Nhảy đến nội dung

Xóa bỏ triệt để thái độ định kiến về kinh tế tư nhân

Tại Nghị quyết 68 (NQ 68), Bộ Chính trị đánh giá sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tuy nhiên, kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng là lực lượng nòng cốt của kinh tế đất nước.

Bảo đảm đầy đủ các quyền

Bộ Chính trị cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thể chế, pháp luật còn vướng mắc, bất cập. Kinh tế tư nhân còn gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn, công nghệ, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao… Từ đó, Bộ Chính trị khẳng định những giải pháp tổng thể, đột phá để phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân là cần thiết và cấp bách.

Bộ Chính trị xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững. Cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu xóa bỏ triệt để thái độ định kiến về kinh tế tư nhân VN; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Đồng thời, bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm. Tạo dựng, củng cố niềm tin giữa nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân…

Cắt giảm 30% chi phí tuân thủ pháp luật, điều kiện kinh doanh trong năm 2025

NQ 68 của Bộ Chính trị yêu cầu triển khai đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp từ cải cách thể chế, tiếp cận nguồn lực, nâng cao năng lực đến xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, về cải cách thể chế, nghị quyết nhấn mạnh đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế. Bộ Chính trị yêu cầu phải giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Đồng thời, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, nhất quán, ổn định, dễ tuân thủ, chi phí thấp.

Đáng lưu ý, Bộ Chính trị yêu cầu xóa bỏ các rào cản hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết. Trong năm 2025, tối thiểu phải cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; 30% chi phí tuân thủ pháp luật; 30% điều kiện kinh doanh hiện hành. Đồng thời, chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; hiện đại hóa quản trị công, quản trị dựa trên dữ liệu.

Thực hiện cơ chế thị trường, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên, tài sản, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực tài nguyên khác. Có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Trong đó, nhà nước có chính sách giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất. Tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ. Đồng thời, hỗ trợ thực chất, hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Trong đó, xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với các hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026...

* Mời bạn đọc xem toàn văn NQ 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trên thanhnien.vn