Nhảy đến nội dung
 

5 giải pháp thay 'tăng mức phạt giao thông lên 200 triệu đồng để răn đe'

Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính chiều 16/5 một đại biểu đã đề xuất nâng mức phạt vi phạm giao thông lên tới 200 triệu đồng. Đây là một đề xuất gây chú ý và cũng mở ra nhiều chiều ý kiến khác nhau.

Đề xuất này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là trong bối cảnh tai nạn giao thông vẫn đang là nỗi ám ảnh, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm. Tuy nhiên, việc tăng mức phạt lên con số "kỷ lục" như vậy có thực sự khả thi và mang lại hiệu quả như kỳ vọng?

Tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có phân biệt mức phạt tiền tối đa giữa lĩnh vực giao thông đường bộ với đường sắt, đường thủy. Theo đó, với giao thông đường bộ là 40 triệu đồng, còn đối với giao thông đường sắt, đường thủy là 75 triệu đồng.

Đến năm 2020, sau nhiều lần được sửa đổi, bổ sung, luật quy định mức phạt tối đa bằng nhau đối với cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy là 75 triệu đồng. Mức phạt tối đa này vẫn giữ nguyên cho đến nay. Tại Nghị định 168/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ giữ nguyên mức tối đa 75 triệu đồng.

Rõ ràng, mục tiêu của đề xuất là tăng tính răn đe. Thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gần đây có nguyên nhân xuất phát từ hành vi xem thường pháp luật: lái xe khi đã sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt đèn đỏ...

Thậm chí, có người vi phạm liên tục nhưng vẫn nhởn nhơ vì "phạt thì nộp, có gì đâu". Từ góc độ lập pháp, việc điều chỉnh mức phạt là cần thiết để theo kịp thực tiễn.

Đề xuất nâng lên tới 200 triệu đồng cho thấy mong muốn đẩy mạnh tính răn đe, ngăn chặn vi phạm từ sớm, từ xa.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Liệu mức phạt cao có đồng nghĩa với việc giảm vi phạm? Và liệu điều đó có công bằng với mọi đối tượng trong xã hội?

Ở thời điểm hiện tại, mức phạt cao nhất đối với cá nhân trong lĩnh vực giao thông là 75 triệu đồng. Việc đề xuất nâng gần gấp 3 lần, lên tới 200 triệu đồng, có thể khiến nhiều người dân, nhất là người lao động, người thu nhập thấp cảm thấy lo lắng, thậm chí hoang mang.

Với một số người có điều kiện kinh tế, họ có thể coi việc nộp phạt như một khoản "chi phí", không hề ảnh hưởng đến hành vi. Như vậy, nếu không đi kèm với những biện pháp khác, mức phạt quá cao có thể tạo ra sự bất bình đẳng trong việc thực thi pháp luật. Người nghèo vi phạm thì khốn đốn, người giàu vi phạm thì chẳng mấy bận tâm. Mục tiêu giáo dục, răn đe vì thế dễ bị vô hiệu hóa.

Là người quan tâm đến chính sách công và đời sống người dân, tôi cho rằng: việc nâng mức phạt cần thận trọng, có căn cứ thực tiễn, phù hợp với mức sống và thu nhập của đa số người dân.

Việc phạt tiền quá cao, lên tới 200 triệu đồng, có thể khiến mục tiêu răn đe thành gánh nặng tài chính cho người thu nhập thấp. Trong khi đó, với một bộ phận người giàu hoặc có điều kiện tài chính, mức phạt tiền (dù cao) vẫn có thể "trả để phạm", không thực sự tác động đến hành vi. Như vậy, chính sách dễ bị phản tác dụng, không đạt mục tiêu giáo dục, phòng ngừa.

Thay vì tập trung tăng mức phạt lên mức "kỷ lục", có thể cân nhắc một số giải pháp khác mang tính đồng bộ và nhân văn hơn:

Thứ nhất, phân loại rõ hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm: Không thể áp dụng một mức phạt quá cao cho mọi hành vi. Các lỗi nhẹ như không xi-nhan, vượt tốc độ vài km/h cần xử lý khác với hành vi nguy hiểm như đua xe, chống người thi hành công vụ, say rượu lái xe...Những hành vi nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng như đua xe, lái xe khi say xỉn có thể bị phạt rất nặng, thậm chí áp dụng hình sự.

Thứ hai, áp dụng hình phạt bổ sung, phi tiền tệ: Ví dụ như tước bằng lái dài hạn, lao động công ích, buộc tham gia khóa đào tạo về an toàn giao thông... Điều này giúp người vi phạm ý thức hơn về hành vi của mình. Thậm chí, xử lý hình sự với vi phạm nghiêm trọng là những biện pháp cần thiết.

Thứ ba, tăng cường giáo dục và truyền thông: Phạt chỉ là phần ngọn, quan trọng hơn là thay đổi nhận thức người dân. Cần có chiến dịch giáo dục giao thông từ học đường, từ cộng đồng, nhất là với thanh thiếu niên. Việc thay đổi nhận thức sẽ hiệu quả và bền vững hơn rất nhiều so với việc phạt nặng.

Thứ tư, đầu tư hệ thống giám sát và xử lý vi phạm minh bạch, tự động: Camera, AI giám sát, xử phạt nguội giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, minh bạch hóa xử lý và giảm tiêu cực.

Thứ năm, kết hợp chế tài hành chính và chế tài hình sự hợp lý: Với một số hành vi nguy hiểm, gây thiệt hại lớn, cần chuyển hướng sang xử lý hình sự để đảm bảo tính răn đe, thay vì chỉ phạt tiền.

Đề xuất tăng mức phạt giao thông lên đến 200 triệu đồng là một nỗ lực thể hiện quyết tâm lập lại trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, chính sách muốn hiệu quả thì không chỉ cần mạnh mẽ, mà còn phải công bằng, hợp lý và khả thi.

Do đó, thay vì tăng phạt một cách cơ học, chúng ta cần hướng tới một hệ thống xử phạt có tính phân tầng, linh hoạt, đi kèm với giáo dục, giám sát và cải cách thực thi pháp luật. Sự an toàn trên mỗi tuyến đường không chỉ đến từ nỗi sợ mức phạt, mà đến từ nhận thức và trách nhiệm của từng người dân.

Người dân không phản đối việc xử phạt nghiêm, thậm chí mong muốn điều đó nhưng họ cần một chính sách công minh, minh bạch và có sự phân hóa rõ ràng giữa các hành vi. Giao thông an toàn không đến từ nỗi sợ mức phạt, mà đến từ ý thức của người tham gia và sự nghiêm minh, hiệu quả trong thực thi pháp luật.

Vũ Thị Minh Huyền

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn