Nhảy đến nội dung
 

50 năm công nghiệp ô tô Việt Nam và giấc mơ vươn tầm quốc tế

Trước năm 1975, chúng ta từng sản xuất được một số mẫu xe như Chiến Thắng - chiếc xe đầu tiên "made in VietNam" lấy từ mẫu từ chiếc Fregate của Pháp, được nhà máy Chiến Thắng (Hà Nội) xuất xưởng vào1958; hay mẫu xe La Dalat, được sản xuất dựa trên tiêu chuẩn của hãng Citroen (Pháp) có mặt tại thị trường miền Nam. Tuy nhiên, giai đoạn này, ngành cơ khí ô tô Việt Nam chủ yếu sản xuất hoặc lắp ráp theo kiểu đơn chiếc hoặc số lượng rất nhỏ do ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam bước vào thời kỳ khôi phục nền kinh tế và tái thiết cơ sở hạ tầng sau chiến tranh. Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn khi cả nước đối mặt với tình trạng kiệt quệ về tài nguyên, cơ sở vật chất và nhân lực. 

Trong bối cảnh đó, nhu cầu về phương tiện vận chuyển cơ giới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đóng vai trò trọng yếu trong công tác xây dựng đất nước, vận chuyển vật tư, lương thực và hàng hóa phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế.

Chính trong giai đoạn đặc biệt ấy, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam gần như bắt đầu từ con số “0” đã manh nha hình thành. Những cơ sở sản xuất và sửa chữa xe cơ giới đầu tiên đã ra đời và phát triển, chủ yếu là từ các xí nghiệp cơ khí thuộc quân đội hoặc các đơn vị nhà nước. Mục tiêu ban đầu của các đơn vị này không phải là sản xuất ô tô mới, mà chủ yếu tập trung vào việc lắp ráp, cải tiến, phục hồi các loại xe quân sự, xe tải, xe công vụ phục vụ nhu cầu nội bộ.

Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Xí nghiệp Cơ khí ô tô Ngô Gia Tự - một trong những đơn vị tiên phong trong việc sửa chữa và lắp ráp xe. Đây không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu của các cơ quan nhà nước mà còn đóng vai trò đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật cho ngành công nghiệp ô tô non trẻ của Việt Nam. 

Ngoài ra, Nhà máy Cơ khí ô tô Sài Gòn cũng là một cái tên đáng chú ý, đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển công nghiệp cơ khí và ô tô ở khu vực miền Nam sau ngày giải phóng.

Giai đoạn từ năm 1975 đến 1990 được coi là thời kỳ khởi đầu, là giai đoạn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam “gieo hạt giống” trên con đường phát triển. Tuy chưa có sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt đúng nghĩa, nhưng tinh thần tự lực và nỗ lực khắc phục khó khăn của đội ngũ kỹ sư, công nhân lúc bấy giờ đã tạo ra tiền đề quan trọng để phát triển trong tương lai. 

Tuy còn hạn chế về công nghệ, thiết bị và nguồn vốn đầu tư, nhưng chính trong thời kỳ này, ngành cơ khí ô tô Việt Nam đã bắt đầu tích lũy được kinh nghiệm và hình thành nên lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cơ bản. 

Những công trình sửa chữa, cải hoán xe tải thành xe chở hàng, xe công vụ hay những mô hình lắp ráp đơn giản chính là những viên gạch đầu tiên, xây dựng khát vọng “tự làm chủ sản xuất ô tô” của người Việt từ những thời điểm khó khăn nhất.

Bước vào thời kỳ Đổi mới, khi nền kinh tế mở cửa và bắt đầu đón nhận sự đầu tư từ nước ngoài, ngành công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam đã thực sự bước sang một trang mới. 

Năm 1991, Chính phủ ban hành Nghị định 53/NĐ-CP về phát triển công nghiệp ô tô, đặt mục tiêu đưa ngành ô tô trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Nghị định này đã mở toang cánh cửa cho sự phát triển của ngành ô tô Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ngay trong năm 1991, sự hợp tác liên doanh giữa 3 nước Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thành lập nên công ty Mekong Auto (Việt Nam 30%, Hàn Quốc 19% và Nhật Bản 51%). Với sự hỗ trợ từ công nghệ và kỹ thuật của hai cường quốc, Mekong Auto đã cho ra đời mẫu xe ô tô việt dã 2 cầu đầu tiên chỉ sau 1 năm mang nhãn hiệu Mekong Star, được sản xuất tại nhà máy Cửu Long (TPHCM) với động cơ do công ty Ssangyong (Hàn Quốc) cung cấp. 

Năm 1993, Mekong Star đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc. Điều này đã phần nào gây ấn tượng tới người tiêu dùng châu Á với chiếc xe đầu tiên sản xuất từ Việt Nam.

Những chiếc Mekong Star đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài vào năm 1993. Ảnh tư liệu

Đến năm 1994, 3 ông lớn trong ngành ô tô thế giới là Toyota, Ford và Chysler đã lần lượt thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam. Khởi đầu cho giai đoạn mới, khi người Việt được tiếp xúc với các thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới. Sau đó, tổng cộng 16 doanh nghiệp ô tô lớn có vốn đầu tư nước ngoài cũng ồ ạt đổ bộ thị trường Việt, trong đó phải kể tới như: Mercedes-Benz, Honda, Toyota, Ford, Mitsubishi, Suzuki…

Lúc này, thị trường Việt Nam trở nên sôi động hơn khi các thương hiệu ô tô bắt đầu đẩy mạnh sản xuất thay vì nhập khẩu để đưa ra nhiều mẫu xe, làm đa dạng cho thị trường.

Trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới và mở cửa kinh tế, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện của những liên doanh đầu tiên với sự tham gia của các tập đoàn nước ngoài. Nổi bật trong số đó là VIDAMCO và Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) – hai cái tên góp phần định hình thị trường ô tô nội địa những năm 90 của thế kỷ trước.

Trong đó, VMC được thành lập từ năm 1991 bởi Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) với một số đối tác nước ngoài, nổi bật nhất là hãng KIA Motors của Hàn Quốc và BMW của Đức. Trong suốt những năm của thập niên 1990, VMC lắp ráp những dòng xe quen thuộc với người Việt như KIA Pride, Mazda3 hay BMW 3-series và 5-series.

VIDAMCO và Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) – hai cái tên góp phần định hình thị trường ô tô nội địa những năm 90 của thế kỷ trước. Ảnh tư liệu

Còn VIDAMCO (Vietnam Daewoo Motor Company), thành lập năm 1993, là liên doanh giữa TRANSINCO và tập đoàn Daewoo Motor của Hàn Quốc. Công ty tập trung lắp ráp và phân phối các dòng xe Daewoo như Cielo, Lanos, Nubira, Matiz, Lacetti…- những mẫu xe từng rất phổ biến nhờ giá cả phải chăng và thiết kế hiện đại. 

Tuy vậy, sau một số năm phát triển, cả hai liên doanh đều có chung một trở ngại lớn là tỷ lệ nội địa hóa thấp. Toàn bộ công nghệ phụ thuộc vào tập đoàn nước ngoài, cộng với phần lớn linh kiện phải nhập khẩu, khiến giá thành sản phẩm khó cạnh tranh và hạn chế khả năng phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.

Dù đã kết thúc sứ mệnh của mình, những cái tên như Mekong Auto, VIDAMCO hay VMC vẫn được xem là đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành sản xuất ô tô Việt Nam – mở đường cho sự đầu tư sâu rộng hơn trong những thập niên sau này.

Năm 2004 đã đánh dấu bước “chuyển mình” mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam khi có hai doanh nghiệp mang thương hiệu Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất, lắp ráp, đó là Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) và Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki). Giai đoạn đầu, cả hai công ty đều liên doanh lắp ráp các sản phẩm ô tô thương mại từ các ông lớn trên thế giới để cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Với khát vọng ô tô thuần Việt “Made in Vietnam”, Vinaxuki của ông Bùi Ngọc Huyên đã chuyển hướng tự sản xuất các dòng xe du lịch với mục tiêu trở thành thương hiệu ô tô đầu tiên của người Việt. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về vốn cũng như độ hoàn thiện của sản phẩm còn kém, đầu năm 2012, Vinaxuki chính thức đóng cửa, gác lại giấc mơ dang dở.

Ông Bùi Ngọc Huyên với ước mơ dang dở mang tên Vinaxuki. Ảnh tư liệu

Về phía THACO, doanh nghiệp này lại có lối đi khác. THACO ban đầu tập trung liên doanh để lắp ráp và phân phối các sản phẩm cho các hãng xe ngoại, đồng thời dần mở rộng phân khúc sang lắp ráp xe tải, xe thương mại cho đến xe khách,… Kết quả cho thấy, thị phần của THACO đã tăng nhanh trên thị trường Việt Nam với nhiều dòng xe. Sau nhiều năm phát triển, THACO của Chủ tịch Trần Bá Dương đã xây dựng một khu liên hợp sản xuất ô tô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam hiện nay tại Chu Lai - Quảng Nam.

Sau THACO, Công ty CP Tập đoàn Thành Công (TC Group) cũng bắt tay với Tập đoàn Hyundai Motors của Hàn Quốc, thành lập Liên doanh ô tô Hyundai Thành Công (HTV), chuyên sản xuất, phân phối các dòng xe con phổ biến của thương hiệu Hyundai tại nhà máy ở Ninh Bình như Hyundai i10, Accent, Elantra, Tucson, Santa Fe,… Nhờ giá cả hợp lý, thiết kế hiện đại và chất lượng ổn định, sản phẩm của Hyundai nhanh chóng chiếm được thị phần lớn trong phân khúc xe du lịch và xe gia đình tại Việt Nam.

Có thể nói, đây là giai đoạn đánh dấu một chặng đường phát triển quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Các liên doanh nước ngoài như Toyota, Ford, Honda... tiếp tục mở rộng quy mô, trong khi các doanh nghiệp nội địa cũng dần khẳng định vị thế và đầu tư mạnh mẽ vào nhà máy, dây chuyền tự động hóa và công nghiệp phụ trợ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt ở dòng xe tải và xe du lịch giá rẻ, tiếp cận đông đảo khách hàng trong nước.

Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã trải qua những bước phát triển đột phá, chuyển mình từ thị trường tiêu thụ sang sản xuất và xuất khẩu. Việt Nam đã dần hình thành hệ sinh thái sản xuất ô tô trong nước với sự tham gia mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp nội địa và liên doanh quốc tế.

Nổi bật nhất trong làn sóng phát triển này chính là VinFast - thương hiệu ô tô Việt Nam đầu tiên do Tập đoàn Vingroup thành lập vào năm 2017. Chỉ sau hai năm xây dựng, VinFast đã cho ra mắt mẫu xe đầu tiên vào năm 2019 - một tốc độ phát triển được xem là "thần tốc". Không chỉ dừng lại ở sản xuất ô tô chạy xăng, VinFast nhanh chóng chuyển hướng sang xe điện, bắt nhịp xu hướng toàn cầu.

VinFast đã ghi dấu mốc quan trọng khi chính thức xuất khẩu ô tô ra thị trường toàn cầu với sự kiện lô 999 chiếc VF 8 được xuất khẩu sang Mỹ vào cuối năm 2022 và tiếp theo là các thị trường như Canada, châu Âu và Đông Nam Á.

Điều này thể hiện bước tiến lớn của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trên bản đồ thế giới. Việc mở rộng ra quốc tế cho thấy tham vọng cạnh tranh toàn cầu, khẳng định năng lực sản xuất và tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp Việt.

Năm 2024 vừa qua, VinFast bán được tổng cộng hơn 97.000 xe, trong đó có khoảng 87.000 ở thị trường Việt Nam và hơn 10.000 xe ở thị trường nước ngoài. Năm 2024 cũng đánh dấu một cột mốc đáng nhớ khi VinFast trở thành hãng xe số 1 tại Việt Nam, lần đầu tiên một thương hiệu Việt vươn lên dẫn đầu doanh số ở thị trường nội địa, “thắng ngay trên sân nhà” trước các tên tuổi ngoại nhập lâu đời.

Tuy nhiên, VinFast không phải là cái tên duy nhất đóng góp cho sự hình thành của chuỗi công nghiệp ô tô trong nước.

THACO - một trong những doanh nghiệp ô tô tư nhân lớn nhất Việt Nam tiếp tục đầu tư mạnh vào sản xuất, lắp ráp đa dạng các dòng xe từ xe du lịch đến xe tải, xe buýt. Từ 2015 đến nay, THACO cũng tích cực phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện, phụ tùng trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Năm 2024, những dòng xe của THACO lắp ráp, phân phối gồm các thương hiệu Mazda, KIA, Peugeot, BMW& MINI và một số dòng xe tải, xe buýt có lượng bán ra thị trường đạt 90.989 chiếc, chiếm 26,8% và dẫn đầu trong các thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất Việt Nam (VAMA).

Thành Công Group, với Liên doanh Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV), cũng có những đóng góp quan trọng, vừa lắp ráp xe Hyundai vừa phát triển năng lực sản xuất linh kiện với việc khánh thành nhà máy số 2 của mình tại Ninh Bình vào năm 2022.

HTV còn tạo dấu ấn khi xuất khẩu lô xe Hyundai Palisade sang Thái Lan vào tháng 10/2024 với tỷ lệ nội địa hoá trên 40%, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu ô tô du lịch sang một quốc gia vốn được mệnh danh là trung tâm sản xuất xe của khu vực. 

Năm 2024, tổng doanh số xe của HTV là 67.168 chiếc, chiếm khoảng 13,58% tổng lượng xe bán ra của toàn thị trường (khoảng 494.300 chiếc, bao gồm các thành viên VAMA, HTV và VinFast).

Như vậy, chỉ 3 doanh nghiệp trong nước kể trên đã đóng góp tới một nửa (49,6%) lượng xe bán ra của toàn thị trường trong năm 2024, một con số rất đáng tự hào.

Nhờ những nỗ lực chung của các doanh nghiệp nội cũng như liên doanh, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang từng bước xây dựng một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, từ thiết kế – chế tạo – sản xuất đến phân phối và hậu mãi. Hạ tầng logistics, kho bãi, cảng biển cũng đang được cải thiện nhằm phục vụ xuất khẩu và lưu thông nội địa hiệu quả hơn.

Trong hành trình phát triển tiếp theo, ngành ô tô Việt Nam vẫn đối mặt với không ít thách thức. Một trong số đó là năng lực công nghệ còn hạn chế và chưa đồng đều, đặc biệt trong lĩnh vực xe sử dụng năng lượng mới - nơi đòi hỏi kỹ thuật cao và sự đồng bộ từ pin, hệ thống điều khiển đến trạm sạc và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, thị trường nội địa vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia, gây khó khăn trong việc đạt quy mô kinh tế.

Dây chuyền sản xuất ô tô hiện đại của THACO tại Khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam). Ảnh: Hoàng Hiệp

Dù vậy, với lợi thế về sự ổn định chính trị, chính sách rộng mở, quy mô dân số trẻ, thu nhập bình quân đang tăng nhanh, tỷ lệ sở hữu ô tô còn thấp nhưng nhu cầu cao,… chúng ta có đủ điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh không chỉ trên sân nhà.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam từ chỗ được xem như “học trò nhỏ” trên bản đồ xe hơi toàn cầu, nhưng những năm gần đây, các doanh nghiệp như THACO, Hyundai Thành Công và đặc biệt là VinFast đã giúp ngành ô tô Việt Nam “lột xác”, tạo nên những cú vươn mình ngoạn mục.