Xây dựng NTM: Sức dân là động lực quyết định

Trong xây dựng nông thôn mới, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và đang được phát huy mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên chuyển biến rõ rệt về diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chiến lược trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2022 tiếp tục khẳng định vai trò then chốt của tam nông trong phát triển bền vững, gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa. Trên tinh thần đó, nhiều chính sách quan trọng đã được ban hành, đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế tập thể, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Tham luận gửi đến Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 được tổ chức mới đây cho thấy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã chủ động vào cuộc mạnh mẽ trong hai phong trào trọng điểm: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Huy động sức mạnh toàn dân
Với phương châm “lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân”, MTTQVN đã phối hợp với các tổ chức thành viên đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã trở thành nền tảng lan tỏa, góp phần định hình nếp sống, nếp nghĩ của người dân trong các cộng đồng dân cư.
Sau 15 năm triển khai, người dân cả nước đã tự nguyện hiến hơn 98 triệu m² đất, đóng góp hàng vạn ngày công lao động để xây dựng đường sá, công trình công cộng. Đây không chỉ là minh chứng cho tinh thần tự nguyện, đồng lòng mà còn cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức, giảm dần tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước.
MTTQVN các cấp cũng đã phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, trưởng bản và các chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ an ninh trật tự và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong giai đoạn 2021–2025, MTTQVN các cấp đã tổ chức hơn 54.000 cuộc giám sát liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nội dung giám sát tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch đất đai, chế độ chính sách cho người nghèo và người có công, giải quyết khiếu nại trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hơn 17.000 cuộc phản biện xã hội đã được tổ chức, góp phần điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
Đặc biệt, việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân được MTTQVN triển khai bài bản, công khai, minh bạch. Giai đoạn 2021–2025, đã có hơn 15,6 triệu phiếu được phát ra để đánh giá sự hài lòng đối với kết quả xây dựng nông thôn mới ở cấp tỉnh, huyện và xã. Đây không chỉ là công cụ giám sát hiệu quả mà còn khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong công cuộc đổi mới nông thôn.
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái
Gắn liền với phong trào xây dựng nông thôn mới là công tác giảm nghèo bền vững. MTTQVN đã phát động Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ xã hội thông qua Quỹ “Vì người nghèo”.
Tính đến hết giai đoạn 2021–2025, tổng số tiền vận động cho Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội lên tới hơn 30.342 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được 7.894 tỷ đồng; Các chương trình an sinh xã hội khác vận động được 22.447 tỷ đồng.
Từ nguồn lực đó, đã có 193.641 căn nhà Đại đoàn kết được xây mới hoặc sửa chữa; 6,46 triệu lượt người nghèo được hỗ trợ khám chữa bệnh; 1,3 triệu học sinh, sinh viên được giúp đỡ học tập; 845.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất.
Các chương trình đặc biệt như “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo dấu ấn sâu đậm trong xã hội. Không dừng lại ở việc hỗ trợ Điện Biên, MTTQVN đang tiếp tục phối hợp phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn quốc, với mục tiêu hoàn thành trên 200.000 căn nhà trước ngày 31/8/2025.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng nông thôn mới, MTTQVN xác định các nhiệm vụ trọng tâm như gắn kết chặt chẽ giữa các cuộc vận động với các chương trình mục tiêu quốc gia, huy động toàn xã hội vào giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ứng dụng chuyển đổi số trong truyền thông để lan tỏa tinh thần tự chủ, trách nhiệm của mỗi người dân; Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, đảm bảo tiếng nói của người dân được lắng nghe và tôn trọng. Đặc biệt là xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu, đặc biệt ở các vùng khó khăn, nhằm tạo động lực lan tỏa toàn diện trong cộng đồng.
Chương trình xây dựng nông thôn mới không thể thành công nếu không có sự đồng hành của nhân dân – những chủ thể thực sự của quá trình phát triển. Chính vì vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền và nhân dân đã và đang phát huy hiệu quả to lớn trong khơi dậy nguồn lực, tinh thần tự lực và khát vọng vươn lên của toàn dân tộc.