Nhảy đến nội dung

Xây Trung tâm tài chính quốc tế: Đà Nẵng không cạnh tranh mà bổ trợ TPHCM

(Dân trí) - Theo chuyên gia quốc tế, nếu Việt Nam muốn xây dựng một trung tâm tài chính có vị thế toàn cầu hướng đến một hệ thống vận hành thống nhất, trong đó, Đà Nẵng không cạnh tranh mà bổ trợ cho TPHCM.

Quan điểm này được ông Richard McClellan, Đại sứ toàn cầu của Terne Holdings (nguyên Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair, từng nhiều năm làm việc tại McKinsey & Company - một trong ba tập đoàn tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới) đưa ra tại Hội nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, sáng 20/5.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình chủ trì, có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình xây dựng và đề xuất các cơ chế chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Đà Nẵng mang sẵn "DNA" của một trung tâm tài chính trong tương lai

Góp ý về cách xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam, ông Richard McClellan dẫn chứng thực tế, các trung tâm tài chính quốc tế mới thành công nhất không còn giới hạn tại một địa điểm duy nhất mà phát triển theo mô hình hệ sinh thái đa trung tâm, với các thành phố khác nhau đảm nhận những vai trò chuyên biệt, bổ trợ cho nhau, dựa trên lợi thế so sánh riêng biệt.

Dẫn chứng bài học ở các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), ông Richard McClellan cho biết Dubai dẫn đầu về tài chính toàn cầu, trong khi Abu Dhabi tập trung vào đổi mới quy định chính sách.

Ở Trung Quốc, Thượng Hải giữ vai trò trung tâm thị trường vốn, còn Thâm Quyến là đầu tàu về công nghệ tài chính và tài sản số; đảo Hải Nam đóng vai trò là khu vực thử nghiệm chính sách (sandbox) an toàn.

Mô hình này, theo ông, không phải trùng lặp mà để giảm thiểu rủi ro của mô hình, phân bổ hợp lý cơ hội kinh tế và tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo.

Với việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng, vị chuyên gia nhìn nhận địa phương này là nơi vốn đã mang sẵn "DNA" của một trung tâm tài chính trong tương lai. Đà Nẵng chính là một trường hợp như vậy nhờ những lợi thế về vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tính liên kết, quy hoạch.

Vị chuyên gia góp ý trung tâm ở Đà Nẵng nên đi theo hướng thử nghiệm thể chế chính sách & đổi mới sáng tạo; tài chính xanh & vốn ESG ; tài trợ thương mại và hàng hóa hay tài chính cho khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm.

Theo ông, nếu Việt Nam muốn xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế có vị thế toàn cầu, cần tư duy đó không phải một khu vực địa lý riêng lẻ, mà là một hệ thống vận hành thống nhất. Trong mô hình đó, Đà Nẵng không cạnh tranh với TPHCM mà bổ trợ cho nhau.

"Đà Nẵng mang lại sự cân bằng, chuyên môn hóa và là nơi thử nghiệm các ý tưởng táo bạo mà chúng ta có thể chưa sẵn sàng áp dụng ngay tại miền Nam", theo lời ông McClellan.

Giám đốc điều hành Liên minh các trung tâm tài chính quốc tế (WAIFC) cho rằng bên cạnh hạ tầng vật chất kỹ thuật cứng, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng xây dựng hạ tầng mềm, hạ tầng số để bảo đảm cho sự vận hành của trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng khi các trung tâm này đi vào hoạt động.

Đặc biệt, ông góp ý Việt Nam cần có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực để sẵn sàng vận hành trơn tru trung tâm tài chính quốc tế, cũng như phải bảo đảm nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho sự phát triển của các trung tâm tài chính, tránh sự đầu tư thiếu đồng bộ, dàn trải và manh mún.

Phát triển một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động ở 2 thành phố

Là lãnh đạo địa phương triển khai thực hiện chủ trương, kế hoạch về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận đây là vấn đề rất mới và rất khó với Việt Nam.

Nhấn mạnh tính cần thiết phải hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, ông Quảng cho rằng có thể xây dựng 2 trung tâm tài chính quốc tế riêng biệt, hoặc một trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động ở 2 địa điểm.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế là quyết định táo bạo nhưng cần thiết, mang tính chiến lược của Việt Nam.

"Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện để phát triển trung tâm tài chính quốc tế hiện đại", Phó Thủ tướng nói và nêu những yếu tố thuận lợi về nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, những chính sách hấp dẫn trong mời gọi, thu hút đầu tư; tiềm năng lớn về nguồn lực lao động…

"Nếu tận dụng được thời điểm vàng và có trung tâm tài chính quốc tế, đây sẽ là cú hích mạnh đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam", ông Bình nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho biết định hướng, chủ trương là sẽ phát triển một trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và TPHCM.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá để phát huy tối đa các lợi thế, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ bảo đảm các cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn