9 con mắc kẹt trong 5.000 m2 đất thừa kế của mẹ

Đọc bài viết "Chuyện 4 chị em tôi khi mẹ cho anh hai thừa kế hết tài sản", tôi lại nhớ đến trường hợp tương tự xảy ra trong chính gia đình mình. Bà ngoại tôi mất để lại cho các cậu, dì và mẹ tôi 5.200 m2 đất. Thế nhưng, khi chia thừa kế, bà chỉ nói miệng rằng sẽ chia đều cho tất cả con cái, mỗi đứa một phần riêng biệt.
Sau một thời gian, xã có yêu cầu làm lại sổ đỏ và chỉ một người trong gia đình được đứng tên sổ đỏ thôi. Mọi người sau đó đồng ý để một dì đại diện đứng tên sổ đỏ cho cả khu đất. Nhưng chẳng hiểu ai chỉ dẫn mà trong đơn lại có câu: "Chúng tôi thống nhất giao toàn bộ tài sản cho bà A được toàn quyền đứng tên, sử dụng và định đoạt".
Trong khi đó, các dì và cậu của tôi đều không biết chữ. Họ viết tên mình còn không được huống hồ là viết cả một tờ đơn, nhưng vì tin tưởng lẫn nhau nên chẳng ai bảo ai, tất cả đều lăn tay xác nhận hết. Lúc tôi về nhà thì mọi chuyện đã rồi và mảnh đất nghiễm nhiên thuộc sở hữu của dì trên mặt pháp luật.
>> Hai em trai phản đối tôi chia đều 12.000 m2 đất thừa kế
Bây giờ, chín người con của bà ngoại tôi vẫn mắc kẹt ở mảnh đất thừa kế đó. Chỉ một người đứng tên nên muốn bán hết để chia lại cũng không được vì đang có ba gia đình ở tại đó. Trên đất lại có nhà xây từ rất lâu (trước năm 2000), bây giờ muốn tách sổ người ta bảo phải đập hết nhà hoặc mua hết thổ cư. Trong khi đó hoàn cảnh các cậu và dì không ai dư dả, cũng đã lớn tuổi rồi. Có mỗi mảnh đất mà ở không được, bán phần của mình cũng không xong.
Chuyện nhà tôi cũng vậy. Gia đình tôi có ba chị em. Ba mẹ tôi có mảnh đất 2.500 m2 (50 m mặt tiền) trên trục đường 32 m, cách trung tâm 1 km, trong đó có 300 m2 thổ cư, định giá tầm 30 tỷ đồng, giai đoạn sốt đất có người hỏi mua 50 tỷ nhưng chúng tôi không bán. Thế nhưng, dù tôi là con trai, nhưng ba mẹ lại quyết định chia cho chị cả 800 m2 (trong đó có 100 m2 thổ cư), đồng thời dồn hết tiền cho chị mở rộng cơ sở kinh doanh.
Còn phần đất còn lại, họ chưa muốn sang tên cho hai anh em tôi. Vậy là trong khi chị cả yên ổn vì có đất thừa kế, vốn làm ăn, thì em trai út phải về nhà vợ xây nhà ở, còn tôi cũng không dám cất nhà để ở do chưa phải đất của mình. Bản thân tôi không thành công lắm nhưng cuộc sống cũng không thiếu thốn gì nên cũng chẳng quá tơ hào đến đất thừa kế của ba mẹ. Thậm chí, trước kia tôi còn không tiếc tiền, vét hết vốn liếng đưa cho ba làm ăn, mua ôtô và lo cho gia đình.
Tuy nhiên, tôi cũng nhiều lần nói ba mẹ bán một phần đất đi rồi lấy tiền dưỡng già, khỏi phải đi làm nữa. Bản thân tôi cũng chẳng muốn tranh giành gì đất đai cả. Nhưng vì bán phần nào cũng ảnh hưởng ít nhiều đến chị tôi nên ba mẹ không muốn bán, cũng không muốn sang tên cho tôi và em vì sợ chúng tôi bán mất.
Bây giờ, mỗi khi nghĩ lại chuyện nhà mình, tôi chỉ thấy buồn cho bản thân. Tôi cũng không hề giận ba mẹ mình mà chỉ tự trách mình vô dụng, không thể làm nên nghiệp lớn từ hai bàn tay mình. Nhưng cái tôi buồn nhất là ba mẹ bây giờ hao tổn sức khỏe để giúp chị tôi kinh doanh, mà chị lại chỉ lo cho bản thân, không thèm quan tâm đoái hoài gì đến việc phụng dưỡng cha mẹ. Thế mới nói, không phải bố mẹ nào cũng đối xử công bằng với các con của mình.
Thanh Duy