Nhảy đến nội dung

Ý tưởng độc đáo giải cứu 'thiên đường' Venice

Một chuyên gia từ Đại học Padua có ý tưởng nâng toàn bộ Venice để tạm thời cứu thành phố khỏi viễn cảnh bị nước biển nhấm chìm với giá hợp lý hơn dự án rào chắn lũ đang được thử nghiệm.

Trong thế kỷ qua, Venice chìm khoảng 25 cm. Ảnh: Reuters.

Được mệnh danh là "thành phố nổi", nhưng trong thế kỷ qua, Venice đã hạ xuống khoảng 25 cm.

Với nhiều du khách, điều này đồng nghĩa họ cần đến Venice ngay bây giờ trước khi thành phố này biến mất. Với người dân Venice, vị trí đắc địa trong nhiều thế kỷ đã giúp họ an toàn trước các cuộc xâm lược, song khủng hoảng khí hậu đang dần nhấn chìm thành phố.

Do đó, Pietro Teatini - Phó giáo sư thủy văn học và kỹ thuật thủy lực tại Đại học Padua - đã nghĩ tới ý tưởng nâng toàn bộ Venice lên. Trong khi chính phủ Italy đang chi hàng triệu USD mỗi năm nâng các rào chắn ngăn thủy triều dâng cao bất thường, ông Teatini cho rằng việc bơm nước xuống sâu lòng đất sẽ nâng đáy nơi thành phố tọa lạc, đẩy Venice lên khoảng 30 cm.

Theo CNN, ông Teatini nhận định kế hoạch này sẽ hỗ trợ Venice trong khoảng 50 năm, kết hợp với các rào chắn lũ, cho chính quyền thời gian tìm ra giải pháp dài hạn.

Nước vẫn dâng

Bảo tồn Venice không phải điều mới mẻ.

Trong suốt 1.000 năm lịch sử với tư cách nước cộng hòa, các quan chức La Serenissima liên tục chuyển hướng các con sông, đào kênh mới và dịch chuyển các vùng nước của đầm phá.

Vào thế kỷ XX, mọi thứ dần tồi tệ. Trong những năm 1960 và 1970, nước ngầm được bơm từ khu công nghiệp Marghera trên đất liền hướng vào đầm phá. Sai lầm lớn khiến toàn bộ khu vực bị chìm. Từ năm 1950-1970, trung tâm thành phố lún gần 13 cm.

Ngày nay, biện pháp chính bảo vệ thành phố là bộ rào chắn lũ MOSE nhô lên từ đáy biển ngăn đầm phá khỏi biển Adriatic trong những đợt thủy triều cao bất thường. Hệ thống này - lần đầu tiên được thử nghiệm vào năm 2020 - được lên kế hoạch vào những năm 1980. Khi đó, chuyên gia dự tính các rào chắn cần được nâng lên khoảng 5 lần/năm.

venice sap chim anh 1

Các rào chắn lũ MOSE được lắp đặt vào năm 2020, ngăn không cho thủy triều dâng cao bất thường tràn vào đầm phá. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến thủy triều dâng cao làm thay đổi dự tính. Trong 20 năm qua, thủy triều ở đầm phá vượt quá 110 cm - mức có thể gây thảm họa - hơn 150 lần. Do đó, thay vì nâng rào chắn 5 lần/năm, MOSE hoạt động khoảng 100 lần kể từ tháng 10/2020. Các rào chắn vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Cho đến nay, dự án đã tiêu tốn khoảng 6 tỷ euro.

Trong khi đó, mỗi lần rào chắn được nâng lên, đầm phá bị đóng lại. Điều này ảnh hưởng đến lưu lượng giao thông vào Venice - cảng đông đúc thứ hai của Italy - và ngăn cản tính chất tự cuốn trôi theo thủy triều của đầm phá. Càng nâng cao rào chắn, hệ sinh thái càng có nguy cơ bị biến đổi.

Và Venice vẫn tiếp tục chìm với tốc độ khoảng 2 mm/năm, trong khi mực nước thủy triều dâng cao khoảng 5 mm/năm.

Chỉ là giải pháp tạm thời

Việc bơm nước vào thành phố vốn chứa quá nhiều nước nghe có vẻ thảm họa, song ông Teatini cho biết tất cả phụ thuộc vào vị trí bơm nước. Ông đang nhắm tới các tầng chứa nước ngầm nằm sâu dưới bề mặt trái đất, ở độ sâu khoảng 600-1.000 m.

Ý tưởng này xuất phát từ việc quan sát các mỏ chứa hydrocarbon ở thung lũng Po, miền Bắc Italy suốt hai thập niên. Đây là giếng lưu trữ khí đốt để dùng cho mùa đông. Các kỹ sư nhận thấy mặt đất thay đổi theo mùa: Vào mùa hè khi kho chứa nạp đầy khí, mặt đất dâng lên; đến mùa đông khi khí được sử dụng, mặt đất lại hạ xuống.

Do đó, dự án đề xuất khoan khoảng 12 giếng theo vòng tròn có đường kính 10 km bao quanh Venice, đảm bảo tất cả đều nằm trong đầm phá, không ra biển Adriatic hay vào đất liền. Một lớp đất sét dày dưới bề mặt đầm phá đảm bảo nước sẽ không thẩm thấu ngược lên trên.

venice sap chim anh 2

Phó giáo sư Pietro Teatini có ý tưởng khoan 12 giếng theo vòng tròn đường kính 10 km quanh Venice, bơm nước mặn vào các tầng chứa nước bên dưới để nâng nền toàn bộ thành phố. Ảnh: Shutterstock.

Nước trong các tầng chứa nước là nước mặn. Venice không thiếu nước mặn vì đầm phá của thành phố thông ra biển Adriatic. Đây là yếu tố then chốt với ông Teatini, vì đảm bảo dự án không gây ô nhiễm nguồn nước ngọt, cũng không cần vận chuyển nước từ nơi khác đến.

Theo ông Teatini, cần thử nghiệm sơ bộ, khoan một lỗ có đường kính 20 cm xuống độ sâu 1.000 m và lắp đường ống có bộ lọc ở dưới cùng. Tiếp theo là lắp máy bơm ở phía trên, bơm nước xuống đến mức đặt bộ lọc, nơi nước sẽ tự nhiên thấm vào lớp đất cát và đi vào tầng chứa nước ngầm. Quy trình này tương tự khoan giếng lấy nước ngầm, nhưng theo hướng ngược lại.

Khi nước từ từ đi vào các tầng chứa, đất xung quanh sẽ dần dần nâng lên. Nếu đặt giếng theo vòng tròn xung quanh Venice, phần đất ở trung tâm đầm phá - nơi thành phố tọa lạc - sẽ được nâng lên theo cách đồng đều. Đây là điểm mấu chốt, bởi nếu chỉ nâng từng hòn đảo riêng lẻ thì nền đất sẽ không ổn định.

Hiệu ứng nâng nền này tác động rõ rệt nhất trong phạm vi vòng tròn giếng khoan, nhưng cũng ảnh hưởng đến một số đảo nhỏ khác trong đầm phá và một phần đất liền gần đó. Tuy nhiên, Chioggia - thị trấn ở phía nam đầm phá, cũng đang chịu thiệt hại nặng vì triều cường - sẽ không được hưởng lợi do nằm ngoài vòng tròn.

Nếu dự án hiệu quả, ông Teatini cảnh báo đây sẽ chỉ là giải pháp tạm thời. 30 cm là mức tối đa có thể nâng đất lên một cách an toàn. Để tránh quá tải các tầng chứa nước ngầm, các kỹ sư sẽ giảm tốc độ bơm tới 5 lần trong 10 năm. Tuy nhiên, nếu ngừng bơm nước hoàn toàn, đất sẽ lại co lại. Do đó, họ đang nghiên cứu xem khi đạt được mục tiêu, họ có thể trộn thêm chất phụ gia vào nước không.

Ông Teatini mong muốn thử nghiệm trước ở một phần khác của đầm phá, với ít giếng hơn trong 2-3 năm, tiêu tốn khoảng 32-43 triệu USD. Tuy nhiên, vị chuyên gia khẳng định ngay cả khi triển khai toàn bộ dự án cũng rẻ hơn 3 lần so với MOSE. Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.Độc giả có thể xem thêm tại đây.