Nhảy đến nội dung
 

Xem phim miễn phí tại phố đi bộ Nguyễn Huệ: Nay Cánh đồng hoang, mai Địa đạo

Tối 27-4, trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bộ phim kinh điển Cánh đồng hoang (1979) của đạo diễn Hồng Sến đã được chiếu ngoài trời tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).

Sự kiện chiếu phim Cánh đồng hoang kéo dài từ 19h30 đến 21h, thu hút đông đảo người dân và du khách quốc tế tham dự.

Ngay từ 19h, hàng trăm khán giả đã đến ngồi kín khu vực trước màn hình, háo hức chờ đón khoảnh khắc bộ phim được trình chiếu. 

Nửa tiếng trước giờ chiếu, chương trình giao lưu diễn ra với sự tham dự của ông Huỳnh Công Khôi Nguyên - giám đốc Nhà Văn hóa Điện ảnh TP.HCM, và nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy - chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM.

Cánh đồng hoang, 50 năm vẹn nguyên cảm xúc

Bà Dương Cẩm Thúy gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những khán giả có mặt để cùng thưởng thức Cánh đồng hoang

Bà chia sẻ rằng việc chứng kiến người dân sẵn sàng ngồi dưới đất xem phim đã gợi nhớ ký ức những ngày còn rong ruổi chiếu phim lưu động khắp mọi miền đất nước. Dù bao nhiêu năm trôi qua, tình cảm người dân Việt Nam dành cho điện ảnh kháng chiến vẫn vẹn nguyên như thuở nào. 

Chia sẻ cùng khán giả, ông Nguyên nhấn mạnh những khó khăn trong công tác lưu trữ phim nhựa sau năm 1975. 

Ra đời trong giai đoạn đất nước còn nhiều gian khó, Cánh đồng hoang ghi dấu ấn sâu đậm nhờ cách khắc họa tinh tế lòng quyết tâm đánh giặc, tình cảm gia đình và nét đẹp đời thường của con người cách mạng. 

Ngoài người dân TP.HCM, sự kiện chiếu phim còn thu hút đông đảo khách quốc tế từ các nước phương Tây, Hàn Quốc, Trung Quốc. 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, bạn Minh Anh (20 tuổi) và bạn Bảo Ngọc (22 tuổi) cho biết cả hai đang đợi xem pháo hoa tại công viên bến Bạch Đằng nhưng vì phim hấp dẫn nên phải đứng lại theo dõi đến hết. 

"Từng nghe cha mẹ nhắc đến cái tên Cánh đồng hoang nhưng giờ mới được xem trọn vẹn, chắc chắn ngày mai mình sẽ quay lại để xem phim Địa đạo" - bạn Ngọc nói thêm.

Cánh đồng hoang tái hiện chân thực cuộc sống kháng chiến ở vùng Đồng Tháp Mười. Câu chuyện lấy cảm hứng từ thực tế chiến trường: các chiến sĩ phải sống, chiến đấu và giao liên trên những cánh đồng ngập nước, không có nơi ẩn náu ngoài lòng sông.

Cánh đồng hoang không chỉ là câu chuyện chiến tranh mà còn là khúc trữ tình về tình yêu quê hương, về sự đôn hậu và nghị lực của người dân Nam Bộ. Xen kẽ giữa những cảnh chiến trận là hình ảnh đời thường: tiếng cười trẻ thơ, câu hát ru con, bữa cơm đạm bạc đầy yêu thương.

Một trong những cảnh đắt giá nhất của Cánh đồng hoang là khi đôi vợ chồng buộc con vào bịch ni lông, dìm xuống nước để tránh sự truy lùng của trực thăng Mỹ khiến nhiều khán giả tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, đặc biệt là những người phụ nữ, rưng rưng nước mắt. 

Câu chuyện hậu trường cũng là một minh chứng cho sự tận tâm của ê kíp. Quá trình quay phim diễn ra giữa mùa nước lũ, các diễn viên liên tục phải ngâm mình dưới nước. 

Âm nhạc trong phim do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thực hiện, góp phần làm dày thêm lớp cảm xúc. Những giai điệu man mác buồn nhưng đầy hy vọng của ông đã nâng đỡ tinh thần câu chuyện, làm nổi bật tình người giữa bom đạn.

Một cảnh phim đáng nhớ nữa là khi chiếc ví chứa hình ảnh gia đình của phi công Mỹ rơi ra từ túi áo, người xem cũng không khỏi chết lặng ngắm nhìn khoảnh khắc khi bức ảnh bị gió cuốn khỏi ngọn cỏ.