5 lý do phổ biến khiến động cơ ô tô quá nhiệt vào mùa hè

Nước làm mát bị hao hụt, thiếu dầu động cơ hay quạt tản nhiệt, van hằng nhiệt bị hỏng… là những nguyên nhân phổ biến khiến động cơ ô tô quá nhiệt khi sử dụng vào mùa hè.
Thời tiết tại một số tỉnh, thành phố đang bước vào mùa nắng nóng, trong điều kiện khắc nghiệt này ô tô hoạt động thường phát sinh một số sự cố, trong đó phổ biến nhất là tình trạng động cơ ô tô quá nhiệt, khiến xe không hoạt động.
Nếu ô tô gặp tình trạng động cơ bị quá nhiệt, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết là đèn chỉ báo trên bảng điều khiển (thường có biểu tượng là hình một chiếc nhiệt kế) bật sáng. Bên cạnh đó, kim đồng hồ nhiệt độ cũng sẽ di chuyển vào vùng màu đỏ, chỉ ra rằng nhiệt độ động cơ đã vượt quá mức an toàn.
Với các mẫu ô tô đời cũ, nếu động cơ gặp tình trạng quá nhiệt còn xuất hiện hơi nước hoặc khói bốc lên từ khoang động cơ. Điều này thường xảy ra khi một phần của hệ thống làm mát gặp vấn đề hoặc có rò rỉ nước làm mát… Động cơ quá nhiệt sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động cũng như sự ổn định của xe. Do đó, khi sử dụng ô tô vào mùa hè hay những ngày nắng nóng gay gắt, người dùng cần nắm rõ những nguyên nhân phổ biến có thể khiến động cơ ô tô quá nhiệt để có thể phòng ngừa.
Dưới đây là 5 lý do phổ biến khiến động cơ ô tô quá nhiệt vào mùa hè:
Nước làm mát không bị hao hụt
Nước làm mát là một trong những loại dung dịch quan trọng nhất trên ô tô, góp phần giúp động cơ ô tô hoạt động ổn định. Nước làm mát trên ô tô thường có nhiều loại khác nhau, nhưng về cơ bản đều có các thành phần chính là nước, chất làm mát ethylene glycol, chất chống rỉ sét… Loại dung dịch này thường có nhiều màu sắc như xanh lá cây hoặc hồng…, để giúp người dùng có thể phân biệt với các chất lỏng khác trong khoang động cơ.
Theo thời gian sử dụng, nước làm mát động cơ ô tô sẽ bị hao hụt do rò rỉ hoặc bốc hơi, do đó cần kiểm tra bổ sung. Nếu nước làm mát bị hao hụt sẽ khiến việc làm mát không đạt hiệu quả khiến động cơ bị quá nhiệt. Nếu dựa vào quãng đường, các nhà sản xuất ô tô thường khuyến cáo người dùng nên thay nước làm mát ô tô sau mỗi 40.000 - 160.000 km, tùy mẫu mã thương hiệu.
Quạt tản nhiệt không hoạt động
Quạt gió tản nhiệt động cơ ô tô là bộ phận có chức năng hút không khí lạnh từ bên ngoài và đẩy nó qua két làm mát. Nếu quạt tản nhiệt bị hư hỏng không hoạt động sẽ giảm hiệu suất làm mát và tăng nguy cơ quá nhiệt cho động cơ. Thông thường, nếu quạt tản nhiệt không hoạt động thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là cầu chì bị đứt hoặc do sự cố ở mạch điện. Do đó, khi bước vào mùa nắng nóng, người dùng cần kiểm tra tình trạng quạt tản nhiệt để đảm bảo bộ phận này luôn hoạt động tốt.
Hệ thống làm mát bị tắc
Hệ thống làm mát được thiết kế, trang bị trên ô tô có chức năng "giải nhiệt" sinh ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu của động cơ cũng như ma sát giữa các chi tiết. Nếu hệ thống làm mát (tản nhiệt) bị tắc do cặn hoặc bụi bẩn sẽ dẫn đến việc làm mát không hiệu quả. Điều này dẫn đến việc nhiệt độ động cơ tăng lên đáng kể.
Van hằng nhiệt bị hỏng
Van hằng nhiệt là một bộ phận nhỏ trong hệ thống làm mát của động cơ ô tô. Đây là chi tiết tác động đến sự ổn định nhiệt độ của động cơ xe. Van hằng nhiệt thường được lắp trên đường ống dẫn từ động cơ đến két nước. Bộ phận này có công dụng điều chỉnh nhiệt độ nước làm mát của động cơ đến một mức ổn định bằng cách khống chế lượng chất lỏng này đi qua két làm mát. Do nó, nếu van hằng nhiệt bị hư hỏng sẽ làm cản trở việc lưu thông của nước làm mát, qua đó gây nên tình trạng quá nhiệt động cơ.
Thiếu dầu động cơ ô tô
Ngoài hệ thống làm mát, nếu lượng dầu động cơ không đảm bảo cũng sẽ gây ra tình trạng quá nhiệt, khiến xe hoạt động không ổn định. Đây là một trong những nguyên nhân thường gặp trên các mẫu ô tô ít được chủ xe quan tâm đến việc chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ. Bởi dầu động cơ ô tô ngoài chức năng bôi trơn còn có nhiệm vụ làm mát các chi tiết bên trong động cơ. Do đó, trong quá trình sử dụng ô tô nên chú ý việc kiểm tra tình trạng dầu động cơ. Thông thường, các nhà sản xuất ô tô khuyến cáo nên thay dầu định kỳ sau khi xe hoạt động từ 5.000 - 8.000 km.