Nhảy đến nội dung
 

13 đặc khu của Việt Nam: Trường Sa - Đặc khu đặc biệt của đặc biệt

Đặc khu Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là 'đặc khu đặc biệt của đặc biệt' bởi vị trí địa chiến lược quan trọng trên Biển Đông, đóng vai trò trọng yếu - tiền tiêu.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025, cả nước có 13 đặc khu, chính thức vận hành từ ngày 1.7.2025, gồm: Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh); Cát Hải, Bạch Long Vĩ (TP.Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Lâm Đồng); Côn Đảo (TP.HCM); Phú Quốc, Kiên Hải, Thổ Chu (An Giang).

Trường Sa vì cả nước

Hơn 50 năm kể từ ngày giải phóng (29.4.1975), Đặc khu Trường Sa đã thực sự "mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường". Để có Trường Sa như hôm nay, rất nhiều mồ hôi, công sức, xương máu của bao thế hệ quân và dân đã đổ xuống từng sải nước, từng viên đá san hô Trường Sa.

Ngày 29.4.1975, các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 hoàn toàn giải phóng - tiếp quản 5 đảo (Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca) trên quần đảo Trường Sa. 

Ngay sau đó, Vùng 4 Hải quân và các đơn vị trong Quân chủng Hải quân, đã vượt qua mọi khó khăn về phương tiện, vật chất đảm bảo, nhân lực, vật lực để đóng giữ thêm các đảo An Bang (10.3.1978), Sinh Tồn Đông (17.3.1978), Phan Vinh (30.3.1978), Trường Sa Đông (19.4.1978).

Đặc biệt, trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền 1988 (CQ-88), Vùng 4 Hải quân cùng các lực lượng đã vượt lên vô vàn thử thách và sự ngăn cản của hải quân Trung Quốc, vừa tích cực xây dựng thế trận phòng thủ trên các đảo, vừa triển khai đóng giữ ở các đảo chìm, kịp thời ngăn chặn, không cho lực lượng quân sự Trung Quốc mở rộng chiếm đóng trái phép, đưa tổng số đảo ta đóng giữ từ 9 lên 21 đảo (Trường Sa, Trường Sa Đông, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lát, Đá Lớn, Tốc Tan, Tiên Nữ, Đá Đông, Núi Le, Cô Lin, Len Đao, Đá Thị, Đá Nam) với nhiều điểm đóng quân.

Trong trận chiến đấu bảo vệ vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (Trường Sa), ngày 14.3.1988, bộ đội Hải quân đã quyết tử bảo vệ đảo và 64 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn công binh 83 Hải quân, Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), Lữ đoàn 125 (Vùng 2 Hải quân), Đoàn 6 Hải quân, Học viện Hải quân đã anh dũng hy sinh.

Từ 1975 đến nay, đặc khu Trường Sa có gần 200 cán bộ chiến sĩ Hải quân, Phòng không, công nhân đã ngã xuống, trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.

Cả nước vì Trường Sa

Ngày 6.4.1983, ông Hồ Ngọc Nhường, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa) lần đầu tiên dẫn đoàn đại biểu của tỉnh ra thăm Trường Sa và đặt đá chủ quyền trên đảo Thuyền Chài.

Tháng 4.1984, các huyện trong tỉnh Phú Khánh kết nghĩa với các đảo của huyện Trường Sa và Tổng cục Bưu điện thành lập bưu điện huyện Trường Sa (thuộc tỉnh Phú Khánh), thông báo mã vùng hoạt động với số máy cố định 53.800.

Cuối tháng 5.1984, ông Võ Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh dẫn đầu đoàn đại biểu 25 người của tỉnh, lần thứ 2 ra thăm các đảo Trường Sa và đặt bia chủ quyền trên đảo Đá Tây. 

Chuyến đi này có sự tham gia của nhạc sĩ Hình Phước Long, tác giả của bài hát Gần lắm Trường Sa (sáng tác năm 1982) nổi tiếng.

Đầu năm 1988, trước tình hình căng thẳng do phía Trung Quốc gây ra ở Trường Sa, HĐND tỉnh Phú Khánh (khóa III), tổ chức kỳ họp bất thường, quyết định thành lập Ban chi viện Trường Sa (trực thuộc UBND tỉnh) và phát động phong trào Hướng về Trường Sa, sẵn sàng chi viện cho Trường Sa.

Sau sự kiện 14.3.1988, Trường Sa được đầu tư mọi mặt. Cả nước hướng về Trường Sa với phong trào Tất cả vì Trường Sa thân yêu, Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước; Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc… 

Năm 1989, cùng với đẩy mạnh phong trào Cả nước vì Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và TP.Hải Phòng đã triển khai xây dựng 2 nhà cấp 1 ở đảo Thuyền Chài và Đá Đông.

Từ năm 1991, đời sống của bộ đội Trường Sa đã được cải thiện. Các đảo đã được trang bị radio, cassette. Từ giữa 1991, bộ đội trên đảo Trường Sa đã được xem chương trình truyền hình Trung ương qua vệ tinh. Đất và hạt giống rau cũng được đưa ra trồng, bước đầu bộ đội đã được ăn rau tươi.

Đầu tháng 4.1993, Phó thủ tướng Trần Đức Lương và đoàn công tác của Chính phủ ra thăm, kiểm tra quần đảo Trường Sa, khu vực nhà giàn DK 1.

Năm 1999, Trung ương Đoàn phát động phong trào Nghĩa tình biên giới, hải đảo, nhiều tổ chức Đoàn đã kết nghĩa với tuổi trẻ Trường Sa.

Ngày 10.11.2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt đề án Quy hoạch tổng thể nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ quần đảo Trường Sa, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, tầm nhìn 2020 (đề án 1492). 

Đây là đề án tập trung vào nhiều lĩnh vực (xây dựng lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hải quân, về phòng thủ bảo vệ biển đảo…), đánh dấu giai đoạn xây dựng và phát triển của Quân chủng Hải quân.

Mới đây nhất, ngày 28.1.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó nhấn mạnh: "Tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển kinh tế ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc"…

Một số hình ảnh về đặc khu Trường Sa trước đây và hôm nay

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn