50 năm nhìn Sài Gòn đổi thay qua từng khung hình, ta còn lại gì trong ký ức?

Đọc sách Sài Gòn - TP.HCM, đổi thay qua những khung hình (1975 - 2025) của Tam Thái thấy có nhiều hình bóng hôm qua của một TP năng động qua con đường, ngôi chợ, phố thị... mà người ta luôn muốn mãi khắc ghi.
Với các chương Sài Gòn, qua miền ký ức; Sài Gòn - Chợ Lớn rong chơi; Sài Gòn đổi thay; Sài Gòn: lướt qua vài phố thị mới; Sài Gòn, đô thị đồng quê; Hồn đô thị, tập sách ảnh dày 272 trang của nhiếp ảnh gia Tam Thái đã tái hiện được những đổi thay của vùng đất và con người trong suốt 50 năm qua.
Ảnh chụp về Sài Gòn mà tôi thích nhất
Bằng những hình ảnh đời thực, tác giả đưa người đọc trở về quá khứ, thời mà TP vừa bước ra chiến tranh, chính thức sống trong bầu không khí của hòa bình, độc lập.
Ở đó là thời kỳ bao cấp còn lắm vất vả, người dân đi tìm con chữ qua những lớp bình dân học vụ, có những câu chuyện mưu sinh xúc động để bắt đầu công cuộc kiến thiết xây dựng nền kinh tế phát triển.
Người đọc còn nhìn thấy quang cảnh phố xá, địa danh vang bóng thân thuộc một thời, những công trình xưa cũ đan xen hiện đại đang thay đổi từng ngày như Lăng Ông ở Bà Chiểu, Bến Nhà Rồng, Bưu điện TP.HCM...
Hay những ngôi chợ bình dị đã ăn sâu vào ký ức của người Sài Gòn như chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu Muối, Cầu Kho, Bình Tây, Bãi Sậy, Chợ Rẫy, Bà Hom, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Thủ Đức...
Rồi cuộc sống dần phát triển, TP xuất hiện những tòa nhà cao tầng và cây cầu hiện đại nối đôi bờ, những con đường kết nối giao thông thuận tiện hơn. Nhịp sống ở đô thị luôn hối hả nhưng vẫn ấm áp tình người.
Nhìn lại hành trình nửa thế kỷ ôm máy ảnh lang thang gom góp những mảng sống phố thị Sài Gòn, tấm hình nhớ đời nhất đối với Tam Thái là ảnh Bến sông xưa (chụp bến Mễ Cốc năm 1984).
Năm 1997, khi anh làm triển lãm "Sài Gòn dáng xưa và nay" tại Nhà văn hóa Thanh niên, "ông già Nam Bộ" Sơn Nam đến xem, đi qua đi lại, mấy lần ngắm nghía rồi nhận xét:
"Nhìn con mắt ghe và dãy nhà chành là biết cảnh Sài Gòn, không lẫn vào đâu được" rồi... xin luôn tấm ảnh về treo. Ông Sơn Nam còn cầm bút ghi vào dòng chữ: "Ảnh chụp về Sài Gòn mà tôi thích nhất".
Sài Gòn vén bỏ màn che cho những ai biết ngắm nhìn
Dành 10 tháng để hoàn tất bản thảo sách, nhiếp ảnh gia Tam Thái mong muốn độc giả hồi tưởng, khám phá nhiều mặt của quá khứ và hơn hết có sự quan sát tinh tế, suy ngẫm về sự tiến triển của TP.
"Việc làm của thế hệ đã qua là ký ức của lớp người hôm nay. Đứng trước đổi thay vũ bão của cuộc đời, mỗi bức ảnh kịp thời lưu giữ những giá trị hiện hữu trước khi nó biến mất. Hình ảnh là bóng hình quá khứ, gắn kết cho hiện tại và kết nối với ngày mai. Nhìn lại quá khứ là một cách để học tập mà cũng để tránh đi sai lầm" - Tam Thái chia sẻ.
PGS.TS Pascal Bourdeaux (Viện Viễn Đông bác cổ) đọc sách Sài Gòn - TP.HCM, đổi thay qua những khung hình (1975-2025) và suy ngẫm:
"Những bức ảnh này làm cho chúng ta phải suy nghĩ về những gì đã có trong quá khứ và đặt ra vấn đề tương lai của một TP năng động như Sài Gòn hiện nay. Với một lịch sử phát triển về không gian lẫn dân số, Sài Gòn vén bỏ màn che cho những ai biết ngắm nhìn".