Xóa vùng lõm sóng tại 238 thôn, bản chậm nhất trong tháng 9/2025

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông giải quyết triệt để các vùng lõm sóng di động tại các thôn, bản đã có điện lưới quốc gia.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, hiện vẫn còn 238 thôn, bản lõm sóng, nơi đã có điện lưới quốc gia. Bộ KH&CN đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương hoàn thành cơ sở hạ tầng trước 31/8/2025 và phát sóng chậm nhất trong tuần thứ 2 tháng 9/2025.
“Đối với 117 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn EVN xây dựng phương án cung cấp điện và giao các doanh nghiệp viễn thông khảo sát, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với phương án cung cấp điện, hoàn thành trước ngày 30/11/2025. Bộ sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ chi phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho các doanh nghiệp đã triển khai”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nói.
Tháng 11/2024, Bộ TT&TT (nay là Bộ KH&CN) được yêu cầu, trước ngày 30/11, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực trạng, đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng lõm sóng, lõm điện tại các thôn, bản.
Tính đến đầu tháng 10/2024, toàn quốc còn 761 thôn, bản lõm sóng di động. Trong đó, có 543 thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Thống kê của Bộ TT&TT thời điểm đó cho thấy, trong 761 thôn, bản lõm sóng di động, có 637 thôn, bản đã có điện và 124 thôn, bản chưa có điện.
Về triển khai hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định, hiện vẫn còn 3.551 thôn chưa có cáp quang đến thôn. Tại các thôn, bản chưa có điện lưới, hoặc đã có điện nhưng điện không đảm bảo cho hoạt động của trạm BTS thì việc triển khai máy phát điện để cung cấp điện cho trạm BTS sẽ rất tốn kém cho doanh nghiệp, trong khi doanh thu lại không bù được chi phí. Ngoài ra, một số thôn có địa hình khó khăn, chi phí đầu tư truyền dẫn điện, cáp quang và xây dựng trạm tại những khu vực này rất tốn kém.
Hiện giải pháp dịch vụ vệ tinh Starlink của SpaceX đang được tính đến để phủ sóng khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi cáp quang thông thường không thể vươn đến.
Theo phân tích của các chuyên gia, việc triển khai vệ tinh tầm thấp có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet ở vùng sâu, vùng xa, nơi cơ sở hạ tầng viễn thông chưa phát triển. Việc triển khai Internet băng rộng vệ tinh sẽ giúp các doanh nghiệp, chính phủ, trường học hay cá nhân sống ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể được tiếp cận với Internet tốc độ cao.