5 lỗi ăn sáng người tiểu đường cần tránh

Bữa sáng là cơ hội để thiết lập nhịp điệu cho cả ngày, đặc biệt đối với người tiểu đường. Bữa ăn sáng có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu sau đó, tác động đến tâm trạng, năng lượng và sức khỏe tổng thể.
Dưới đây là 5 lỗi ăn sáng phổ biến, cần tránh nếu bạn bị tiểu đường:
Bỏ bữa sáng hoàn toàn
Cho dù bạn bỏ bữa sáng vì đang theo chế độ nhịn ăn gián đoạn hay không thích ăn sáng nói chung, hãy biết rằng có một số lưu ý cho người tiểu đường.
Thứ nhất, nếu bạn dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu, bỏ bữa sáng có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Nói chuyện với bác sĩ nếu có bất kỳ thay đổi nào về thời gian ăn để xác định lịch trình tốt nhất cho bạn.
Ngoài ra, việc nói không với bữa sáng cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Thay vào đó, nên dùng một bữa ăn giàu protein và chất xơ, điều này sẽ giúp giữ lượng đường trong máu ổn định hơn trong suốt cả ngày để có thể tránh được cả biến động lượng đường trong máu. Tránh biến động đáng kể rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường, vì lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp có thể làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng.
Nếu bạn muốn ăn sáng nhẹ, hãy cân nhắc ăn một quả táo với bơ đậu phộng và quế, quả mọng tươi với các loại hạt và hạt xắt nhỏ hoặc lê thái lát với sữa chua Hy Lạp ít béo hoặc pho mát sữa đông ít béo.
Bữa sáng ít chất xơ
Chất xơ - phần không tiêu hóa được của carbohydrate có trong thực vật - rất quan trọng để kiểm soát lượng đường trong máu và tăng cảm giác no, cũng như tăng cường sức khỏe tim mạch, tiêu hóa và đường ruột.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, những người mắc bệnh tiểu đường nên đặt mục tiêu ăn lượng chất xơ tương đương với dân số nói chung, hoặc 25 đến 38 g chất xơ mỗi ngày.
Để bổ sung nhiều chất xơ hơn, bạn có thể thêm rau xanh vào bữa sáng. Sinh tố trái cây hay hạt chia là một cách tuyệt vời khác để tăng lượng chất xơ.
Bữa sáng giàu carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa
Các món ăn sáng truyền thống giàu carbohydrate - granola mua ở cửa hàng, bánh nướng xốp, bánh rán và bánh ngọt hoặc bánh mì trắng và bơ - chứa ít chất xơ và nhiều chất béo bão hòa. Sự kết hợp này làm tăng lượng đường trong máu và khiến tim bạn gặp nguy hiểm.
Đối với một món ngọt, hãy tìm một loại granola được làm với ít chất béo bổ sung và được làm ngọt nhẹ. Kết hợp với pho mát sữa đông ít béo hoặc sữa chua Hy Lạp, cộng với một phần quả mọng.
Ngoài ra, hãy chọn ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu với rau hoặc trái cây, cung cấp carbohydrate phức tạp tiêu hóa chậm hơn và thực phẩm chứa chất béo lành mạnh.
Ăn quá nhiều
Không ăn uống đều đặn và ăn quá nhiều có thể dẫn đến lượng đường trong máu thất thường. Ví dụ, nếu bạn bỏ bữa sáng một ngày và ăn một bữa rất lớn vào ngày hôm sau, có nhiều khả năng lượng đường trong máu không ổn định. Tất nhiên, điều này khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc bạn dùng, những gì đã ăn, đã ăn bao nhiêu và mức độ hoạt động.
Nếu bạn nhận thấy lượng đường trong máu tăng cao hai giờ sau khi ăn sáng, hãy xem lại những gì vừa ăn.
Cố gắng ăn lượng carbohydrate gần như nhau cho bữa sáng một cách nhất quán và đánh giá phản ứng của cơ thể. Hãy nhớ bao gồm các thực phẩm chứa chất xơ, protein và chất béo không bão hòa cho một bữa sáng cân bằng.
Uống nước ép
Nước ép, ngay cả nước ép trái cây 100%, đều thiếu chất xơ. Điều này không có nghĩa là thức uống không có giá trị dinh dưỡng, nhưng đối với những người mắc bệnh tiểu đường, uống nước ép thường được sử dụng để nhanh chóng đưa lượng đường trong máu thấp trở lại bình thường. Ngoài nhu cầu đó, việc tăng lượng đường trong máu quá nhiều sẽ làm tăng sản xuất insulin, có thể dẫn đến tăng cân nhiều hơn.
Thay vì uống nước ép, hãy chọn trái cây tươi nguyên chất, có chứa chất xơ và kết hợp với nguồn protein. Nếu bạn yêu thích nước ép tươi, hãy đưa loại nước này vào bữa ăn và chỉ nên dùng một nửa cốc.
Mỹ Ý (Theo Eating Well)