Ai chịu trách nhiệm sữa giả bán công khai suốt 4 năm?

Là một người tiêu dùng và cũng là một độc giả theo dõi sát sao vụ việc, điều khiến tôi ám ảnh và đặt ra nhiều dấu hỏi nhất không phải là những con số 573 nhãn hiệu hay 500 tỷ đồng doanh thu, mà là câu hỏi:
Tại sao sữa giả có thể bán công khai suốt 4 năm qua mà không bị phát hiện? Và sâu xa hơn, ai là người phải chịu trách nhiệm cho điều này?
Tôi đọc thấy có những hộp sữa giả được đưa vào tận các bệnh viện lớn, giới thiệu cho bệnh nhân sau phẫu thuật, có giá tới cả triệu đồng. Những người yếu nhất, dễ tổn thương nhất như người bệnh, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai lại trở thành nạn nhân đầu tiên. Trong số họ có thể là người thân của tôi, của bạn, hay chính bản thân chúng ta.
Tôi giật mình khi biết một người mẹ ở Hà Nội cho biết mẹ chị đã uống loại sữa bị nghi là giả do nhân viên y tế phát sau khi mổ tuyến giáp. Một người khác, chồng đang phục hồi sau mổ sọ não cũng uống sữa nghi là giả.
Những hộp sữa này không phải được bán ở chợ đen hay góc khuất nào, mà được đưa vào bệnh viện qua con đường đấu thầu hợp pháp, thậm chí có thể đã được kiểm định về giấy tờ. Vậy mà vẫn là sữa giả.
Tôi không phải chuyên gia luật, nhưng là người tiêu dùng, tôi hiểu rõ một điều: việc để thực phẩm giả, nhất là sữa ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài là một sự thất bại trong khâu quản lý và bảo vệ người tiêu dùng.
Việc doanh nghiệp được tự công bố chất lượng sản phẩm mà không có hệ thống hậu kiểm chặt chẽ là một lỗ hổng. Nếu nói rằng hậu kiểm là xu hướng toàn cầu, thì xin hỏi: Hậu kiểm ở nước ta có đủ chặt chẽ, có đủ nguồn lực để thực hiện đúng như ở các quốc gia phát triển hay chưa?
Câu trả lời có lẽ ai cũng rõ. 96% thực phẩm đang do doanh nghiệp tự công bố tại địa phương. Khi hậu kiểm, các cán bộ "chỉ kiểm tra những gì doanh nghiệp đã công bố".
Vậy nếu doanh nghiệp cố tình không công bố một chỉ tiêu quan trọng, thì cơ quan chức năng cũng không kiểm tra luôn?
Thậm chí, nếu lấy mẫu kiểm nghiệm mà không phát hiện sai phạm thì cơ quan kiểm tra phải tự trả chi phí. Một cơ chế như vậy liệu có khuyến khích kiểm tra thực chất hay không?
Tôi không đòi hỏi một cơ chế hoàn hảo, nhưng tôi mong một cơ chế đủ mạnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng giả trước khi nó len lỏi vào cơ thể người bệnh.
Một cơ chế trong đó cơ quan chức năng có thể chủ động kiểm tra đột xuất, kiểm nghiệm thực tế chứ không chỉ nhìn hồ sơ. Một hệ thống mà ở đó không ai có thể "qua mặt" suốt 4 năm với hàng trăm nhãn hiệu sữa giả.
Chúng ta có thể sửa luật, có thể cập nhật quy định. Nhưng nếu tinh thần của người thực thi không thay đổi, nếu tư duy quản lý vẫn là "có phản ánh thì mới kiểm tra", nếu trách nhiệm bị đẩy qua lại giữa các bộ, thì những sửa đổi đó cũng chỉ nằm trên giấy.
Và sau cùng, ai sẽ bảo đảm rằng, từ ngày mai, những người đang nằm trong bệnh viện kia sẽ không phải uống một thứ "sữa giả đúng quy trình".
Tôi không chỉ chờ câu trả lời. Tôi chờ một hành động quyết liệt.
Xuân Hòa