Yếu tố sống còn trong vận hành mô hình chính quyền lần đầu có trong lịch sử

(Dân trí) - Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam sau hơn 3 tuần vận hành được đánh giá trơn tru, thông suốt, nhưng để hiệu quả cần yếu tố sống còn liên quan chuyển đổi số.
Sáng 24/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng UBND thành phố Hà Nội tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số - Cầu nối "sống còn" giữa hai cấp chính quyền địa phương".
Chính quyền 2 cấp vận hành trơn tru, lượng hồ sơ trực tuyến tăng từng ngày
Chia sẻ tại tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn nhắc lại dấu mốc từ 1/7, 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã bắt đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
“Dù thời gian vận hành chỉ hơn 3 tuần nhưng bước đầu đã có kết quả tích cực, cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong tổ chức mô hình chính quyền địa phương lần đầu tiên có trong lịch sử”, ông Tuấn nhận định.
Qua đánh giá ban đầu của Bộ Nội vụ, ông Tuấn cho biết việc vận hành của bộ máy mới tương đối trơn tru, hiệu quả, thông suốt, không bị gián đoạn khi chuyển tiếp từ 3 cấp sang 2 cấp.
Đặc biệt, UBND cấp xã của 3.321 đơn vị trong cả nước đã hoàn thiện tổ chức bộ máy, trong đó có các cơ quan chuyên môn và Trung tâm Phục vụ hành chính công - nơi giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở.
“Điểm đáng lưu ý là hầu hết địa phương đã đưa vào vận hành hệ thống dịch vụ công có kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, tạo thuận lợi cho việc kết nối, giải quyết các thủ tục hành chính, các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp”, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương thông tin, đồng thời nói thêm qua nắm bắt cho thấy, lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến vừa qua khá lớn, tăng dần theo từng ngày và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đảm bảo hiệu quả, thông suốt.
Theo ông, kinh nghiệm của Hà Nội là đồng bộ, dữ liệu và chủ động. Đó là đồng bộ trong tổ chức thực hiện, coi dữ liệu là nền tảng và chủ động vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ phản ánh của người dân để hoàn thiện các quy trình, nội dung.
Với quan điểm "không ai bị bỏ lại phía sau", trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính và phục vụ người dân, ông Dũng nhấn mạnh thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các đối tượng nộp thuế, người già cũng như người khuyết tật, để phục vụ thủ tục hành chính.
“Thành phố đã triển khai nội dung hỗ trợ các đơn vị, người dân tận nơi, tại chỗ để giải quyết thủ tục hành chính thay vì những người yếu thế phải đến các trung tâm hành chính công cũng như các điểm hành chính công”, ông Dũng nói.
Áp lực của cán bộ cấp xã “vô cùng lớn”, phải có cách giữ chân người tài
Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Trung Tuấn chia sẻ áp lực với cán bộ cơ sở khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đặc biệt, ở cấp xã - cấp trực tiếp nhất, gần dân nhất, theo ông Tuấn, khối lượng công việc của cán bộ tại đây vô cùng lớn.
“Chính quyền địa phương cấp xã không chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp xã mà còn thực hiện hầu hết nhiệm vụ từ cấp huyện chuyển về. Bên cạnh đó, các luật, nghị định phân cấp, phân quyền cũng chuyển giao khá nhiều nhiệm vụ của chính quyền Trung ương xuống cho địa phương, trong đó nhiều nhiệm vụ chuyển cho cấp xã”, ông Tuấn nhấn mạnh khối lượng công việc và áp lực ở cấp chính quyền này là rất lớn.
Trong khi đó, yêu cầu về chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng cao.
Một áp lực khác được Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương đề cập là việc đẩy mạnh chuyển đổi số và áp dụng khoa học công nghệ nên đòi hỏi kỹ năng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ ngày càng cao.
Để để giải quyết hiệu quả bài toán trong vận hành và giảm bớt phần nào áp lực đối với chính quyền địa phương cấp xã, ông Tuấn nhấn mạnh phải đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành và cách thức vận hành hệ thống.
Ông cũng chia sẻ một vấn đề đáng lưu tâm khác là trong bối cảnh áp lực công việc lớn, một số cán bộ cấp xã có tư tưởng xin nghỉ việc nên cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cũng cần sàng lọc, giữ lại những người tốt để làm việc trong hệ thống chính trị cấp xã thông qua việc điều kiện thu nhập và điều kiện làm việc.
Vấn đề khoa học công nghệ, dữ liệu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong tổ chức mô hình chính quyền hai cấp, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, rất quan trọng. Ngoài vấn đề nguồn nhân lực, ông Tuấn nhấn mạnh cần đầu tư nâng cao hơn chất lượng hạ tầng cơ sở, hạ tầng số ngay từ lúc đầu…
Về phía Bộ Nội vụ, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ, ông Tuấn cho biết đơn vị cập nhật thường xuyên các khó khăn, vướng mắc từ địa phương để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng để giải quyết kịp thời.
Dữ liệu giúp giải quyết quyết thủ tục hành chính cho dân tốt hơn
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cũng nhấn mạnh nền tảng số là một yếu tố vô cùng quan trọng để bảo đảm việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân cũng như điều hành của chính quyền.
Ông Long cho biết có hơn 12.000 cán bộ của các doanh nghiệp công nghệ số tham gia đồng hành với hơn 3.000 xã để triển khai chuyển đổi trong quá trình sáp nhập.
Đến ngày 30/6, cơ bản tất cả các hệ thống thông tin, chuyển đổi số của hơn 3.200 xã đã vận hành trơn tru, đáp ứng các yêu cầu, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam, cũng nhấn mạnh dữ liệu hoàn toàn có thể giúp giải quyết bài toán cung cấp thủ tục hành chính tiện lợi cho người dân, đặc biệt là trong tương lai chúng ta hướng tới cung cấp thủ tục hành chính phi địa giới.
“Ví dụ tôi ngồi ở đây nhưng có thể làm thủ tục hành chính ở bất kỳ điểm nào, không phụ thuộc vào nơi đăng ký hộ khẩu, thường trú hay tạm trú. Như thủ tục cung cấp lý lịch tư pháp là một dạng phi địa giới. Quê tôi ở Nghệ An nhưng tôi không cần phải về Nghệ An làm lý lịch tư pháp nữa mà có thể vào trực tiếp VNeID để làm thủ tục”, ông Đồng dẫn chứng.
Nguyên tắc để có được dịch vụ phi địa giới như vậy, theo ông, dữ liệu là yếu tố tiên quyết. Trong khoảng hơn 5 năm vừa rồi, các chỉ đạo của Chính phủ cũng như ưu tiên của Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung rất lớn vào dữ liệu.
Ngoài yếu tố "đúng, đủ, sạch, sống và kết nối được", vị chuyên gia cho rằng cần quan tâm tính toàn diện của hệ thống dữ liệu.