11 đại học, cao đẳng đào tạo nhân lực điện hạt nhân

Dự kiến trên nằm trong quyết định phê duyệt đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển điện hạt nhân đến năm 2035", do Phó thủ tướng Lê Thành Long ký ngày 26/5.
11 trường sẽ tham gia đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, tổng 3.900 người. Trong đó, 670 người được đào tạo ở nước ngoài.
Sau giai đoạn này, việc đào tạo, bồi dưỡng sẽ căn cứ nhu cầu thực tế.
Danh sách 11 trường:
TT | Cơ sở đào tạo | Học phí năm 2024-2025 (triệu đồng) |
1 | Đại học Bách khoa Hà Nội | 24-87 |
2 | Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội | 15-37 |
3 | Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM | 24,7-59,6 |
4 | Trường Đại học Điện lực | 14,9-21,5 |
5 | Trường Đại học Đà Lạt | 10,9-15,1 (tính 14 tín chỉ mỗi kỳ, một năm hai kỳ) |
6 | Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ | Chưa công bố |
7 | Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng | 23,9-28,7 |
8 | Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM | 30-80 |
9 | Trường Đại học Xây dựng Hà Nội | 16,4 |
10 | Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM | Chưa công bố |
11 | Trường Cao đẳng Dầu khí Việt Nam | Chưa công bố |
Sau 8 năm dừng, Việt Nam quyết định khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, với nhà máy số 1 và 2, lần lượt đặt tại xã Phước Hải và Vĩnh Hải. Dự kiến nhà máy đầu tiên vận hành (phát điện) năm 2030, chậm nhất cuối năm 2031.
Đề án đặt ra nhiều giải pháp để đào tạo nhân lực như hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển chương trình, hợp tác quốc tế...
Hồi năm 2009, khi chủ trương về dự án điện hạt nhân được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã cử 445 sinh viên, cán bộ đi học tại Nga, Pháp và Nhật Bản. Năm 2015, Việt Nam cũng từng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, phục vụ phát triển điện hạt nhân.
Dương Tâm