Nhảy đến nội dung
 

Xung đột Nga - Ukraine ngày 18/4: Lực lượng hai bên tranh giành từng kilomet vuông lãnh thổ ở Donetsk

TPO - Lực lượng Ukraine đã giành quyền kiểm soát khoảng 16 km2 lãnh thổ gần các khu định cư Udachne, Kotlyne và Shevchenko (Donetsk) trong những tuần gần đây, theo báo cáo của Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine - Oleksandr Syrskyi.

TPO - Lực lượng Ukraine đã giành quyền kiểm soát khoảng 16 km2 lãnh thổ gần các khu định cư Udachne, Kotlyne và Shevchenko (Donetsk) trong những tuần gần đây, theo báo cáo của Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine - Oleksandr Syrskyi.
Xung đột Nga - Ukraine ngày 18/4: Lực lượng hai bên tranh giành từng kilomet vuông lãnh thổ ở Donetsk ảnh 1

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine - Oleksandr Syrskyi (thứ hai từ trái sang) làm việc cùng các chỉ huy quân đội. (Ảnh: Pravda)

“Đối phương vẫn chưa thay đổi kế hoạch đẩy các đơn vị lực lượng vũ trang Ukraine ra khỏi ranh giới của các tỉnh Donetsk, Luhansk. Tuy nhiên, kế hoạch của họ vẫn chưa được thực hiện”, ông Syrskyi nói.

“Chúng tôi đang tiếp tục các hoạt động phòng thủ, đồng thời tiến hành các hành động phản công và đã đạt được một số thành quả. Trong vài tuần qua, chúng tôi đã giành được khoảng 16 km2 lãnh thổ gần Udachne, Kotlyne và Shevchenko”.

Tổng tư lệnh Syrskyi lưu ý, trong ba ngày qua, ông đã gặp gỡ lực lượng thuộc Nhóm tác chiến chiến thuật Donetsk và đã đến thăm hầu hết các lữ đoàn của nhóm này.

Khu vực Donetsk đang gánh chịu phần lớn cuộc tấn công của Nga. Mỗi ngày, quân đội Ukraine đẩy lùi khoảng 30 cuộc tấn công, gây ra tổn thất đáng kể cho lực lượng Nga dọc theo mặt trận Pokrovsk.

Ông Syrskyi cũng đã nghe báo cáo từ chỉ huy của Nhóm tác chiến chiến thuật Donetsk, Tướng Oleksandr Tarnavskyi, và đã trao đổi với các chỉ huy lữ đoàn.

Trung Quốc bác cáo buộc cung cấp vũ khí cho Nga

Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng nước này đang cung cấp vũ khí cho Nga.

Người phát ngôn của bộ này, Lin Jian, cho biết Trung Quốc chưa bao giờ cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

"Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Ukraine luôn rõ ràng", ông Lin nói. "Trung Quốc đã tích cực cam kết thúc đẩy lệnh ngừng bắn và chấm dứt xung đột, cũng như khuyến khích các cuộc đàm phán hòa bình".

Ông nhấn mạnh, Trung Quốc phản đối những cáo buộc vô căn cứ và thao túng chính trị, nói thêm rằng Ukraine đã công khai thừa nhận hầu hết các thành phần trong vũ khí mà Nga nhập khẩu đều đến từ Mỹ và các quốc gia phương Tây khác.

Nga cảnh báo đáp trả nếu Ukraine dùng tên lửa tầm xa Đức

Mátxcơva sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của Kiev vào các mục tiêu của Nga bằng tên lửa Taurus do Đức cung cấp là sự tham gia trực tiếp của Berlin vào cuộc xung đột ở Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cảnh báo.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 18/4: Lực lượng hai bên tranh giành từng kilomet vuông lãnh thổ ở Donetsk ảnh 2
Máy bay chiến đấu mang theo tên lửa hành trình Taurus. (Ảnh: MBDA)

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 17/4, bà Zakharova cho biết ngay cả khi các tên lửa được chuyển giao cho Ukraine, chúng vẫn sẽ do Đức kiểm soát, đồng nghĩa với việc Berlin sẽ trực tiếp tham gia cuộc xung đột.

“Ukraine sẽ không thể bắn trực tiếp các tên lửa hành trình này nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp của quân nhân Đức. Vì vậy, một cuộc tấn công và cơ sở nào của Nga, cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng…, tất cả những điều này sẽ được coi là sự tham gia trực tiếp của Đức vào các hoạt động quân sự", bà Zakharova nói.

Bình luận của bà Zakharova được đưa ra sau khi thủ tướng Đức sắp nhậm chức Friedrich Merz cho biết ông sẵn sàng cung cấp cho Kiev tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 500 km, nghĩa là chúng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Ông Merz gợi ý, lực lượng Ukraine nên sử dụng tên lửa để phá hủy "mối liên kết trên bộ quan trọng nhất giữa Nga và Crimea", dường như ám chỉ Cầu Kerch.

Đại sứ Nga tại Đức, Sergey Nechaev, đã cảnh báo, mặc dù việc cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine sẽ không làm thay đổi tình hình chiến trường, nhưng chúng có thể dẫn đến leo thang xung đột và buộc Mátxcơva phải thực hiện các biện pháp trả đũa.

Thủ tướng Đức đương nhiệm - Olaf Scholz trước đó đã nhiều lần từ chối yêu cầu cung cấp tên lửa cho Kiev, với lý do lo ngại xung đột sẽ leo thang.

Trong suốt cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã nhiều lần lên án các chuyến hàng viện trợ quân sự của phương Tây tới Ukraine, tuyên bố rằng chúng chỉ dẫn đến đổ máu và cản trở mọi tiến trình hòa bình.

Ngoại trưởng Nga - Mỹ điện đàm về xung đột Ukraine

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã điện đàm hôm 17/4 để thảo luận về xung đột ở Ukraine và các cuộc tiếp xúc đa phương, Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Xung đột Nga - Ukraine ngày 18/4: Lực lượng hai bên tranh giành từng kilomet vuông lãnh thổ ở Donetsk ảnh 3
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (phải). (Ảnh: Reuters)

Ông Rubio đã tóm tắt cho ông Lavrov về các cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ với đại diện của Ukraine, Pháp và một số quốc gia châu Âu khác, được tổ chức trong ngày tại Paris.

"Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại, rằng Mátxcơva sẵn sàng hợp tác với các đồng nghiệp Mỹ để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine", Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm.

Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, Ngoại trưởng Rubio đã chuyển đến ông Lavrov "cùng một thông điệp" mà ông đã gửi đến các phái đoàn Ukraine và châu Âu, rằng Washington "muốn chấm dứt cuộc xung đột, và đã trình bày với tất cả các bên phác thảo về một nền hòa bình lâu dài, bền vững".

"Sự đón nhận đáng khích lệ tại Paris đối với phác thảo của Mỹ cho thấy hòa bình là có thể nếu tất cả các bên cam kết đạt được thỏa thuận", Bộ Ngoại giao Mỹ nói nhưng không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào.

Cuộc họp ở Paris có sự tham gia của nhiều quan chức cấp cao từ các bên. Phái đoàn Mỹ do ông Rubio và đặc phái viên của tổng thống Mỹ, Steve Witkoff, dẫn đầu. Phái đoàn Ukraine được đại diện bởi người đứng đầu văn phòng tổng thống, Andrey Yermak, và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ công kích ông Witkoff, cáo buộc ông truyền bá "những câu chuyện Nga" và thực sự đứng về phía Mátxcơva.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trên truyền hình, nhà lãnh đạo Ukraine nhắc lại những phát biểu gần đây của ông Witkoff rằng "một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine sẽ xoay quanh năm vùng lãnh thổ, bao gồm Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk, tỉnh Zaporozhye và Kherson, cũng như Bán đảo Crimea".

"Tôi tin rằng ông Witkoff đã áp dụng chiến lược của phía Nga. Ông ấy đang cố ý hoặc vô tình truyền bá những câu chuyện của Nga. Tôi thấy ông ấy không có thẩm quyền thảo luận về các vùng lãnh thổ của Ukraine", ông Zelensky tuyên bố.

Tuần trước, đặc phái viên Witkoff đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg, trong vòng cuộc gặp trực tiếp thứ ba kể từ tháng 2. Tình trạng của năm vùng lãnh thổ là chìa khóa cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, ông Witkoff nói với Fox News trong một cuộc phỏng vấn đầu tuần này.

Những vùng lãnh thổ nói trên đã sáp nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng Ukraine không công nhận.

Minh Hạnh
Theo Pravda, Tass, RT