1.000 chuyên gia dự hội nghị về dự phòng bệnh do phế cầu khuẩn

Mở đầu chương trình ngày 23/4, các chuyên gia dẫn lại một số nghiên cứu: trẻ dưới 1 tuổi có tỷ lệ mắc, tử vong nhiều nhất bởi các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh do phế cầu khuẩn xâm lấn (IPD) nói riêng. Cụ thể tại Việt Nam, trẻ dưới 1 tuổi mắc IPD chiếm 65%; khoảng 61 % ca viêm màng não do phế cầu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi.
Chuyên gia chỉ ra phế cầu khuẩn (streptococcus pneumoniae) là tác nhân gây bệnh nặng như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhất là viêm màng não.
Ở các nước thu nhập thấp và trung bình, cứ 10 trẻ bị viêm màng não do phế cầu, có thể có tới 5 ca tử vong. Kể cả khi vượt qua được, nhiều bé phải chịu di chứng suốt đời như: mất thính lực, chậm phát triển trí tuệ hoặc rối loạn vận động.
Gần 2/3 trường hợp viêm màng não do phế cầu xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi. Trong đó, 2/3 ca là 6 tháng đầu đời - nhóm dễ bị tổn thương nhất vì hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Trong bài phát biểu của mình, PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung cho rằng dù thế giới tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp dưới (LRTIs) và phế cầu khuẩn, nhưng gánh nặng vẫn còn cao.
Nguy cơ mắc phế cầu khuẩn xâm lấn (IPD) ở trẻ trong năm đầu đời rất cao, chiếm hơn 50% ca IPD ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn tăng lên theo tuổi và khi bị một số bệnh đồng mắc. Bác sĩ Vũ Trung nhấn mạnh: "Sự hiện diện của nhiều bệnh lý mạn tính có thể tăng thêm nguy cơ này".
Với trẻ em dưới 1 tuổi, ST3, 22F và 33F là những type huyết thanh gây phế cầu xâm lấn nguy hiểm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra ST3 vẫn tồn tại dai dẳng dù nhiều vaccine phế cầu được đưa vào triển khai trước đó. Tỷ lệ tử vong do type huyết thanh này chiếm tới 30-47%, là nguyên nhân gây tràn mủ màng phổi, nhiễm trùng huyết, độc tính tim, viêm màng não.
Ngoài ra, 22F và 33F là type huyết thanh có rủi ro tiềm ẩn, liên quan đến tỷ lệ tử vong cao trong 30 ngày.
Trong khuôn khổ hội nghị, chuyên gia nhắc lại thông tin Bộ Y tế nước ta vừa cấp phép cho vaccine phế cầu 15 chủng thế hệ mới của MSD. PGS.TS.BS. Phạm Quang Thái, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, đánh giá cao dòng vaccine này trong dự phòng bệnh do phế cầu khuẩn.
Ở trẻ em, với lịch tiêm linh động 3+1 và 2+1, vaccine 15 chủng thế hệ mới tạo đáp ứng miễn dịch ngay ở liều cơ bản. Một số trường hợp cần thiết, có thể chuyển đổi từ vaccine ít type huyết thanh hơn sang loại mới.
Từ khi được cấp phép đến nay, dòng này được ứng dụng trong 24 chương trình tiêm chủng quốc gia cho trẻ trên toàn cầu.
Bà Katharina Geppert, Tổng giám đốc MSD Việt Nam cho biết công ty có bề dày lịch sử trong lĩnh vực nhi khoa và phòng ngừa bệnh do phế cầu khuẩn. Nhiều thập niên qua, vaccine từ MSD góp phần bảo vệ sức khỏe hàng triệu trẻ toàn cầu.
Lãnh đạo MSD Việt Nam nhận định vaccine phế cầu mới cùng số type bao phủ rộng sẽ cung cấp thêm nền tảng vững chắc, giúp bảo vệ người Việt, nhất là trẻ nhỏ khỏi gánh nặng do phế cầu khuẩn mang lại.
"Chúng tôi đang tăng tốc để đạt mục tiêu cứu sống và cải thiện cuộc sống hàng triệu người Việt đến năm 2025, mang niềm tự hào này vào lễ kỷ niệm 30 năm của công ty tại Việt Nam vào năm 2026", bà Katharina Geppert nói thêm.
Trước đó ngày 17/4, hội nghị cùng chủ đề được tổ chức tại TP HCM, do PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, chủ trì.
Thiên Hà