Yêu cầu kiểm soát tàu thuyền, cơ sở lưu trú ứng phó bão số 3

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các địa phương kiểm đếm tàu du lịch, sơ tán khách khỏi khu vực nguy hiểm, rà soát toàn bộ cơ sở lưu trú, khu du lịch ven biển để ứng phó với bão số 3.
![]() |
Quảng Ninh "chạy đua" tìm kiếm các nạn nhân trong vụ lật tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, ngày 19/7. Ảnh: Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. |
Công điện số 3550/CĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ký tối 19/7, gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại 22 tỉnh, thành từ miền núi phía Bắc đến ven biển Trung Bộ, yêu cầu tập trung triển khai biện pháp ứng phó bão số 3 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các địa phương được yêu cầu theo dõi chặt diễn biến bão, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra toàn bộ cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, đặc biệt là những nơi ven biển, trên đảo, có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Khách du lịch cần được sơ tán đến nơi an toàn.
Bộ yêu cầu kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền hoạt động du lịch trên biển nhanh chóng rời khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm, chủ động về nơi tránh trú an toàn. Các địa phương phải xây dựng phương án cụ thể về sơ tán, đảm bảo an toàn cho du khách và phương tiện.
Đối với các thiết chế văn hóa, thể thao, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cần tăng cường kiểm tra, rà soát an toàn tài sản, con người. Tùy mức độ ảnh hưởng của bão, địa phương có thể tạm dừng hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch để phòng tránh rủi ro.
Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng trực thuộc Bộ được yêu cầu chỉ đạo nhà thầu bảo vệ công trình, chuẩn bị sẵn lực lượng, vật tư để kịp thời khắc phục hậu quả nếu bão gây thiệt hại.
![]() |
Dự báo đường đi và vùng ảnh hưởng bão Wipha, tối 19/7. Ảnh: NCHMF. |
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 112/CĐ-TTg về việc tập trung ứng phó với bão số 3.
Trước diễn biến phức tạp của bão trên Biển Đông, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện.
Các địa phương cần kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền, bao gồm cả tàu du lịch, di chuyển khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Lực lượng cứu hộ, phương tiện chuyên dụng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng khi có yêu cầu.
Tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Thủ tướng yêu cầu cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên, kịp thời tuyên truyền các biện pháp phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cho người dân. Các tỉnh cần lên phương án sơ tán dân cư khỏi khu vực nguy hiểm, bố trí nơi ở tạm, lương thực và nhu yếu phẩm nhằm đảm bảo ổn định đời sống.
Cơ quan chức năng cũng được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho du khách tại các đảo và ven biển; bảo vệ nhà ở, công trình công cộng, kho tàng, nhà máy, hệ thống điện, viễn thông. Các công trình đê điều bị hư hỏng cần được khắc phục ngay, chuẩn bị sẵn sàng phương án hộ đê theo phương châm "4 tại chỗ".
|
Cây xanh đầu ngõ 90 phố Võ Thị Sáu đổ sập trong cơn giông chiều 19/7 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Lực lượng chức năng tại các địa phương phải tổ chức canh gác, kiểm soát người và phương tiện qua các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho lưu thông nếu không đảm bảo an toàn. Đồng thời, bố trí vật tư, nhân lực để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra các công trình xung yếu, hồ chứa nhỏ đã đầy nước; có phương án điều tiết bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Các khu đô thị, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp cần chuẩn bị phương án tiêu úng.
Các Bộ trưởng Nông nghiệp, Môi trường, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ theo chức năng được giao chỉ đạo ứng phó thiên tai, đặc biệt chú trọng an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, cơ sở sản xuất, hạ tầng kỹ thuật.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 22h ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 116,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117 km/giờ), giật cấp 14; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20-25 km/h.
Từ ngày 21/7, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao 2,0-4,0 m, vùng gần tâm 3,0-5,0 m. Biển động dữ dội.
Từ chiều ngày 21/7, vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0 m. Biển động rất mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.