Nhảy đến nội dung

1 giáo viên tiếng Anh, 18 trường tiểu học, 76 lớp và 2.609 học sinh: Hành trình gieo chữ trên đá của Đại sứ WeChoice 2024

Dự án dạy tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc của trường Marie Curie đến nay cơ bản đã kết thúc, nhưng vô vàn điều đẹp đẽ còn đọng lại.

1 giáo viên tiếng Anh, 18 trường Tiểu học, 76 lớp và 2.609 học sinh.

Những con số tưởng khô khan ấy lại là bức tranh tả thực về tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) vào năm 2022. Khi đó, cả một huyện vùng cao chỉ có đúng một cô giáo dạy tiếng Anh cho cấp Tiểu học. Một giáo viên “gồng gánh” cho 18 trường Tiểu học, 76 lớp với tổng cộng 2.609 học sinh, trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu tiếng Anh là môn học bắt buộc từ lớp 3.

Giữa lúc Mèo Vạc đang loay hoay đi tìm lời giải thì ở Hà Nội, thầy Nguyễn Xuân Khang - người được biết đến là Đại sứ WeChoice Awards 2024, đồng thời là “ông nội” trong trái tim của biết bao thế hệ học sinh Marie Curie tình cờ biết được câu chuyện này. Từ cảm giác vừa thương vừa lo, thầy tự hỏi: “Liệu mình có thể làm được gì?”.

Chính câu hỏi ấy đã mở ra một hành trình đặc biệt: Hành trình của một người thầy mang tiếng Anh vượt núi đến với học sinh nơi địa đầu Tổ quốc.

22 giáo viên được tuyển mới với "sứ mệnh" hỗ trợ Mèo Vạc 

Cái duyên giữa “ông nội” Khang và mảnh đất Mèo Vạc không đơn thuần là một cuộc gặp tình cờ. Đó là một mối duyên lành, sâu đậm và đầy gắn bó.

Dự án đầu tiên gắn bó thầy Nguyễn Xuân Khang với Mèo Vạc là trồng 1 vạn cây xanh, bắt nguồn từ cảm hứng sau buổi ra mắt sách Một Mẩu Rừng Cho Bạn mà 3 học sinh lớp 8, trường Marie Curie làm tác giả vào năm 2021. Khi nghe phía Mèo Vạc đang triển khai trồng cây xanh, thầy Khang đã đề xuất trồng 1 vạn cây và được đồng ý ngay tại buổi họp trực tuyến. Một tuần sau, thầy thực hiện quy trình khảo sát, làm việc với địa phương và chọn giống cây sa mộc để gieo xuống mảnh đất này. Chỉ sau 5 tháng, không chỉ 1 mà 2 vạn cây đã được trồng và giao cho người dân địa phương chăm sóc.

Chưa đầy 1 năm sau đó, vào thời điểm chuẩn bị cho năm học 2022-2023, biết xã Pả Vi chưa được cấp sách giáo khoa miễn phí, thầy Khang tiếp tục tài trợ sách giáo khoa, truyện, tài liệu tham khảo, ba lô và đồ dùng học tập cho toàn bộ học sinh và giáo viên nơi đây trước thềm năm học mới. Cũng trong khoảng thời gian này, chứng kiến thực trạng khiến bất cứ ai làm giáo dục cũng phải suy nghĩ: Cả huyện Mèo Vạc chỉ có đúng một giáo viên tiếng Anh dạy cấp Tiểu học, thầy Khang không khỏi đau đáu. Sau một đêm suy nghĩ, thấy quyết định nhận lời giúp đỡ Mèo Vạc.

Ban đầu, giải pháp được đưa ra là trường Marie Curie cử giáo viên dạy trực tuyến theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh lớp 3 trên toàn huyện. Nghe thì đơn giản nhưng để triển khai thì không hề dễ dàng. Trường Marie Curie lúc đó có 104 giáo viên tiếng Anh, cả người Việt và người nước ngoài nhưng nếu điều động từ đội ngũ hiện có, chắc chắn sẽ gây xáo trộn lớn cho hoạt động giảng dạy tại trường. Vì vậy, thầy Khang quyết định: Không “rút người” mà tuyển mới.

Đích thân thầy đứng ra lo chi phí. Không chấp nhận dạy gộp lớp, thầy yêu cầu mỗi lớp vẫn phải có giáo viên riêng biệt để đảm bảo chất lượng dạy và học. Theo tính toán, với 3 tiết/tuần/lớp × 35 tuần thực học × 76 lớp, tổng số tiết giảng dạy trực tuyến lên đến 7.980 tiết/năm học. Với mức hỗ trợ 160.000 đồng/tiết, chi phí trả lương giáo viên đã vượt 1,2 tỷ đồng, chưa kể các khoản chi phát sinh khác, nâng tổng kinh phí hỗ trợ năm học 2022 - 2023 lên gần 1,5 tỷ đồng.

Với quyết tâm của tập thể trường Marie Curie, chỉ trong vòng 2 tuần trước khai giảng năm học mới, công tác chuẩn bị đã được gấp rút thực hiện, từ phòng học, thiết bị máy móc đến tuyển dụng, tập huấn giáo viên, liên hệ các trường lập thời khóa biểu, chuyển sách giáo khoa, tài liệu học tập, kiểm tra đường truyền…

Vậy là, bài toán thiếu giáo viên dạy tiếng Anh tại Mèo Vạc đã được giải quyết, chỉ trong vòng 2 tuần trước khai giảng.

Trong năm học đầu tiên, thầy Khang 2 lần tổ chức cho đội ngũ giáo viên lên Mèo Vạc trực tiếp gặp gỡ học sinh. Thầy muốn cô trò không chỉ kết nối qua màn hình mà còn có tương tác thực tế để cô hiểu học trò, trò tin tưởng và gần gũi với cô hơn. Đồng thời, các giáo viên cũng có cơ hội trải nghiệm, nắm bắt tình hình thực tế để điều chỉnh phương pháp giảng dạy và phối hợp hiệu quả với giáo viên địa phương trong quản lý học sinh.

Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, “ông nội” đều tổ chức cho các giáo viên Marie Curie lên thăm các em nhỏ nơi địa đầu Tổ quốc vào mỗi đợt sơ kết học kỳ 1 và tổng kết năm học. Dự án “mang tiếng Anh vượt núi” nay bước sang năm thứ ba, vẫn bền bỉ như tấm lòng của người thầy đáng kính nơi miền xuôi.

Người thầy giáo già và đám trò ở Mèo Vạc

Dự án dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh huyện Mèo Vạc giai đoạn 2022 - 2025 đến nay cơ bản khép lại. Ngày 12/5 vừa qua, đoàn công tác của trường Marie Curie đã lên tận vùng cực Bắc để tổng kết dự án và chia tay các em học sinh sau 3 năm đồng hành. 18 giáo viên tiếng Anh trực tiếp đến 18 điểm trường do mình phụ trách để thăm học sinh sau quãng thời gian dài gặp nhau qua màn hình máy tính, tivi. 

Chúng tôi đã có cơ hội theo chân cô Minh Khuê - giáo viên đảm nhận giảng dạy cho điểm trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Sơn Vĩ, một ngôi trường nằm sát biên giới. Từ Pả Vi, nơi đoàn lưu trú đến Sơn Vĩ là một hành trình không hề dễ dàng: những khúc cua tay áo liên tục, đường núi ngoằn ngoèo, cheo leo khiến cả những tay lái cứng tay cũng phải dè chừng. Thế nhưng, cảm giác hồi hộp ấy nhanh chóng được thay thế bằng niềm háo hức khi việc được chứng kiến những ánh mắt, nụ cười thân quen qua màn hình giờ đã hiện hữu giữa đời thực.

Tại đây, cô Minh Khuê và các em học sinh đã gặp mặt ngoài đời sau nhiều buổi học trực tuyến. Cô dành thời gian dạy trực tiếp, đồng thời trao quà cho từng em. 

Đến buổi chiều, cô trò ở cả 18 điểm trường cùng nhau tham gia cuộc thi “Đường lên đỉnh Mã Pí Lèng”. Đây là lần đầu tiên một sân chơi tiếng Anh quy mô và độc đáo được tổ chức tại nơi này, khiến thầy trò từ 18 trường Tiểu học đều háo hức. Mỗi đội thi gồm 4 thành viên, tranh tài qua 3 vòng đầy thử thách: Khởi động, Tăng tốc và Về đích. Sau cùng, đội trường Niêm Sơn đã xuất sắc giành ngôi vị Quán quân cùng phần thưởng 10 triệu đồng, khẳng định sự nỗ lực và bản lĩnh của mình.

Kết thúc cuộc thi, cả đoàn dự lễ tổng kết dự án. Vì lý do sức khỏe, thầy Khang không thể trực tiếp có mặt tại Mèo Vạc. Tuy vậy, thầy vẫn kết nối trực tuyến, dành thời gian trò chuyện với học sinh và giáo viên địa phương. Sự hiện diện qua màn hình ấy vẫn tràn đầy nhiệt huyết và tình cảm, khiến mọi người cảm nhận được tấm lòng tận tụy của thầy gieo lại nơi cao nguyên đá này.

“Buổi sáng, nước mắt của cô giáo và học trò đã rơi trong buổi chia tay ở các trường tiểu học huyện Mèo Vạc. Buổi chiều, nụ cười của cô giáo và học trò đã xuất hiện khi cùng trèo lên đỉnh Mã Pí Lèng cao vời vợi. Hình ảnh thân thương này mãi mãi là dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp giáo dục của chúng tôi”, thầy Khang phát biểu tại lễ tổng kết dự án.

3 năm dạy học qua màn hình nhỏ nghe tưởng đơn giản nhưng với thầy cô và học sinh ở Mèo Vạc, đó là cả một hành trình dài của kiên trì và yêu thương. Không ai nghĩ những buổi học online, nơi người dạy ở Hà Nội, người học ở vùng cao Hà Giang lại có thể gắn bó đến thế. Giờ đây, khi dự án dạy tiếng Anh trực tuyến dần khép lại, chúng ta mới thấy rõ: đây không chỉ là một dự án giáo dục mà còn là câu chuyện rất thật về tình người.

Một câu chuyện tử tế đúng nghĩa giữa đời thường.

Với thầy Khang, một dự án giáo dục bền vững không chỉ dừng lại ở sự hỗ trợ trước mắt mà còn hướng tới tương lai lâu dài của vùng đất quê hương. Nhận thấy khó khăn lớn nhất là tình trạng thiếu hụt giáo viên tiếng Anh tại địa phương, thầy cùng trường Marie Curie đã triển khai chương trình trao học bổng đặc biệt dành cho các học sinh Mèo Vạc có nguyện vọng theo học ngành Sư phạm tiếng Anh hoặc Ngôn ngữ Anh. Các em sẽ được hỗ trợ học bổng ít nhất 5 triệu đồng/tháng trong suốt thời gian đại học, sau khi tốt nghiệp thì sẽ trở về quê nhà giảng dạy và góp phần phát triển giáo dục tại đây.

Đến tháng 8/2025, 3 sinh viên đầu tiên của chương trình sẽ tốt nghiệp và trở về Mèo Vạc đứng lớp, ghi dấu những thành quả đầu tiên của hành trình gieo mầm bền vững mà thầy Khang đã vun đắp.

Không dừng lại ở đó, thầy cùng trường Marie Curie còn quyết định tài trợ khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất và trang bị các thiết bị cho trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Marie Curie - Mèo Vạc, nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em học sinh nơi địa đầu Tổ quốc. Hiện dự án đã bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên trên mảnh đất còn đầy núi đá.


 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn