dùng nhiều lần, với mẫu mã phong phú và giá cả phải chăng.
Theo tôi thấy, từ lâu trên thế giới, chính quyền một số nước cũng dùng hình thức đánh thuế thật cao vào mặt hàng túi nilon - cả người cung cấp và người sử dụng đều phải chịu chung khoản thuế này. Khi bị đánh thuế nặng với túi nilon, người dân tự giác nhận thấy lợi ích kép của việc sử dụng những loại túi bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, việc sản xuất túi nilon còn theo hình thức tự phát, thủ công và chưa được quản lý chặt chẽ. Túi nilon được bán và sử dụng tràn lan, chi phí thấp, lại tiện dụng nên người dân khó có thể nói không với nó. Những nhà cung cấp sản phẩm cho rằng: "Mặc dù gây hại cho môi trường nhưng hiện nay chưa có vật dụng chứa hàng nào tiện lợi hơn thay thế túi nilon, nên rất khó kêu gọi mọi người từ bỏ thói quen cũ".
Thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường nhận thức đối với người dân về một môi trường xanh - sạch - đẹp thì các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và tiêu dùng túi nilon - đánh thuế thật cao mặt hàng này. Xử lý triệt để vấn đề túi nilon từ nhận thức đến hành động, khiến người tiêu dùng phải bỏ tiền túi ra trả phí đắt đỏ cho túi nilon... thì mới có thể nhìn thấy những tín hiệu khả quan trong việc kêu gọi toàn dân nói không với túi nilon - thủ phạm không nhỏ đang tàn phá môi trường hàng ngày.
Thạch Bích Ngọc