Ai là người đọc bản tin 'Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng'?

Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Bản tin công bố "Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng" vang lên ngày 30/4/1975 cũng trở thành một cột mốc lịch sử đầy ý nghĩa.
1. Ai là phát thanh viên đọc bản tin "Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng" vào ngày 30/4/1975?
Theo VOV.vn, ngày 30/4/1975, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi "Bản tin chiến thắng", tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ với công chúng và trở thành một cột mốc lịch sử đầy ý nghĩa.
Hiện nay, tại Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, băng thu âm "Bản tin chiến thắng" phát sóng ngày 30/4/1975 đang được lưu giữ, với giọng đọc của phát thanh viên Nguyễn Thơ và phát thanh viên Tuyết Mai.
Theo băng thu âm này, "Bản tin chiến thắng" mở đầu với lời xướng của phát thanh viên Tuyết Mai: "Mời đồng bào và chiến sĩ cả nước nghe tin Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Thành phố Sài Gòn đã hoàn toàn giải phóng. Cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền".
2. Bản tin "Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng" được phát sóng lần đầu tiên từ đâu?
Bản tin lịch sử ngày 30/4/1975 được phát đi từ Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội, trước khi các đài tại miền Nam tiếp quản và phát sóng chính thức.
Đây là lời khẳng định chiến thắng đầu tiên gửi từ Hà Nội đến toàn dân tộc.
3. Vào tối 1/5/1975, bản tin chiến thắng được phát hình từ đâu?
Đến tối 1/5/1975, Đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn Giải Phóng phát đi bản tin thứ hai, từ chính nơi vừa giải phóng. Đó là buổi phát hình đầu tiên của đài truyền hình mới tiếp quản nhưng mang sứ mệnh mở ra một kỷ nguyên mới.
Phát thanh viên Hồ Mỹ Hạnh đã đọc bản tin ý nghĩa này: “Đây là Đài vô tuyến truyền hình Sài Gòn Giải Phóng, phát thanh từ Sài Gòn, kính chào đồng bào ruột thịt và yêu quý… Hồi 11h30 ngày 30/4/1975, thành phố anh hùng và vinh quang của chúng ta đã được giải phóng…”.
4. Chiến dịch Hồ Chí Minh kéo dài bao lâu?
Theo SGK Lịch sử - Địa lý 5 (bộ sách Chân trời sáng tạo), ngày 26/4/1975 Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân chủ lực của ta đồng loạt tiến công địch từ bên ngoài vào trung tâm Sài Gòn.
Ngày 28/4/1975, các chiến sĩ không quân của ta đã cho máy bay ném bom xuống sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy nhiều máy bay của địch. Vào lúc 10h45 ngày 30/4/1975 xe tăng của quân ta tiến vào Dinh Độc Lập. Tổng thống của Việt Nam cộng hòa (Chính quyền Sài Gòn) tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
Đến 11h30 cùng ngày, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch.
5. Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được:
Tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh được thực hiện tại Sở Chỉ huy chiến dịch ở Tây Ninh vào tháng 4/1975 và được công nhận Bảo vật quốc gia vào tháng 1/2015.
Hiện tấm Bản đồ này được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Đây là 1 trong 4 Bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại bảo tàng bên cạnh máy bay MiG-21 số hiệu 4324, máy bay MiG-21 số hiệu 5121 và xe tăng T-54B số hiệu 843.
Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - đã giữ tấm bản đồ này từ năm 1975 đến năm 1990 rồi trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.