Yêu cầu các điểm bán vàng miếng treo bảng để người dân nhận biết

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 vừa có công văn yêu cầu các điểm kinh doanh vàng miếng SJC trên địa bàn phải treo bảng để người dân nhận biết đó là điểm bán vàng miếng.
Tiệm vàng phải treo biển và trưng ra giấy phép mua, bán vàng miếng
Theo văn bản được phát đi hôm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh khu vực 2 yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép mua bán vàng miếng trên địa bàn TP.HCM thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng.
Đồng thời, tại các địa điểm mua, bán vàng miếng, NHNN chi nhánh khu vực 2 đề nghị phải thực hiện việc thông tin cho khách hàng, người dân nhận diện được đây là địa điểm mua bán vàng miếng được NHNN cấp phép bằng cách treo bảng hiệu ghi rõ thông tin địa điểm được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và niêm yết công khai bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đã cấp cho đơn vị... tùy theo vị trí phù hợp của đơn vị.
"Phải đảm bảo để người dân nhận biết được địa điểm mua bán vàng miếng hợp pháp để phân biệt với các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ khác", NHNN chi nhánh khu vực 2 nhấn mạnh.
Ngoài ra, nơi này yêu cầu các đơn vị được cấp phép kinh doanh vàng miếng chấp hành chế độ báo cáo đúng quy định, đảm bảo số liệu, thông tin báo cáo phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại các thông tư hướng dẫn Nghị định 24.
Trong đó, lưu ý thực hiện bảo cáo tình hình kinh doanh mua, bán vàng miếng và báo cáo thay đổi nội dung thông tin trên giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và điều chỉnh địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng gửi NHNN chi nhánh khu vực 2 theo đúng quy định.
Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu… với khoảng trên 800 địa điểm kinh doanh trên địa bàn TP.HCM.
Nghị định 88/2019 nêu phạt cảnh cáo các hành vi mua bán vàng với đơn vị không có giấy phép, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần. Đơn vị kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép hoặc xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép có thể bị phạt từ 300 triệu đến 400 triệu đồng.
Công ty SJC lại cảnh báo website lừa đảo
Cũng trong ngày 19-5, Công ty SJC cho biết đã có một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa Công ty SJC bằng cách xây dựng website, fanpage Facebook giả mạo với mục đích lừa đảo, thu gom dữ liệu cá nhân và thực hiện các giao dịch không có cơ sở pháp lý. Các hành vi này đã gây thiệt hại về mặt tinh thần lẫn kinh tế cho một số khách hàng.
Cụ thể, website lừa đảo sjcvn.com đang hoạt động có hình thức đăng ký mua vàng online. Khách hàng lưu ý không thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Tất cả giao dịch chỉ được thực hiện trực tiếp tại các địa điểm giao dịch và trang web chính thức của SJC là https://sjc.com.vn. Do đó, khách hàng tuyệt đối không chuyển khoản hoặc thực hiện giao dịch với các fanpage/fakepage, website mạo danh SJC. Đồng thời không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho các trang mạo danh hoặc không chính thống.
Trước đó, Công ty SJC cũng đã đưa ra cảnh báo fanpage mạo danh công ty (https://www.facebook.com/vangbacsjc) triển khai đăng ký đặt lịch mua vàng, không cần xếp hàng.