Xuất khẩu tôm, cá tăng mạnh ở Trung Quốc, Nhật, EU

Dù gặp khó ở Mỹ, xuất khẩu tôm cá vẫn đạt tới 3,3 tỉ USD, tăng 21% sau 4 tháng đầu năm do tăng mạnh ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản… Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng sau đàm phán, thuế quan ở Mỹ sẽ được giải tỏa.
Tận dụng tốt FTA
Thuế đối ứng của Mỹ khiến hoạt động xuất khẩu tôm cá của VN đang bị xáo trộn. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), sau 4 tháng đầu năm, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt 498 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, thị trường lại xuất hiện nhiều điểm sáng khác như Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và cả ASEAN. Nhờ vậy mà sau khi kết thúc 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,3 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 4.2025, tháng mở đầu đầy thách thức khi Mỹ công bố áp thuế đối ứng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 850 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng qua, xuất khẩu tôm cá tăng mạnh nhờ thị trường Trung Quốc với kim ngạch lên tới 710 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 4 đạt 182 triệu USD, tăng 29%. Khách hàng thuộc phân khúc cao cấp ở thị trường tỉ dân ưa chuộng những sản phẩm tôm, cua, ghẹ và nhuyễn thể. Đứng ngay sau Trung Quốc là thị trường cao cấp Nhật Bản, đạt 537 triệu USD, tăng 22%; tốc độ tăng trưởng ổn định nhờ các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Kế đến là thị trường EU đạt 351,5 triệu USD, tăng 17% và Hàn Quốc đạt 264 triệu USD, tăng 15%. Thị trường ASEAN đạt 219 triệu USD, tăng tới 25% và được xem là điểm sáng trong 4 tháng qua. Kết quả tăng trưởng ở các thị trường này là nhờ các chính sách thuế quan ưu đãi từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đặc biệt là CPTPP và EVFTA.
Mặt hàng chủ lực là tôm vẫn đóng vai trò quan trọng với kim ngạch gần 1,3 tỉ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024. Sự tăng trưởng này đến từ nhu cầu cao tại các thị trường lớn như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, cùng với giá tôm dần phục hồi do tái cân bằng cung cầu toàn cầu. Bên cạnh đó, cá tra đạt kim ngạch 633 triệu USD, tăng 9%. Đáng chú ý, một số mặt hàng tăng trưởng ấn tượng như cá rô phi và cá điêu hồng đạt
19 triệu USD, tăng 138%; nhuyễn thể đạt 216 triệu USD, tăng 18%; cua 83,1 triệu USD, tăng 82% và ghẹ 112 triệu USD tăng 50%. Riêng xuất khẩu cá ngừ 304 triệu USD chỉ tăng 1% do thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt do quy định kích thước tối thiểu cá ngừ vằn.
Đối với thị trường EU, nơi đang có triển vọng tốt với mặt hàng tôm trong quý 1, xuất khẩu đạt hơn 107 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu khởi đầu tích cực cho năm 2025. Động lực tăng trưởng đến từ nhu cầu hồi phục tại thị trường này. Bên cạnh đó là sự chủ động của doanh nghiệp Việt trong việc đa dạng hóa sản phẩm, cũng như tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan từ hiệp định EVFTA. Hầu hết các thị trường lớn là "đầu tàu tiêu thụ" trong EU đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong quý 1/2025 như: Đức đạt 28 triệu USD, tăng 38%; Bỉ đạt 23 triệu USD, tăng 59%; Hà Lan đạt 21 triệu USD, tăng 19%; Pháp đạt 8 triệu USD, tăng 39%.
Giá xuất khẩu trung bình của tôm chân trắng đi EU giữ ổn định ở mức 7,6 USD/kg còn tôm sú tăng nhẹ lên 10,9 USD/kg. Giá tôm phản ánh nhu cầu đã cải thiện và phân khúc cao cấp có nhiều dư địa phát triển. Tỷ trọng tôm chế biến (luộc, hấp, đóng gói siêu thị) hiện chiếm khoảng 42 - 45% tổng lượng xuất khẩu. Đây là bằng chứng cho xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển mạnh mẽ sang sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
90 ngày hoãn thuế đối ứng sắp hết hạn, vì sao?
Bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký VASEP, dự báo: Năm 2024 Mỹ là nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của VN. Chính sách thuế đối ứng sẽ khiến các mặt hàng như cá tra và tôm, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường này, chịu ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại, Mỹ đang thực hiện chính sách gia hạn 90 ngày với thuế đối ứng. Tính đến nay đã gần hết 30 ngày, trong 2 tháng tới (tháng 5 - 6.2025), xuất khẩu thủy sản VN được dự báo sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi chính sách thuế quan đối ứng có hiệu lực từ ngày 9.7.2025. Hiện các doanh nghiệp sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, nhằm tận dụng tối đa giai đoạn trước khi thuế quan mới làm tăng chi phí. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể tăng 10 - 15% so với tháng 4.2025, nhờ các hợp đồng mới bổ sung để duy trì thị phần.
Bà Hằng nhận định ngược lại xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Quốc và ASEAN có khả năng chững lại, với mức tăng trưởng chỉ khoảng 3 - 5%. Nguyên nhân là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ sản phẩm thủy sản Trung Quốc, vốn bị áp thuế cao tại Mỹ và buộc phải chuyển hướng sang thị trường nội địa cũng như các thị trường lân cận như ASEAN. Sự cạnh tranh này sẽ làm giảm sức hút của sản phẩm VN, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ. "Riêng EU và Nhật Bản có thể duy trì tăng trưởng ổn định khoảng 8 - 10%, nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của 2 thị trường này không đủ bù đắp sự chững lại ở Trung Quốc và ASEAN", bà Hằng lo lắng.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta (Fimex VN), lại có một góc nhìn khác về thời gian khi cho rằng việc gia hạn 90 ngày thuế đối ứng của Mỹ trên thực tế đến thời điểm này chỉ còn khoảng 2 tuần. Nguyên nhân là do Mỹ áp dụng thời điểm tính thuế khi tàu cập cảng đến chứ không phải từ cảng đi. Trong khi từ VN đến các cảng ở bờ Đông nước Mỹ phải mất đến 45 ngày (đến bờ Tây nhanh hơn từ 10 - 15 ngày), như vậy thực tế là chúng ta chỉ còn có khoảng 2 tuần để xuất hàng. Sau thời gian này hàng sẽ bị áp thuế rất lớn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng không dám mạo hiểm mà chỉ làm theo hợp đồng sẵn có, cũng như năng lực thực tế trên tinh thần "được bao nhiêu hay bấy nhiêu". Mặt khác, hiện tại nguyên liệu nội địa đang thiếu hụt do dịch bệnh tràn lan khiến giá tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp.
"Vào ngày 7.5 tới, VN sẽ bước vào vòng đàm phán thuế đối ứng với Mỹ, chúng tôi chỉ kỳ vọng vào một kết quả có lợi cho nền kinh tế nói chung. Thủy sản là lĩnh vực cung cấp sản phẩm thiết yếu với đời sống người tiêu dùng Mỹ và chiếm tỷ trọng kim ngạch không cao trong tổng cơ cấu xuất khẩu của VN vào Mỹ; do vậy hy vọng chúng ta sẽ đạt được kết quả đàm phán tốt", ông Lực chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, nói: Chỉ với 10% thuế nhập khẩu vào Mỹ thì đã làm phát sinh thêm chi phí rất lớn, đặc biệt với các hợp đồng đã ký. Công ty đang tiếp tục nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách tìm kiếm mở rộng thị trường mới. Điều quan trọng nhất vẫn là kết quả đàm phán giữa hai chính phủ VN và Mỹ. Nếu đàm phán thuận lợi thì các thị trường khác cũng khởi sắc theo và ngược lại.