60 lần mổ để giữ tính mạng: Bi kịch thẩm mỹ từ Dubai về Việt Nam

TPO - Khi được chuyển đến Bệnh viện JW, cô gái trẻ trong trạng thái hoảng loạn, cơ thể kiệt sức, tâm lý suy sụp, mỗi lần thấy bác sĩ đến gần là gào khóc, co rúm người trong vô thức. Vùng đùi phải sưng to, lở loét, dịch mủ và máu thấm qua lớp gạc, bốc mùi nồng nặc dù chưa tháo băng.
TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW (TPHCM) cho biết, đây là ca hoại tử nặng nhất bệnh viện từng tiếp nhận. Sau khi được trấn an, bệnh nhân bắt đầu nghẹn ngào kể lại hành trình sáu năm đeo đuổi vẻ đẹp nhân tạo.
Từ năm 2019, cô liên tục tiêm filler toàn thân ở nhiều quốc gia. Vị trí tiêm chất làm đầy gần như được thực hiện khắp cơ thể, cứ nơi nào chưa “đẹp như mong muốn” là cô lại tìm đến tiêm tiếp, bất chấp nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng và người thực hiện không có chuyên môn.
![]() |
Các bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật vô cùng nan giải cho người bệnh bị biến chứng sau các mũi tiêm filler |
Khi biến chứng xảy ra, cô lại mổ, khâu, vá. Sự cố tưởng đã dừng sau mỗi cuộc mổ nhưng vòng luẩn quẩn cứ tiếp tục khi những vùng khác lại sưng đau, áp xe, rồi lại tiếp tục mổ. Theo tiền sử bệnh, cô đã có hơn 60 lần lên bàn phẫu thuật vì hậu quả của các mũi tiêm filler.
Tại Bệnh viện JW, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật cho người bệnh. Ca mổ khẩn kéo dài gần 5 giờ trong tình trạng căng thẳng cao độ. TS.BS Tú Dung cho biết, vùng hoại tử ăn sâu toàn bộ mặt trong đùi phải, từ bẹn kéo dài tới đầu gối. Filler không rõ nguồn gốc đã kết thành khối rắn, len lỏi giữa các lớp cơ như mạng nhện, phá hủy hoàn toàn mô mềm.
Ê kíp bác sĩ phải “mổ như nhà khảo cổ”, tách từng lớp mô, nạo vét từng hốc áp xe, vừa xử lý vừa bảo vệ hệ mạch máu lớn. Sau mổ, bệnh nhân được dẫn lưu bằng hệ thống hút áp lực âm (VAC), điều trị kháng sinh, sử dụng công nghệ plasma lạnh để kháng khuẩn và phục hồi mô tổn thương. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn đầu, dự kiến bệnh nhân sẽ cần nhiều đợt can thiệp tiếp theo để có thể phục hồi chức năng vận động và ổn định tâm lý.
![]() |
TS.BS Tú Dung cho biết, bệnh nhân còn phải thực hiện thêm nhiều cuộc phẫu thuật |
TS.BS Tú Dung cảnh báo: “Tiêm filler không sai nhưng tiêm tràn lan vào toàn thân, dùng sản phẩm trôi nổi, do người không đủ chuyên môn thực hiện là tự sát trong im lặng. Không có cái đẹp nào đánh đổi được bằng 60 lần mổ và một cơ thể đầy sẹo”.
Bác sĩ cho biết, filler (chất làm đầy) thường được dùng trong thẩm mỹ nội khoa, được phép sử dụng nếu đúng chỉ định, sản phẩm rõ nguồn gốc và do bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Tuy nhiên, khi tiêm vào các vùng lớn như mông, đùi, bụng bởi người không đủ năng lực, filler có thể gây hoại tử mô, nhiễm trùng, áp xe, sốc phản vệ, hoặc tử vong. Dấu hiệu nguy hiểm gồm sưng đỏ kéo dài, đau nhức dữ dội, rỉ dịch mủ và loét da. Nếu không xử lý sớm, tổn thương có thể lan rộng và để lại di chứng vĩnh viễn.