Xuất ngoại mang tiền tỉ về làng

Trên con đường bê tông trải dài về thôn Đồng Trôi (xã Thượng Ấm, H.Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang), sau màu xanh của rừng keo, bạch đàn bạt ngàn là những mái nhà ngói mới khang trang. Sự đổi thay nơi đây gắn nhiều với nguồn lực được tạo ra từ xuất khẩu lao động.
Đổi đời nhờ xuất ngoại
Trước kia, Đồng Trôi là một thôn thuần nông, cuộc sống của người dân quanh năm gắn liền với ruộng đồng. Năng suất lúa bấp bênh, thu nhập eo hẹp khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh thiếu thốn. Thanh niên trong làng sau khi học xong thường phải rời quê hương đi làm thuê khắp nơi, cuộc sống không ổn định. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu lao động đã mở ra cơ hội đổi đời cho người dân nơi đây.
Chị Khổng Thị Tịnh là một trong những người tiên phong của thôn đến Đài Loan tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nhớ lại những năm tháng khó khăn, chị Tịnh không khỏi xúc động: "Cuộc sống thuần nông vất vả, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng cái nghèo vẫn đeo bám gia đình. Chứng kiến cảnh các con nheo nhóc, thiếu thốn, tôi trăn trở tìm cách để thay đổi cuộc sống".
Vào những năm đầu của "phong trào" xuất khẩu lao động, thông tin về những cơ hội làm việc ở nước ngoài còn khá mơ hồ. Với sự động viên của chính quyền địa phương và gia đình, chị Tịnh đã mạnh dạn đăng ký xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Quyết định này không chỉ đòi hỏi sự can đảm mà còn là sự hy sinh lớn lao khi chị phải xa gia đình, xa những đứa con còn thơ dại.
"Ngày tôi lên đường, các con còn bé lắm, đứa lớn nhất mới học cấp 3, đứa nhỏ nhất học cấp 1. Nhìn các con khóc mà lòng tôi như đứt từng khúc. Nhưng tôi tự nhủ, mình phải cố gắng, phải làm lụng thật chăm chỉ để các con có một tương lai tốt đẹp hơn," chị Tịnh nghẹn ngào kể lại.
Những ngày tháng nơi xứ người của chị Tịnh không trải đầy hoa hồng. Rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, nỗi nhớ nhà da diết... tất cả đều là những thử thách không nhỏ. Thế nhưng, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, chị đã từng bước vượt qua. Đồng tiền chắt chiu từ những giọt mồ hôi nơi xứ lạ được chị đều đặn gửi về cho gia đình. Số tiền ấy không chỉ để trang trải cuộc sống mà còn giúp chị thực hiện ước mơ có một ngôi nhà khang trang.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, những đứa con của chị Tịnh ngày nào giờ đã trưởng thành, muốn "theo chân" mẹ tìm kiếm cơ hội việc làm ở Đài Loan. "Thấy mẹ làm được, các con tôi cũng muốn đi. Chúng bảo muốn tự lập, muốn giúp mẹ xây dựng cuộc sống tốt hơn", chị Tịnh chia sẻ.
Giờ đây, mỗi tháng, các con đều đặn gửi về cho chị hàng chục triệu đồng. Số tiền ấy không chỉ giúp chị có cuộc sống ổn định mà còn là nguồn động viên để chị cảm thấy những hy sinh năm xưa của mình là hoàn toàn xứng đáng.
"Học một sàng khôn"
Câu chuyện chàng trai trẻ Phạm Văn Bằng ở thôn Đồng Trôi xây ngôi nhà vườn khang trang trị giá gần 2 tỉ đồng khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Cũng như bao thanh niên khác trong thôn, quanh năm gắn bó với đồng ruộng và những công việc lao động tự do bấp bênh, cuộc sống của gia đình anh Bằng gặp không ít khó khăn. Thế rồi, một bước ngoặt lớn đến khi anh Bằng tìm hiểu và quyết định đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
Sau gần chục năm bôn ba nơi xứ người với nhiều lần gia hạn hợp đồng, anh Bằng đã trở về quê hương. Từ nguồn vốn tích lũy được cộng thêm kiến thức và kinh nghiệm đã học hỏi, anh Bằng quyết định phát triển nghề làm ván gỗ và thạch cao để tăng nguồn thu cho gia đình.
"Thời gian đầu thực sự rất khó khăn. Mình không quen ngôn ngữ, không hiểu phong tục tập quán của họ. Công việc thì vất vả, nhiều khi làm thêm giờ đến khuya mới được nghỉ. Nhớ nhà, đôi lúc cũng muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến tương lai của gia đình, mình lại cố gắng vượt qua", anh Bằng nhớ lại.
Những giọt mồ hôi rơi trên đất khách, những đêm dài thao thức vì nhớ nhà, những bữa ăn vội vàng nơi công xưởng..., tất cả đã trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình "kiếm tiền tỉ" của những người lao động Đồng Trôi. Họ chấp nhận hy sinh, chấp nhận vất vả để mang về cho gia đình một tương lai tươi sáng hơn.
Anh Bằng bảo: "Đúng như các cụ nói, "đi một ngày đàng học được sàng khôn", mình đi ra nước ngoài thấy cái hay là phải học hỏi ngay. Mình đã học được rất nhiều từ tác phong công nghiệp, kỹ thuật sản xuất…, khi trở về quê mình ứng dụng ngay vào thực tế để thành công hơn".
Câu chuyện của gia đình chị Tịnh, anh Bằng không còn là cá biệt ở Đồng Trôi. Thống kê cho thấy, trong tổng số 106 hộ dân của thôn đã có hơn 20% gia đình có người đi xuất khẩu lao động. Dòng tiền từ nước ngoài đều đặn gửi về đã mang đến những thay đổi rõ rệt cho Đồng Trôi. Những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều, thay thế cho những nếp nhà cũ kỹ. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, đi lại thuận tiện hơn. Nhiều gia đình đã mua sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh và các tiện nghi sinh hoạt khác.
Không chỉ dừng lại ở việc cải thiện đời sống vật chất, xuất ngoại lao động còn mang đến những thay đổi tích cực về mặt nhận thức cho người dân nơi đây. Họ được tiếp xúc với những nền văn hóa mới, học hỏi kiến thức và kỹ năng lao động tiên tiến, để khi trở về, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Theo ông Trần Ngọc Mận, Phó chủ tịch UBND xã Thượng Ấm, xuất khẩu lao động hay đi làm việc tại các khu cụm công nghiệp trong và ngoài nước đang là một hướng đi hiệu quả góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
"Từ điển hình về xuất khẩu lao động như ở thôn Đồng Trôi, xã sẽ tiếp tục lan tỏa, nhân rộng ra các thôn khác để từng bước làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân về vai trò của việc làm, có việc làm ổn định thì việc giảm nghèo sẽ bền vững, làm giàu rất hiệu quả", ông Mận nói.