50 năm đất nước thống nhất: Đứa con của hòa bình

Vài năm trước, có một cô gái làm luận văn tốt nghiệp cao học với đề tài Sài Gòn trong văn chương đương đại. Cô đã chọn 3 tác giả với những tác phẩm cụ thể để nghiên cứu, trong đó có tôi.
Khi hỏi về hai tác giả còn lại, tôi giật mình vì đặt cạnh họ, tôi thấy mình như một cái cây mọc lén bên hàng rào, rồi lén lút nở hoa so với hai đại thụ cao to, uy nghi bên trong sân trường. Đó là thầy tôi, GS-TS Huỳnh Như Phương và nhà văn Phạm Công Luận, một nhà "Sài Gòn học" mà tôi luôn ngưỡng mộ.
Tôi hỏi duyên cớ nào em chọn tôi thì câu trả lời không thể đơn giản hơn là "em đi nhà sách và đọc sách của chị thì thích, vậy thôi". Ừ nhỉ, là duyên hết, tất cả nhờ duyên trong tình yêu lớn lao dành cho TP.HCM mà có cuộc hội tụ dễ thương này.
Thành phố thân thương đã trở thành máu thịt
Tôi có một quê nhà với đầy đủ ông bà, cha mẹ và hàng trăm mối dây yêu thương ở Trảng Bàng, Tây Ninh. Ngày 30.4.1975, ba mẹ tôi đang ở Sài Gòn để chuẩn bị "nhiệt liệt chào mừng con", nhưng mà, rộn ràng phấn khích quá, hồi hộp căng thẳng quá mẹ tôi không "tập trung chuyên môn" được.
Vậy là khăn gói về quê, 13 ngày sau, mẹ sinh tôi ra nhờ bàn tay đỡ của cô mụ địa phương chứ không phải ở Bệnh viện Từ Dũ như dự kiến. Tôi là đứa con của hòa bình, ngay cả cái tên ở nhà cũng là biểu tượng của hòa bình: Bồ Câu.
Ba tôi kể lúc ấy không suy nghĩ gì nhiều, đơn giản ngừng bắn nhau là ngừng chết chóc, sự sống quý giá biết bao. Ba tôi đặt tên con để nhắc nhở một sự kiện đặc biệt. Cũng giống như vậy, năm 1979, lúc em trai tôi ra đời, đất nước trong muôn vàn khó khăn, tiêu chuẩn nhu yếu phẩm phát cho giáo viên khi ấy có cả cao lương, nên bây giờ, tôi có đứa em trai tên là Cao Lương.
Ba mẹ tôi cứ xót vì đã nuôi Bồ Câu và Cao Lương thiếu thốn nhiều thứ quá. Lạ thay, chị em tôi chỉ thấy vui, vì có biết gì đâu mà so sánh, cứ như cây cỏ mà lớn lên thôi. Vẫn có những đốm sao lung linh, những cơn mưa hân hoan để nhớ, để ủ rượu suốt đời. Và bằng tâm thức đó, khi vào đại học, tôi cất tiếng vạc sành lại quê nhà, lấy tiếng còi xe làm nhạc điệu tuổi 17.
Một hành trình mới bắt đầu. 33 năm sau, khi TP.HCM khởi động không khí 50 năm đất nước thống nhất, tôi giật mình ngồi tính nhẩm, hóa ra thời gian thành phố nuôi mình đã gấp đôi thời gian mình ở quê rồi. Nhưng nếu hỏi tôi đã "phố" bao nhiêu thì không biết, gặp người mới quen tôi lại: "Dạ thưa, mình là người quê ở…".
Không phải bạc bẽo gì đâu, mà hình như có rất nhiều người giống tôi. Ai cũng cất giữ một quê nhà mờ khói sau lưng, và một thành phố đã thành máu thịt bây giờ. Cứ vắt vẻo hai nơi, ở phố nhớ quê nhưng về quê dăm ngày lại bồn chồn nhớ tiếng còi xe hối thúc khi chờ đèn đỏ, nhớ tiếng rao của cụ già bán bánh mì thích nghe bolero vào lúc xế chiều trốn nắng. Tiếng rao của cụ vang vọng ở Tân Phú thật đặc biệt: "Bánh mì đê! Đẹp trai mà vô duyên! Bán quài còn quài!...".
Mỗi ngày tôi vẫn chờ nghe tiếng rao quen thuộc để bật cười, cười lần nào cũng như lần đầu. Mỗi lần cười lại thấy yêu Tân Phú, yêu TP.HCM nhiều hơn. Trót làm người ở thành phố này, trái tim hẳn phải có rất nhiều ngăn. Điều ấy đã làm cho nơi đây rộng thêm, làm cho đô thị này dịu dàng mà không chật chội cộc cằn.
Chuyện được sinh ra vào năm 1975 rồi sau này, tôi sinh con vào năm 2000, tôi thấy đó là duyên may thú vị. Cứ gần tới sinh nhật, đọc báo và xem tivi sẽ nhớ tuổi mình. Con trai tôi cũng vậy, hễ năm hai ngàn bao nhiêu thì con bấy nhiêu tuổi. Thật may cho một người dở tính toán như tôi!
Chạm đáy để biết rằng sự sống quý giá biết bao
Có một thời gian, tôi đứng mục Chia sẻ không gian sống cho tạp chí Kiến Trúc và đời sống. Tôi cứ viết về không gian nhỏ bé của mình cùng những suy niệm về thân phận, tình yêu. Rồi thật tự nhiên, cái dây leo chữ nghĩa vươn ra phố phường hồn vía Sài Gòn. Tình yêu mảnh đất này sẵn có cứ thấm vào trang giấy, mỗi tuần, mỗi tháng. Rồi sách in ra, không hề cố ý chút nào, 2 trong 3 cuốn tản văn của tôi lại là viết vì Sài Gòn - TP.HCM, viết trong sự chở che của mảnh đất này.
Bạn biết không, năm 40 tuổi, đi giữa rừng cờ hoa kỷ niệm 40 năm đất nước thống nhất, tôi nhận được kết quả rất tệ từ bệnh viện. Mọi thứ có thể đã đóng lại, vĩnh viễn. Nhưng kỳ diệu thay, giờ đây, ngồi viết bài cho ấn phẩm kỷ niệm 50 năm, tôi chỉ thấy tràn ngập biết ơn vì may mắn. 10 năm lạ lùng của đời tôi vừa đi qua. Có lúc tuyệt vọng, có lúc đầy ắp tâm tư. Đớn đau nhưng quyết liệt, chạm đáy để biết rằng sự sống quý giá biết bao.
Sự sống quý giá biết bao, tôi muốn nhắc lại lần nữa vì trong thời gian TP.HCM khốn đốn vì Covid-19, ngặt nghèo thay tôi đang chăm sóc mẹ trong bệnh viện ở quê nhà. Mỗi phút giây trôi qua là ngóng tin và cầu nguyện. Tôi xem một clip ngắn, đường phố vắng vẻ hoang vu trong chiều chập choạng. Nước mắt trào ra vì thương. Thành phố bệnh thật rồi, bệnh nặng nữa kìa.
Khi mẹ tạm ổn, tôi vượt trạm về lại nhà mình bằng giấy thông hành đặc biệt. Thành phố không một nụ cười. Vì không có con người, thành phố thật bi thương. Nhưng đó cũng chính là thời điểm, tôi tin TP.HCM sẽ vượt qua.
Cũng như tôi nhiều lần biết mình yếu đuối mỏng manh, nhưng bằng ân tình nào đó, bằng năng lượng uyên nguyên nào đó của thành phố này, tôi đã vượt qua những tăm tối đời mình. Tôi tin sẽ có hàng triệu người thắp lên ngọn đèn sáng, ngọn đèn của sự sống quyết liệt cho thành phố. Hoặc thật nhẹ nhàng: Sài Gòn ơi, hãy cùng thở chậm hít sâu!
Hôm nay, tôi 50 tuổi, TP.HCM kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất. Bằng sự thật thà dễ tính, tôi nghĩ mình còn sống 50 năm nữa và đang tưởng tượng cảnh lễ hội 100 năm… Ừm, thì tại vì, tôi đã sống nơi đây hơi lâu, cho nên, ừm, cứ vậy đi nha!