Nhảy đến nội dung
 

'Thần AI' biết nói, ban phước tại Malaysia

Du khách tỏ ra thích thú khi xem vị thần kỹ thuật số tại ngôi đền ở Malaysia. Ảnh: Weibo.

Đền Thiên Hậu (Tianhou) ở bang Johor, miền nam Malaysia vừa cho ra mắt "tượng AI Mazu” - phiên bản số hóa của Thánh Mẫu Mazu, vị thần bảo hộ ngư dân.

Theo SCMP, hình ảnh vị thần này được trình chiếu trên màn hình lớn, với gương mặt khả ái, mặc trang phục truyền thống Trung Quốc, trông giống phiên bản mũm mĩm của nữ diễn viên Lưu Diệc Phi.

AI Mazu có thể giao tiếp bằng tiếng nói nhẹ nhàng, trả lời các câu hỏi của người dân như làm sao để gặp may mắn, cách ngủ ngon hay giải thích các lá bài cầu may. Trong một đoạn video được ghi lại, AI Mazu gọi một người phụ nữ là “con gái của ta” và khuyên cô nên uống nước ấm trước khi ngủ để dễ ngủ hơn.

Người dân có thể đến cầu nguyện và xin lời khuyên từ vị thần AI này, như một phần nghi lễ truyền thống nhưng dưới hình thức hiện đại.

Theo đai diện đền Tianhou, đây là nữ thần kỹ thuật số "AI Mazu" đầu tiên trên thế giới.

Malaysia anh 1

Mazu, nữ thần biển cả, được cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới tôn kính. Ảnh: Shutterstock.

AI Mazu do Aimazin của Malaysia phát triển. Đây là công ty chuyên tạo hình người bằng trí tuệ nhân tạo. Việc ra mắt "tượng AI" diễn ra ngay trước lễ kỷ niệm 1.065 năm ngày sinh của Mazu, nữ thần được cho từng sống vào thế kỷ X tại Phúc Kiến (Trung Quốc).

Theo truyền thuyết, Mazu sinh năm 960 trên đảo Mai Châu thuộc Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, với tên gọi là Lâm Mặc. Người ta kể rằng bà đã chết khi cố gắng cứu những nạn nhân đắm tàu, bay lên trời và được tôn kính như một vị thần bảo vệ toàn năng cho những người đi biển.

Từ đó, tín ngưỡng Mazu phổ biến trong cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới, nhất là ở Malaysia, Singapore và Trung Quốc.

Một số đồn cảnh ở Trung Quốc còn đặt tên phòng hòa giải là Mazu vì tin rằng không ai dám nói dối trước mặt bà.

Mazu còn được người dân yêu mến đến mức cấp cả thẻ căn cước và số điện thoại để “thuận tiện” khi đưa tượng bà đến các nơi khác làm lễ.

Malaysia anh 2

Theo đai diện đền Tianhou, đây là nữ thần kỹ thuật số "AI Mazu" đầu tiên trên thế giới. Ảnh: Sinchew.

Nữ diễn viên Trung Quốc Lưu Đào, người đóng vai Mazu trong một bộ phim truyền hình cùng tên vào năm 2012, cũng được một số người hâm mộ tin tưởng bà là hiện thân của vị thần này, thậm chí họ còn đăng ảnh của bà ở nhà để thờ cúng.

"Tượng thần AI" này mang lại cách tiếp cận mới cho người trẻ, giúp họ đến gần với tín ngưỡng truyền thống hơn thông qua công nghệ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại rằng việc "số hóa" thần linh có thể khiến sự thiêng liêng bị giảm đi.

Dù vậy, phản ứng ban đầu khá tích cực. Nhiều người để lại bình luận cầu nguyện và thể hiện sự thích thú khi được trò chuyện với "AI Mazu". Điều này cho thấy công nghệ có thể là cầu nối mới giữa tâm linh và cuộc sống hiện đại - nếu được sử dụng đúng cách.

Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'