Nhảy đến nội dung
 

Yếu tố quan trọng nhất để có kỳ thi thành công mỹ mãn

Nguyễn Gia Hy (25 tuổi), nghiên cứu sinh về AI tại ĐH Deakin (Úc), đồng thời là giảng viên các môn về AI tại ĐH Swinburne (Úc) đã có những chia sẻ bổ ích với học sinh lớp 12 về câu chuyện chọn ngành, chọn trường.

Đừng để đến sát kỳ thi mới nghĩ đến việc chọn ngành

Nghiên cứu sinh Gia Hy nhìn nhận thực tế có không ít học sinh chọn ngành theo lời khuyên của người khác, nhưng lại không thật sự hiểu ngành đó là gì và liệu có hợp với bản thân hay không. Cũng có những học sinh chịu áp lực khi người thân bắt buộc phải theo những ngành được xem là "ổn định" như: y dược, sư phạm... nên khó đưa ra quyết định đúng với bản thân.

Theo nghiên cứu sinh Gia Hy, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc chọn ngành, học sinh nên bắt đầu tìm hiểu và định hình sở thích, thế mạnh của bản thân từ năm lớp 10.

"Không cần phải chọn ngành cụ thể ngay lập tức. Nhưng hãy quan sát bản thân học tốt môn nào, hứng thú với lĩnh vực, công việc gì?... Nếu chuẩn bị sớm, sẽ có thời gian tìm hiểu kỹ hơn về ngành học, nghề nghiệp tương lai, trường phù hợp, cơ hội việc làm sau này. Từ đó, việc học có mục tiêu rõ ràng hơn, không còn cảm giác học để "thi cho xong". Còn nếu để đến sát kỳ thi mới nghĩ đến việc chọn ngành thì sẽ rất bị động, dễ chọn theo cảm tính, theo bạn bè, theo lời người khác mà không kịp cân nhắc kỹ", nghiên cứu sinh Gia Hy phân tích.

Nghiên cứu sinh Gia Hy cũng cho biết thêm việc chọn ngành là một quyết định khó sửa đổi. Nếu chọn sai thì việc chuyển ngành sau này sẽ rất tốn thời gian, công sức và cả chi phí. Một lựa chọn đúng ngay từ đầu sẽ tiết kiệm rất nhiều.

"Khi chọn ngành, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sở thích và sự hứng thú của bản thân. Vì nếu không thích, sẽ rất khó học tốt, và càng khó duy trì được lâu dài. Ngoài ra, nhu cầu của xã hội đối với ngành dự định học cũng là yếu tố cần cân nhắc. Theo tôi, chọn ngành học nên là sự dung hòa giữa đam mê và nhu cầu thực tế. Trong đó, yếu tố đam mê nên được đặt cao hơn. Và học sinh cũng nên xem AI là yếu tố cần được tính đến. AI đang thay đổi rất nhanh cách làm việc của nhiều ngành. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tuyển dụng trong tương lai. Việc chủ động tìm hiểu AI từ sớm, không chỉ như một ngành, mà còn là một công cụ hỗ trợ, sẽ giúp học sinh đưa ra lựa chọn nghề nghiệp thực tế và bền vững hơn", nghiên cứu sinh Gia Hy nói.

Không nên ép con học theo ý muốn của người lớn

Cũng theo nghiên cứu sinh tiến sĩ về AI tại ĐH Deakin, việc tham khảo xu hướng xã hội, lời khuyên từ thầy cô hay bố mẹ là điều nên làm.

"Tuy nhiên chỉ nên xem đó là nguồn thông tin để tham khảo, chứ không nên để trở thành yếu tố quyết định hoàn toàn. Bởi chỉ học sinh mới biết rõ bản thân phù hợp với điều gì", giảng viên Gia Hy nói.

Giảng viên Gia Hy cho rằng: "Xu hướng thị trường lao động có thể đúng ở thời điểm hiện tại. Nhưng đến khi học xong ĐH và bước vào thị trường lao động (sau 4 năm hoặc hơn), mọi thứ có thể đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh AI phát triển quá nhanh. Nếu chỉ chạy theo những ngành "hot" mà không thực sự hiểu bản thân có hợp hay không, thì dễ rơi vào cảm giác chán nản khi học, hoặc không đủ động lực để theo đuổi đến cùng. Sẽ thật lãng phí nếu dành cả 4 năm đại học để theo đuổi một con đường không dành cho mình, chỉ vì đó là số đông chọn, hay vì… nghe nói là tốt".

Nghiên cứu sinh Gia Hy nhìn nhận việc phụ huynh định hướng cho con là điều hoàn toàn bình thường, thậm chí là cần thiết.

"Tuy nhiên, việc ép con học theo ý muốn của người lớn mà không có sự lắng nghe và đồng thuận từ con thì có thể dẫn đến hệ lụy là khiến con mất thời gian, bỏ lỡ cơ hội phát triển đúng hướng, xã hội cũng mất đi một người làm đúng việc, đúng thế mạnh", nghiên cứu sinh Gia Hy nói.

Cũng theo nghiên cứu sinh Gia Hy, thay vì ép buộc, phụ huynh nên đồng hành cùng con, lắng nghe nhiều hơn và cùng con khám phá năng lực, sở thích của chính mình. Nếu hai thế hệ cùng ngồi lại được với nhau, cùng phân tích ưu nhược điểm của từng lựa chọn, thì quyết định cuối cùng sẽ đúng đắn hơn và cả hai bên đều thấy yên tâm.

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nghiên cứu sinh Gia Hy khuyên học sinh: "Yếu tố quan trọng nhất để có kỳ thi thành công mỹ mãn chính là kiến thức. Khi kiến thức vững, thì sự tự tin sẽ tự nhiên mà đến. Và chính sự tự tin đó lại giúp giữ được tâm lý ổn định, không bị khớp hay rối trí trong phòng thi".